‘Cò’ đua nhau mời chào, hét giá nhà ở xã hội IEC Residences

Bất động sảnThứ Năm, 05/03/2020 12:29:21 +07:00
(VTC News) -

Nhiều “cò” nhà đất khẳng định, chỉ cần bỏ 70 – 150 triệu đồng, khách dù chưa đủ điều kiện vẫn được mua nhà ở xã hội IEC Residences (Tứ Hiệp, Thanh Trì, TP Hà Nội).

Để được xét duyệt mua nhà ở xã hội là cả chặng đường gian nan với người nghèo. Thế nhưng, tại không ít dự án, nhiều người lại dễ dàng có suất mua, thậm chí được chọn căn hộ ưng ý với điều kiện bỏ ra một khoản tiền “chênh” trên dưới 100 triệu đồng. Việc làm này dù không được phép, tiềm ẩn rủi ro về pháp lý cho cả khách hàng lẫn chủ đầu tư nhưng hiện cả người mua và bán vẫn bất chấp.

“Chung” 70 triệu đồng, chắc suất nhà ở xã hội

Trong vai người mua nhà, PV đến dự án nhà ở xã hội IEC Residences, đây là dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC làm chủ đầu tư với 3 tòa chung cư gồm: CT1 27 tầng, CT2 23 tầng, và CT3 21 tầng.

‘Cò’ đua nhau mời chào, hét giá nhà ở xã hội IEC Residences - 1

Dự án nhà ở xã hội IEC Residences.

Dù mới đang trong giai đoạn nhận hồ sơ nhưng các “cò” đã bu quanh dự án. Gặp khách có nhu cầu mua, lập tức “cò” lao đến tư vấn nhiệt tình. Tiếp cận chúng tôi, nhiều “cò” đon đả chào mời. Ngay sau vài câu hỏi thăm dò, “cò” tên L. "huỵch toẹt" rằng muốn mua căn hộ tại IEC Tứ Hiệp, người mua phải thông qua kênh của các sàn môi giới bất động sản. Khách hàng đồng ý, nộp tiền cọc, sẽ được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và đảm bảo suất mua. Nếu nộp hồ sơ trực tiếp qua chủ đầu tư, chắc chắn hồ sơ sẽ bị trả về hoặc bốc phải căn hộ kém phong thủy.

Theo nhân viên môi giới này, khách hàng muốn mua nhà cần đặt trước 20 triệu đồng gọi là “tiền đặt cọc tư vấn”. Ngoài giá bán căn hộ được chủ đầu tư thông báo, khách hàng phải nộp thêm khoản tiền “chênh” từ 70 – 150 triệu đồng. Cụ thể, để chắc suất mua, khách hàng phải chung chi 70 triệu đồng, để chọn căn tầm dưới 70m2, số tiền “lót tay” là từ 80 – 90 triệu đồng và để chọn căn rộng rãi 77m2, có vị trí đẹp thì khoản chênh này lên tới 150 triệu đồng.

“Ngày 17/3 là chốt hồ sơ đợt 1. Anh chị lấy đợt này em làm hồ sơ và giúp theo mức giá ưu đãi khách hàng dịp Tết”, L. nói và cho biết sau khi hoàn thành hồ sơ sẽ có phiếu tiếp nhận căn hộ của chủ đầu tư.

Vẫn theo L., số tiền chênh thu của khách hàng, sau khi trừ phần trăm "hoa hồng" cho nhân viên và sàn môi giới, phần lớn được chuyển về cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC.

Chúng tôi thắc mắc vì sao không ký trực tiếp với chủ đầu tư, L. cho hay do là dự án nhà ở xã hội, hồ sơ phải qua xét duyệt và dự án mới đang trong quá trình làm tầng hầm nên phải ký với trung gian là Công ty cổ phần Bất động sản MB (trụ sở tại Tòa nhà Sky Line, Văn Quán, Hà Đông, TP.Hà Nội) hoặc với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Incons (trụ sở tại Tứ Hiệp, H.Thanh Trì, TP. Hà Nội).

Theo tìm hiểu, nhiều khách hàng đã chi cả trăm triệu đồng để không phải qua xét duyệt và được chọn căn hộ ưng ý tại dự án. Đơn cử như ngày 20/11/2019, ông P.V.C (Hoàng Mai, Hà Nội) ký thỏa thuận tư vấn với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Incons (trụ sở tại Tứ Hiệp, H.Thanh Trì, TP.Hà Nội) do ông Nguyễn Hữu Phú làm Giám đốc kinh doanh. Theo hợp đồng, khách hàng đồng ý đặt cọc số tiền 20 triệu đồng để đảm bảo cho công tác tư vấn. Tuy nhiên theo L., số tiền này nằm trong khoản “chênh” mà khách hàng đồng ý “chung chi”. Xác nhận qua điện thoại, ông C. cho biết đồng ý chi thêm 80 triệu đồng để đảm bảo chắc chắn suất mua căn 70m2.

Tương tự, ngày 2/11/2019, ông T.K.T (Thanh Trì, Hà Nội) ký hợp đồng tư vấn hồ sơ với Công ty cổ phần Bất động sản MB nhờ tư vấn mua căn hộ tại trục CT2-1, tòa CT2, tầng 7 -11, hướng cửa Tây Bắc. Theo hợp đồng, ông T. phải nộp số tiền 90 triệu đồng.

Chủ đầu tư nói gì?

Trả lời VTC News, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC khẳng định không ủy quyền cho bất cứ sàn nào nhận đặt cọc, tư vấn hay ký kết hợp đồng mua bán căn hộ tại IEC Residences.

“Hiện nay tại địa điểm xấy dựng của dự án đang xuất hiện nhiều đối tượng giả danh nhân viên của chủ đầu tư, có hành vi lôi kéo, hướng dẫn khách hàng quan tâm đến dự án chuẩn bị thủ tục hồ sơ mua, thuê nhà ở xã hội nhằm mục đích trục lợi”, đại diện chủ đầu tư nói.

‘Cò’ đua nhau mời chào, hét giá nhà ở xã hội IEC Residences - 2

Dự án mới đang trong quá trình xây dựng phần tầng hầm. 

Theo vị này, việc làm trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC và cung cấp thông tin sai lệch cho các khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án.

“Chúng tôi mong cơ quan điều tra hỗ trợ giải tán các đối tượng lợi dụng chính sách về nhà ở xã hội để trục lợi, thu tiền sai quy định tại Dự án nhà ở xã hội IEC”, đại diện IEC Residences cho biết.

Nhằm làm rõ thông tin liên quan đến các khoản tiền chênh, chúng tôi đã tìm đến trụ sở của Công ty cổ phần Bất động sản MB. Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý Tòa nhà Sky Line cho biết, danh sách các công ty đang thuê trụ ở tại đây không có công ty nào tên như trên.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Incons (Incons) là đơn vị thi công tại Dự án IEC Residences. Ông Nguyễn Hữu Phú – người ký thỏa thuận tư vấn với khách hàng chính là Giám đốc Kinh doanh.

Chúng tôi cũng nhiều lần liên hệ với UBND huyện Thanh Trì để phản ánh về tình trạng bát nháo có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra thời gian dài trên địa bàn, cách trụ sở UBND huyện Thanh Trì không xa nhưng không nhận được hồi đáp.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sau nhiều hiện tượng “cò” mồi lừa đảo khách hàng mua nhà ở xã hội tại các dự án trên địa bàn Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội có thông báo trên trang chủ của Sở.

Ông Dũng cho biết thêm, chủ đầu tư chỉ được huy động tiền ứng trước, huy động vốn của khách hàng sau khi đã đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách về nhà ở xã hội và nhu cầu của người dân để thu tiền sai quy định.

Video: Nhà ở xã hội bán chênh hàng trăm triệu đồng. Nguồn: VTC1

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn