'Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải từ cái nhỏ nhất như mớ rau, con cá'

Doanh nghiệp vì người tiêu dùngThứ Tư, 09/11/2022 14:41:00 +07:00
(VTC News) -

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải bảo vệ từ cái nhỏ nhất như mớ rau, con cá chứ chưa nói đến cái lớn hơn là xe máy, ô tô…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội là người dành phần lớn thời gian cho hoạt động thương mại, siêu thị và thị trường Việt Nam. Ông đã trả lời VTC News về vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay.

- Ông đánh giá thế nào về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay? Người tiêu dùng Việt Nam đã được bảo vệ tốt nhất chưa?

Từ khi chúng ta có luật bảo vệ người tiêu dùng đến nay, đã có những tiến bộ rõ rệt trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng được lựa chọn hàng hóa dễ dàng hơn, dân chủ hơn, được bảo đảm quyền lợi tốt hơn theo xu thế mua bán văn minh, hiện đại. Đây là những ưu điểm của luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, đối chiếu về việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, với những tồn tại của luật cũ, giai đoạn cũ thì các khiếu nại vẫn còn bị vướng mắc. Bên cạnh đó, các vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn tiếp diễn, vì thế người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa được bảo vệ tốt nhất. Do đó, hiện nay, Quốc hội đang tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho sát hơn với tình hình thực tế, nhất là khi việc giao dịch mua bán hiện nay đang diễn ra theo xu hướng hiện đại hơn bằng những giao dịch điện tử.

Chúng ta có thị trường rất lớn hàng trăm triệu dân, doanh số bán lẻ hàng trăm tỷ USD, giao dịch điện tử khoảng 15 tỷ USD, do đó không tránh khỏi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bị vi phạm. Tuy nhiên, chúng ta có trách nhiệm phải giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong 8 quyền đã được xác định rõ trong luật quyền lợi người tiêu dùng.

'Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải từ cái nhỏ nhất như mớ rau, con cá' - 1

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

- Theo ông, những bất cập trong sứ mệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang là gì?

Thứ nhất, luật đã có nhưng chuyện thực thi còn yếu. Các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ…có tiếng nói đối với người tiêu dùng chưa đủ sức mạnh, chưa có quyền uy. Ngoài ra, điều kiện hoạt động của những tổ chức này cũng hết sức khó khăn cùng nhiều nguyên nhân khách quan như tâm lý trì trệ của phần đông người tiêu dùng, chế tài còn có bất cập...chính vì thế để bao quát và xử lý triệt để mọi vấn đề cũng không dễ.

Có thể thấy, giao dịch trên thị trường hiện nay phần lớn là giao dịch mua đứt bán đoạn, không chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, hàng hóa của mình, nguyên nhân một phần vì chúng ta chưa có sàn giao dịch minh bạch, công khai, phủ rộng như các nước. 

Vừa rồi tôi thấy một câu chuyện rất đáng buồn, đó là rau sạch tiêu chuẩn Vietgap ở Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội) phải xé bao bì, bỏ tem nhãn để giảm chi phí rồi bán cùng với rau “bẩn", hàng không vào được siêu thị. Như thế có nghĩa là quyền được mua rau sạch của người tiêu dùng không được đảm bảo tốt nhất.

Hay như chuyện dân chủ trong giao dịch mua bán. Tôi lấy ví dụ một hộp chứa thức ăn bán trong siêu thị, đã được bịt kín, dán mã vạch đúng tiêu chuẩn. Người tiêu dùng mua xong, mang về nhà mở ra thì phát hiện thịt đã hỏng. Như vậy thì cơ quan chức năng sẽ phân định như thế nào, trách nhiệm thuộc về ai là rất khó xác định.

Đó là những bất cập mà qua đó tôi cũng đề nghị cơ quan Nhà nước phải tính lại trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là phải bảo vệ từ cái nhỏ nhất, từ mớ rau con cá chứ chưa nói đến cái xe máy, ô tô…

- Các cơ quan chức năng đang thể hiện vai trò bảo vệ người tiêu dùng thế nào?

Quyền uy và trách nhiệm của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta là không nhiều. Ở các nước, các hiệp hội có quyền đề nghị đình chỉ bán hàng vào siêu thị nếu vi phạm nghiêm trọng nhiều lần; đồng thời trách nhiệm của hội là nếu không bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng thì cũng phải chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, trong nghị định về các hội không có quyền hạn và cũng không có trách nhiệm trên. Nhiều người tiêu dùng còn chưa biết đến vai trò của những cơ quan này.

Tuy nhiên, với tình hình hoạt động hết sức khó khăn như hiện tại, phải thấy rằng các cơ quan này cũng đã cố gắng hết sức để phát huy được vai trò bảo vệ người tiêu dùng của mình. 

- Việc người tiêu dùng hiện vẫn mơ hồ về quyền lợi của mình và không có ý thức tự bảo vệ cũng là nguyên nhân khiến mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng của cơ quan chức năng khó đạt hiệu quả?

Thứ nhất, kiến thức về thực phẩm, lương thực, hàng hóa của người tiêu dùng còn thấp. Thứ hai, hàng giả bây giờ đôi khi còn đẹp hơn hàng thật, trong khi người tiêu dùng đôi lúc còn ham rẻ. Ngoài ra, các kiến thức về tự bảo vệ quyền lợi của chính mình còn chưa am hiểu nên mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng khó đạt hiệu quả là đúng.

Nhưng mặt khác, ở góc độ trách nhiệm của cơ quan chức năng thì bên cạnh việc nói người tiêu dùng phải thông thái, chính các cơ quan quản lý cũng phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng.

- Vì sao người tiêu dùng ngại khiếu nại, khiếu kiện, ngại lên tiếng để đòi quyền lợi chính đáng?

Như đã nói ở trên, các kiến thức về bảo vệ quyền lợi của chính mình còn chưa am hiểu nên việc khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng khó có thể đạt được kết quả tốt nhất. Mà chưa đạt được kết quả tốt thì lại càng ngại đi khiếu nại, khiếu kiện. Thậm chí có người còn không biết là trong những trường hợp nào thì mình được pháp luật bảo vệ.

Nguyên nhân thứ hai là quy trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện còn phức tạp. Ở nước ta, chúng ta rất ít dùng đến trọng tài kinh tế, tòa án kinh tế. Người tiêu dùng có tâm lý e ngại việc “được vạ thì má đã xưng", chạy 10 quãng đồng để khiếu nại 10 gói bim bim kém chất lượng chẳng hạn thì không ai muốn.

- Tình trạng nàysẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của thị trường, thưa ông?

Tâm lý ngại khiếu kiện của người tiêu dùng chắc chắn sẽ mang lại hệ lụy không tốt cho nền kinh tế. Có thể sẽ xuất hiện tâm lý chuộng hàng ngoại hơn hàng nội, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước. Vì khi ngại khiếu kiện, khiếu nại mà cứ mua phải hàng kém chất lượng, chán quá rồi người tiêu dùng đi mua hàng chuẩn, thà đắt hơn còn hơn. Những doanh nghiệp sản xuất, những người làm ăn chân chính không cẩn thận sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua, còn làm ăn “ma giáo" có khi lại thuận lợi.

Mặt khác, người tiêu dùng nếu ngại lên tiếng bảo vệ chính mình cũng đồng nghĩa với việc vô tình bao che cho những hành vi gian lận, khiến những hành vi này dễ dàng được nhân rộng vì không bị ai kiểm soát. Cơ quan chức năng không nắm được thông tin, không vào cuộc xử lý được thì sẽ không thể ngăn chặn gian thương, thị trường vì thế chắc chắn diễn biến tiêu cực, lại tiếp tục ảnh hưởng đến chính quyền lợi của người tiêu dùng.

- Ông có khuyến cáo gì với các cơ quan chức năng về trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng?

Với các cơ quan chức năng, không chỉ có mỗi một nhiệm vụ là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà họ còn vô vàn những việc khác, trong khi nhân lực thì có hạn, làm việc không xuể. Tôi cho rằng, các cơ quan Nhà nước được giao trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nên được quy về một mối, nâng tầm lên và phân công phân nhiệm rõ ràng từng vùng, từng địa phương. Các tổ chức, hiệp hội cũng cần đề cao tinh thần trách nhiệm. Nếu không có trách nhiệm đến cùng thì vẫn dễ để xảy ra sơ xuất. Khi mà mọi việc nó đã vượt tầm kiểm soát, với lực lượng mỏng thì cơ quan chức năng sẽ khó có thể xử lý hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Công Hiếu(thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn