Bắc Kạn: Nhiều tín hiệu kinh tế - xã hội tích cực sau 8 tháng đầu năm 2023

Tin tức 24h quaThứ Ba, 29/08/2023 16:09:12 +07:00
(VTC News) -

Trong 8 tháng đầu năm 2023, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực đạt kết quả khá so với kế hoạch.

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích cây trồng vụ Đông Xuân năm 2022-2023 là 22.214 ha, đạt 96% kế hoạch (KH), bằng 100% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, diện tích cây lương thực có hạt (lúa ruộng, ngô lấy hạt) 16.902 ha, đạt 94% KH, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 77.606 tấn, đạt 92% KH, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 8, các đơn vị tiếp tục chỉ đạo người dân tổ chức trồng và chăm sóc lúa vụ mùa và các cây trồng khác. Diện tích cấy lúa thực hiện 13.806 ha, đạt 98% KH. Cây ngô đã trồng 4.892 ha, đạt 88% KH. Công tác phát triển đàn vật nuôi và chăm sóc, phòng chống dịch bệnh được triển khai theo kế hoạch. Diện tích rừng đã trồng 4.096ha, đạt 101% kế hoạch; sản lượng khai thác gỗ các loại đạt 231.127m3, đạt 75% kế hoạch. 

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8/2023 tăng 2,35% so với tháng trước và tăng 16,02% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8/2023 ước đạt 147,012 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.061,633 tỷ đồng, đạt 59,87% kế hoạch năm 2023, tăng 11,19% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt kết quả tốt sau 8 tháng đầu năm.

Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt kết quả tốt sau 8 tháng đầu năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 791,5 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 8 tháng ước đạt 5.710,1 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình xuất nhập khẩu của tỉnh trong tháng 8 đạt kết quả khá. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 8 năm 2023 đạt 5,067 triệu USD, tăng 133,8% so với tháng trước; lũy kế tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng năm 2023 đạt 18,077 triệu USD, đạt 46,95% kế hoạch năm 2023.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Trong tháng 8, tổng lượng khách du lịch đạt 22.000 lượt người; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 15,4 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2023, tỉnh có 610.437 lượt khách, đạt 80% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 427 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm.

Công tác xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Trong tháng 8, có 9 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 70,5 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng cả tỉnh có 82 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.600 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án với tổng vốn đăng ký là 243 tỷ đồng, thực hiện điều chỉnh cho 1 dự án đầu tư.

Trong tháng 8, tỉnh tiếp tục duy trì tốt công tác khám bệnh, cấp cứu và điều trị người bệnh. Công tác văn hóa - thể thao được chú trọng.

Công tác an sinh xã hội, lao động, việc làm được thực hiện kịp thời, đúng kế hoạch. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm đúng mức. Công tác tổ chức bộ máy, quản lý biên chế, công chức, viên chức được thực hiện tốt. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. 

Sớm khắc phục những hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

Nguyên nhân do một số văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền còn chưa ban hành kịp thời; khó khăn, vướng mắc về cơ chế còn chậm được giải quyết; việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn qua nhiều thủ tục, dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt thấp, giảm khá cao so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là do sụt giảm lượng xuất khẩu hàng hóa. Nguyên nhân do kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu nhập khẩu ở các quốc gia giảm, Hoa Kỳ chưa có kết luận chính thức vụ điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam có nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp, HTX ngừng hoạt động còn cao, công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, số lượng dự án đầu tư ngoài ngân sách đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ.

Điều này xảy ra do lãi suất cao, sức hấp thụ vốn chậm, nhu cầu vay vốn tín dụng của doanh nghiệp giảm giá cả nguyên vật liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi tăng gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh; các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn đang trong quá trình triển khai chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan có lúc chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả phối hợp chưa cao. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa thực sự quyết liệt, sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành; năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa chủ động, linh hoạt trong xử lý công việc, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Trong những tháng sắp tới, UBND tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục thực hiện 4 chương trình trọng tâm của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII theo các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn