Con đường tìm lại sự sống của cô gái xinh đẹp bị ung thư máu

Bệnh và thuốcThứ Ba, 17/05/2016 07:50:00 +07:00

Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư máu, năm 2012, Nguyễn Thị Hương đã được ghép tế bào gốc – một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời em.

(VTC News) – Sống sót thần kỳ nhờ được ghép tế bào gốc sau thời gian mắc ung thư máu, Nguyễn Thị Hương nay đã trở thành cô gái xinh đẹp, yêu đời, luôn sáng bừng sức sống.

Nhân dịp tổng kết 10 năm hoạt động ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nhiều bệnh nhân được ghép tế bào gốc đã đến dự và tri ân các thầy thuốc.

Trong số đó có em Nguyễn Thị Hương ở Bắc Giang. Cô gái xinh xắn sinh năm 1989 sau hơn 3 năm được ghép tế bào gốc đã có thể vượt qua bệnh tật, lấy lại hi vọng và sống như bao người khác. 

Từng là một cô sinh viên vừa tốt nghiệp đi làm với nhiều hoài bão về công việc, tình yêu và cuộc sống, Hương bỗng như rơi xuống vực thẳm khi phát hiện mình bị ung thư máu.

Nguyễn Thị Hương tươi trẻ sau vài năm em được ghép tế bào gốc từ chị gái.
Nguyễn Thị Hương tươi trẻ sau vài năm em được ghép tế bào gốc từ chị gái.
Hương kể, bệnh em không có biểu hiện rõ, chỉ sốt cao liên tục, đi khám bác sỹ điều trị cho thuốc nhưng không hết sốt. Sau đó, em lên viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và được xác định mắc phải bạo bệnh.

Tuyệt vọng rồi lại lấy lại niềm tin vào cuộc sống vì nghĩ đến cha mẹ, người thân, Hương quyết không đầu hàng dù phải chứng kiến nhiều người có hoàn cảnh tương tự mình buông tay trước số phận.

"Có trường hợp đã tự tử vì nghĩ rằng không thể chữa được ung thư, rằng ung thư là chết. Có bạn không đồng ý ghép tế bào gốc mà để cho mình chết. Bạn ấy buông bỏ cuộc sống dễ dàng quá", Hương tâm sự.

Cô gái nhỏ nhắn nhưng kiên cường đã cố gắng chống lại bệnh tật, vượt qua những cơn đau đớn, những lần truyền hoá chất mệt mỏi kéo dài, giờ đây tóc Hương đã lại dài, gương mặt em lúc nào cũng toát lên vẻ hạnh phúc sáng ngời. Nếu không nói ít người có thể tin rằng cô gái này đã từng mắc ung thư máu.

May mắn đã mỉm cười nhờ bàn tay vàng của các bác sỹ và nhờ chị gái em đã cho em tế bào gốc. Hương chia sẻ, "Em tự tin vào cuộc sống này vì nhiều anh chị em chứng kiến bị ung thư máu nhưng vẫn xây dựng gia đình, có con".
GS.TS - Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tặng hoa cho bệnh nhân được ghép tế bào gốc.
Hương không phải là trường hợp duy nhất có cơ hội tìm lại sự sống bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Sau 10 năm thực hiện ca ghép tế bào gốc đầu tiên, đến nay Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã có hơn 200 ca ghép tế bào gốc thành công.

TS Bạch Quốc Khánh – Phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tháng 11/2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đau tủy xương đã được thực hiện thành công.

Đến tháng 8/2008, Viện Huyết học bắt đầu ghép tế bào gốc đồng loài đầu tiên và cho đến nay rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc.

Chăm sóc bệnh nhân sau ghép tế bào gốc.
Từ tháng 6 năm 2006, số ca ghép của Viện cũng đã tăng lên với tốc độ rất nhanh, từ mức 4-6 ca/năm của giai đoạn trước, đã tăng vọt lên 19 ca năm 2011, rồi trung bình 50 ca/năm, đưa tổng số ca ghép tính đến tháng 5/2016 lên đến 204 ca, gồm 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loài.

Đáng nói hơn, ghép tế bào gốc tự thân cho các nhóm bệnh Đa u tủy xương, U lympho ác tính đã trở thành phương pháp thường niên của Viện. Không chỉ vậy, tỷ lệ sống đối với các ca ghép tự thân (70%) và đồng loài (63,3%) luôn ở mức cao.

GS.TS - Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: Nguồn tế bào gốc dùng ghép cho bệnh nhân là một trong những yêu cầu quan trọng tạo nên ca ghép thành công. Vì vậy, ngân hàng máu dây rốn cộng đồng (Ngân hàng tế bào gốc) đầu tiên của Việt Nam được thành lập có ý nghĩa rất quan trọng.

Ngân hàng Tế bào gốc ra đời cũng thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình thu thập nguồn Tế bào gốc cộng đồng. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã ký kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thu thập máu dây rốn từ những sản phụ tình nguyện hiến. Cho đến nay, có 2400 đơn vị máu dây rốn được thu thập, xử lý và lưu trữ thành công.

Nguyễn Tâm
Bình luận
vtcnews.vn