Bí ẩn 'chữ thần' trên vách núi gây đau mắt ở Thanh Hóa

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 25/06/2013 06:59:00 +07:00

(VTC News) - Những chữ "thần bí" xưa nay thường được các bậc quân vương, danh sỹ tạc lên các danh lam thắng cảnh bậc nhất.

(VTC News) - Gần đây, có thông tin ở Nga Sơn (Thanh Hóa) phát hiện một chữ thần bí, rất to lớn trên vách núi, không ai biết là chữ gì, chỉ biết nó gây bệnh đau mắt cho người dân nên bị xâm hại. Chúng tôi trở lại Nga Sơn xem thực hư.


Men theo con đường nhỏ dọc bờ sông Hoạt, phía bên trái dãy núi Thần Phù, chúng tôi đi về xóm 7, xã Nga Thiện (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa). Đến cây cầu nhỏ bắc qua sông, còn đang băn khoăn tìm đường, thì một cụ già râu tóc bạc trắng, mặc bộ áo vải nâu sồng tinh tươm sạch sẽ dừng xe đạp bắt chuyện với khách.

“Các cháu muốn xem chữ trên vách núi thì cứ đi dọc bờ sông, đừng rẽ qua cầu. Đường dân sinh nên không có cột số hay biển chỉ dẫn gì đâu, nhưng cứ đi thẳng chừng hơn 2km thì tới” - cụ già vui vẻ cho biết.

Dường như chưa yên tâm, cụ già dáng vẻ quắc thước lại ghìm ghi đông xe trên dốc cầu, nói thêm: “Bám theo đường bờ sông, đừng rẽ ngang lối nào cả. Ngọn núi bên đường đi chìa ra bờ sông là núi Lã Vọng, rất đẹp nhưng không khắc chữ đâu. 

Cứ đi thẳng, đếm thấy trạm bơm nước thứ hai thì ngước nhìn sang bên kia sông, đó là núi chữ Thần. Vách núi có chữ to như manh chiếu, màu son phai, rất dễ nhận thấy, không nhầm được đâu”.
chữ thần
Núi Thạch Bi, nơi có chữ Thần từ thời nhà Lê 
Chúng tôi đi theo lối tay chỉ của ông cụ. Đường đất phù sa dễ đi, một bên là dòng sông chảy lững lờ, bên kia là các đồi núi thấp và những cánh đồng cói xanh mướt mát. Đến rặng cây xanh mát thì núi chữ Thần hiện ra, trầm lặng soi bóng nước.

Ngọn núi không cao lắm, là điểm cao cuối cùng của một dãy núi thấp đâm ra biển. Trên lưng chừng vách núi, một vuông đá bị vạt đẽo, chạm khắc tạo thành một chiếc khung lớn. Chính giữa khung đá phẳng tạc một chữ Hán khổ lớn, nét chạm rắn rỏi, tài hoa.

Bia đá rộng hơn 3m, dài khoảng chừng 3,5m, ở giữa chứa một chữ “Thần” vuông vức, cân đối. Từ chân núi lên đến hết chữ đá dễ cũng phải cao đến cả chục mét. Vách đá phẳng, không có điểm đứng chân. Người xưa đã làm cách gì để leo lên và chạm khắc tấm bia công phu như vậy?
chữ thần
Vách đá có khắc chữ Thần 
Một người đàn ông trung niên thấy chúng tôi hứng thú chụp ảnh, bàn luận về bức chạm khắc, thì đi tắt qua lối bờ rào đến xem. Ông bảo: “Chữ của thần linh đấy, chẳng biết tạc từ bao giờ, không ai đọc được đâu”.

“Bên cạnh chữ lớn cũng có nhiều chữ nhỏ nữa đấy, bên phải nó ấy. Trước đây người làng hay nhìn đọc chữ này mà bị bệnh đau mắt hàng loạt, nên người ta đã bắc thang trèo lên đục xóa hết đi rồi” - người đàn ông ăn mặc lam lũ tiếp tục nói.

Chúng tôi cười nói lại rằng nếu ai biết chữ Hán thì có thể dễ dàng đọc được chữ này, vì nét chữ còn rõ mồn một, to đùng. Nó đúng là chữ “Thần”, thường hay được gắn với những thắng cảnh đẹp đẽ, độc đáo, chứ không phải là chữ thần kỳ, bí hiểm gì cả. 

Còn câu chuyện về bệnh đau mắt, có lẽ như cách nói hài hước của các cụ xưa là tại “hướng đình”, do điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, chứ chưa hẳn những dòng lạc khoản bên chữ Hán kia là thủ phạm. 

Người đàn ông nhìn chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên rồi bỏ đi lúc nào chẳng rõ, khi tôi chưa kịp hỏi tên tuổi. Bốn bề vắng lặng, không có chiếc thuyền con nào để vượt qua khúc sông hẹp đến bãi đất bồi hẹp nơi chân núi để trèo lên sờ vào nét chữ.
chữ thần
Chữ Thần ở Nga Sơn, tương truyền do vua Lê Thánh Tông ngự đề từ khoảng 600 năm trước 

Tuy nhiên, đứng bên này ngắm sang thì mới thấy hết sự kỳ công và dụng ý của người xưa khi tạc vào vách đá bức thư pháp ấy. Nó hài hòa cùng toàn cảnh của ngọn núi, dãy núi thuộc hệ thống núi Tam Điệp nối dài nhấp nhô, như là điểm nhãn cho rồng, rất kỳ diệu.

Cuộc trò chuyện với ông Mai Văn Dũng, Trưởng phòng Văn hóa, thể thao và du lịch huyện Nga Sơn, chúng tôi biết thêm, bia đá có từ rất lâu, nhưng địa phương chưa từng lập hồ sơ nghiên cứu gì nên chưa rõ lai lịch nó thế nào, cứ bảo tồn vậy đã. Còn chuyện bia đá gây đau mắt thì ông bác bỏ thẳng thừng.

Ngược dòng thời gian, ngàn năm trước, mảnh đất Nga Sơn hiện nay vốn là một hoang đảo, nơi vua Hùng đày Mai An Tiêm ra để trị tội dám phát ngôn “tự lực, tự cường”, không coi trọng ân sủng của nhà vua.

Đây cũng là nơi Từ Thức lạc vào động Bích Đào của núi Thần Phù, gặp lại nàng tiên Giáng Hương, cùng vui thú nơi tiên cảnh. Đứng từ trên núi Thần Phù nhìn sang thì thấy rõ núi chữ Thần, vì hai núi chỉ cách nhau một quãng ngắn.

Hàng trăm năm trước, nơi đây là cửa biển Thần Phù nổi tiếng, huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng từ ngoài bắc đi vào xứ Thanh Nghệ, gắn liền với những cảm tác của các vị quân vương, thi sĩ danh tiếng như Lý Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ…

Con sông Hoạt chảy qua chân núi hiện nay là dấu tích của một dòng chảy của cửa biển Thần Phù xưa, vì vậy có thể khẳng định, trước đây vùng này mênh mông nước, không thể dựng thang, làm giá để đứng lên tạc khắc chữ vào vách đá được.
chữ thần
Người xưa đã buộc thuyền và khắc chữ lên vách đá theo thủy triều của cửa biển Thần Phù cổ xưa này? 
Nghe chúng tôi thắc mắc, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Phan Bảo chỉ bật cười: “Có gì khó đâu. Trên mặt nước thì dùng thuyền. Một chiếc thuyền neo vào vách đá, cứ thủy triều lên thì chạm khắc ở bên trên, thủy triều xuống thì chạm khắc bên dưới. 

Công việc tạo nên bức thư pháp này có lẽ không phải một ngày vài buổi mà xong, cũng không phải một người thợ hứng chí mà làm. Nên khi nghỉ ngơi, có thuyền trên bến nước mà uống rượu vui vầy ngắm phong cảnh lại càng thú lắm”.

Lật giở sử sách, thấy ngọn núi mà người dân gọi nôm na là núi chữ Thần, núi Bia có tên chữ là núi Thạch Bi (Bia đá). Phần tỉnh Thanh Hóa (quyển thượng) của bộ sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, có chép rõ ràng về ngọn núi này: 

“Núi Thạch Bi ở phường Mỹ Quan, thuộc huyện Tống Sơn (nay là phần đất xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn - PV). Non liền bến nước, móng đá thuyền chui. Trên vách đá có một chữ “Thần” viết bằng nét son tươi thắm, tương truyền vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”.

Việc được vua sai khắc chữ đối với các nghệ nhân đá coi như là vinh hạnh, có quản gì khổ công? Những người thợ đá giỏi nghề nhất sẽ được đưa về đây để làm, trong sự giúp rập tận tình của quan quân sở tại.
chữ thần
Thêm một chữ Thần nữa ở Thanh Hóa, tương truyền do chúa Trịnh Sâm sai tạo tác 
Lại xem các vùng danh lam thắng cảnh khác, thấy ở ngôi đền phía đông núi An Hoạch (núi Nhồi, cách thành phố Thanh Hóa 3km) cũng có khắc một chữ “Thần” rất to trên vách núi. Chữ “Thần” này tương truyền do chúa Trịnh Sâm sai người tạo tác, nhân một chuyến vãn cảnh.

Ngay cách ngọn núi Thạch Bi không xa, tại ngôi chùa Bạch Á bên trái núi Thần Phù cũng có một chữ “Phật” lớn, mà theo lời nhà bác học Lê Quý Đôn trả lời chúa Trịnh Doanh, đó là chữ do vua Lý Thánh Tông ngự đề…


Gia Linh 
Bình luận
vtcnews.vn