Bất chấp kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng trở lại

Đầu TưThứ Tư, 11/10/2023 16:18:54 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 9 tháng đầu năm dù kinh tế khó khăn nhưng số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chiều nay 11/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm có nhiều khó khăn nhưng số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. 

Tính riêng trong quý III/2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng đầu năm, chúng ta có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022.

Bên cạnh đó, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp 9 tháng đầu năm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp 9 tháng đầu năm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. 

Doanh nghiệp trong một số ngành trọng điểm có tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế quốc gia. 

Đặc biệt đáng ghi nhận là trong bối cảnh hết sức khó khăn xuất hiện nhiều tấm gương, doanh nghiệp tiêu biểu chủ động thích ứng với bối cảnh mới, đổi mới sáng tạo, đón bắt xu hướng, tham gia các ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như: FPT, Viettel, PVN, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khu vực tư nhân đã tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn. Tiêu biểu như: Vinamilk, Vĩnh Hoàn, Việt Nam Food…qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050.

Dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không chỉ từ nay đến cuối năm mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024, tập trung vào 4 nhóm vấn đề nổi cộm.

Đó là sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm.

Áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý "sợ sai", không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước tạo áp lực lớn về chi phí tuân thủ; gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn