Cần nghĩ cách để dân có tiền đi du lịch

Thị trườngThứ Ba, 19/05/2020 10:47:05 +07:00
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, sau khi COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu du lịch trong dân rất cao, nhưng phải làm thế nào để dân có tiền đi du lịch mới là điều quan trọng.

Theo khảo sát nhu cầu khách du lịch nội địa hậu COVID-19 của VnExpress và TAB, 31,9% số người trả lời cho biết sẽ đi du lịch trong năm 2020, 29,3% có ý định lên đường vào mùa hè này, 24,8% đi du lịch trong 1 đến 2 tháng tới và 14,1% chưa có dự định.

Trong đó, 49,3% dự định đi du lịch trong 2 đến 3 ngày, 37,6% có chuyến đi từ 4 đến 7 ngày, 10,7% du lịch dài hơn 7 ngày và chỉ 2,4% chỉ đi chơi trong ngày.

60,5% người tham gia khảo sát cho biết sẽ đi du lịch cùng gia đình, 29,1% có bạn bè đồng hành, chỉ 6% đi một mình và 4,4% chọn đi nghỉ mát với cơ quan, tổ chức.

Phương tiện phổ biến nhất là máy bay, với 51,7% người tham gia khảo sát lựa chọn, 20,2% sẽ đi du lịch bằng xe riêng, 18,1% thuê xe và chỉ 2,2% đi tàu hỏa. 7,8% lựa chọn những phương tiện khác. 61,8% du khách lựa chọn du lịch tự túc, 23,5% một phần đi tour một phần tự túc còn 14,7% đi tour qua công ty.

Cần nghĩ cách để dân có tiền đi du lịch - 1

Hậu COVID-19, nhu cầu đi du lịch của người dân đang rất cao.

Khu nghỉ dưỡng ven biển được đa số du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ năm nay với 67,2%, tiếp đó là các điểm du lịch nổi tiếng, khu nghỉ dưỡng trên núi, khu du lịch sinh thái, thành phố lớn, điểm du lịch gần nhà và điểm du lịch công cộng.

Lý do để các du khách đi du lịch hậu COVID-19 là dịch vụ và điểm đến an toàn, điểm đến du lịch an ninh và an toàn. Một số quyết định lên đường bởi có các chương trình ưu đãi, không phải trả phí phạt khi thay đổi, hủy tour. Còn 7% người tham gia khảo sát chưa quyết định đi du lịch vào thời điểm này.

Ông Nguyễn Thế Cường - Trưởng ban Kinh doanh chiến lược Bamboo Airways, thông tin, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường du lịch đã phục hồi khá tốt. Ông Cường dẫn chứng, ngay từ dịp 30/4 năm nay, chúng tôi đã khai thác đầy đủ công suất hệ thống FLC nói chung và Bamboo Airways nói riêng. Như cuối tuần này, FLC Sầm Sơn có hơn 1.000 phòng và đa số đã kín dịp cuối tuần. Nhu cầu của khách đang rất tốt và nếu chúng ta có biện pháp, chúng ta hoàn toàn đạt được thành công trong thời gian tới.

Chúng tôi đánh giá đây là thời điểm vàng để quay lại bầu trời. Ngay từ 30/4 trở lại, chúng tôi đã khai thác đầy đủ đường bay nội địa với các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hải Phòng Thanh Hóa, Nghệ An... Đặc biệt đường bay Hà Nội - Sài Gòn, chúng tôi đã duy trì một chuyến mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của người dân bằng máy bay 787-9 Dreamliner”, ông Cường cho hay.

Bà Emily Nguyễn - đại diện Google châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ, COVID-19 đã khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 8,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, chúng ta bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch ở Việt Nam từ giữa tháng 4 đến nay khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Sự phục hồi này đa phần nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa.

Tìm kiếm liên quan đến chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn...

Về kế hoạch phát triển du lịch thời gian tới, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, chúng ta có phục hồi được du lịch nội địa từ nay đến cuối năm cũng chỉ đạt một phần so với 2019. Tương lai còn khó khăn cho đến 2021, khi các ngành hoạt động lại bình thường. 

Theo ông Tùng, vấn đề tiếp theo là làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch. Chúng ta cần chung tay làm việc này, từ hệ thống chính quyền địa phương. Trong đó cần kích cầu tiêu dùng nội địa, làm sao hỗ trợ người dân. Làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch, đó mới là cái quan trọng. Hiện chưa có đề xuất cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa...

Chúng ta làm du lịch phải có liên kết. Nếu chúng ta không chia sẻ với nhau (như hàng không không chia sẻ với khách sạn, nhà hàng), sẽ sụp đổ rất nhanh chóng. Nhưng điều may mắn là trong đại dịch, chúng ta đã cùng chia sẻ với nhau những rủi ro. Chúng tôi mong muốn sự liên kết giữa các doanh nghiệp địa phương với các bộ ban ngành để những chính sách được triển khai chặt chẽ hơn. Chúng ta cần đánh giá cụ thể trước khi báo cáo chính phủ. Nếu không chia sẻ với doanh nghiệp, chúng ta sẽ sụp đổ nhanh chóng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn