Bạo lực tài chính – hình thức bạo lực gia đình vô hình

Gia đìnhThứ Năm, 24/11/2022 16:52:00 +07:00
(VTC News) -

Trong các vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực tài chính không thường được đề cập và thảo luận song có thể diễn ra hết sức phức tạp.

Nhân ngày Quốc tế Loại trừ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Đại sứ quán Israel và trường đại học Lao động và Xã hội tổ chức hội thảo về vấn đề bạo lực tài chính. Trong các vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực tài chính không thường được đề cập và thảo luận song có thể diễn ra hết sức phức tạp. “Không giống bạo lực thân thể nhằm vào phụ nữ, vốn hiện ra bằng những vết thương trên cơ thể, trong bạo lực kinh tế, dấu tích nằm trong tài khoản ngân hàng. Đó là một loại kiểm soát ép buộc nhằm hạn chế tiếp cận nguồn lực tài chính”, bà Amy Slater Ovadia, phó chủ tịch “Women Spirit”, một tổ chức phi chính phủ Israel được công nhận là nhà tư vấn đặc biệt cho Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc, bình luận. 

Bạo lực tài chính – hình thức bạo lực gia đình vô hình - 1

Hội thảo “Bạo lực tài chính – Một hình thức bạo lực gia đình vô hình: Nhìn từ Israel và Việt Nam”.

Nhận định được đưa ra trong hội thảo “Bạo lực tài chính – Một hình thức bạo lực gia đình vô hình: Nhìn từ Israel và Việt Nam”, mà Đại sứ quán Israel và trường đại học Lao động và Xã hội tổ chức nhân ngày Quốc tế Loại trừ Bạo lực đối với Phụ nữ (25/11).

Hàng trăm sinh viên trường Đại học Lao động và Xã hội, các nhân viên xã hội tương lai trong lĩnh vực quyền về giới, đã lắng nghe các bài trình bày và thảo luận. Các diễn giả bao gồm gồm bà Amy Slater Ovadia, Chuyên gia tư vấn phát triển và là phu nhân Đại sứ Israel Neichu Mayer; chuyên gia về giới Nguyễn Thu Hà thuộc tổ chức CARE Vietnam và Tiến sĩ Đặng Thị Lan Anh thuộc trường Đại học Lao động và Xã hội.

Trong hội thảo, các diễn giả của cả Israel và Việt Nam đã phân tích các loại bạo lực nhằm vào phụ nữ, đặc biệt chú trọng đến bạo lực tài chính và công việc chăm sóc không lương do phụ nữ thực hiện. Họ thảo luận các cách ngăn ngừa bạo lực tài chính và phục hồi cho các nạn nhân. Cụ thể, đó là những chiến lược nhằm nâng cao an toàn kinh tế cho các nạn nhân bạo lực gia đình như trợ cấp, đào tạo nghề nghiệp, thảo luận về kiến thức tài chính, các biện pháp pháp lý ở Israel và Việt Nam giúp xây dựng an toàn tài chính.

Theo các chuyên gia, nhóm phụ nữ yếu thế ở đô thị và vùng dân tộc thiểu số có thể bị hạn chế làm việc và ít có quyền quyết định, do đó không chủ động được thu nhập. Tổ chức CARE Việt Nam cho rằng tập huấn nâng cao kĩ năng, giúp tham gia mô hình sinh kế và chuỗi giá trị, cũng như hỗ trợ tâm lý, sẽ giúp phụ nữ tiếp cận, kiểm soát công bằng nguồn lực kinh tế.

Hội thảo cũng trùng với dịp 16 Ngày Hành động chống lại Bạo lực trên cơ sở Giới, một chiến dịch do Liên hợp quốc hỗ trợ. Israel đang nâng cao tập trung về vấn đề bình đẳng giới. Đại sứ quán Israel tại Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện về chủ đề này trong những năm gần đây hợp tác với hội phụ nữ và các nhà tình thương địa phương.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn