Bà chủ TH True Milk ngạo mạn hay kiêu hãnh?

Kinh tếThứ Ba, 07/08/2012 06:12:00 +07:00

(VTC News) - Phát ngôn ‘Tôi không có đối thủ’ của bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group đã gây tranh cãi trong những ngày gần đây.

(VTC News) - Phát ngôn ‘Tôi không có đối thủ’ của bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group đã gây tranh cãi trong những ngày gần đây.

Chia sẻ “Khi bắt tay vào làm thương hiệu cho TH True Milk, có người nói với tôi rằng: Chị có hai đối thủ lớn nhất trên thị trường. Nhưng tôi khẳng định: Tôi không có đối thủ.

Tôi cảm ơn Vinamilk và các hãng sữa khác đã tạo cho người dân Việt Nam thói quen uống sữa. Tôi muốn làm bạn với họ, song tôi không đi chung con đường với họ, tôi chọn con đường hoàn toàn khác cho mình” của bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH Group đã vấp phải “bão” dư luận.

Bà chủ TH True Milk quá ngạo mạn?

Trước những ý kiến thiếu tích cực về câu nói “Tôi không có đối thủ”, bà Thái Hương giải thích câu nói “Tôi không có đối thủ” “không phải ngạo mạn mà là kiêu hãnh”. Với sự đầu tư khôn ngoan, hướng tới các sản phẩm sạch, TH True Milk có quyền kiêu hãnh vì kinh doanh chân chính và nghiêm túc.

Bà Hương giải thích không làm việc chân chính thì không ai đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt đầu tư với số vốn rất lớn như TH True Milk.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn cho rằng việc đầu tư vào nông nghiệp có xác suất rủi ro khá cao bởi  phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Vì vậy, họ không muốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực này mà chủ yếu tham gia vào các kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn và thu hồi vốn nhanh (như chứng khoán, bất động sản, dịch vụ…).

Theo bà Hương, sản phẩm từ nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa có dự án ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ nào đầu tư vào lĩnh vực này. Chính vì vậy, TH True Milk dũng cảm vào cuộc.

Bà Hương khẳng định TH True Milk có quyền kiêu hãnh, tự hào vì: “Biết  biến tài nguyên, trí tuệ của thế giới về phục vụ mình, biết sử dụng nhân lực của thế giới sản xuất sản phẩm tốt ngay trên đồng đất Việt Nam”.

Theo bà Hương: “Mình không phải là người giỏi về sữa nên phải tìm người giỏi hơn”. Và bà chọn đối tác Israel. Khi đặt mua quy trình của Israel, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, TH True Milk đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel vận hành máy móc và hướng dẫn, đào tạo người Việt Nam.

Chỉ mới đây thôi, hơn 1.000 nông dân Israel đã có mặt tại Nghệ An để đào tạo nông dân Việt Nam, vốn là lao động chính của những hộ gia đình bị thu hồi đất.

Như vậy, TH True Milk đã tạo ra cho mình một con đường đi riêng. Hiện tại, ngành sữa Việt Nam phải nhập sữa về để pha chế thành sữa hoàn nguyên tới 72%, thời điểm này là 72%. Còn TH True Milk đi trên một con đường riêng lẻ là nuôi cỏ, mua bò về, mua quy trình về để bảo vệ tính vẹn toàn của thiên nhiên để cung cấp sữa sạch.

Công nghệ cao đã giúp nâng cao hiệu suất canh tác, biến 1ha đất nơi đây trước đó chỉ cho thu hoạch trung bình khoảng 70 triệu đồng/năm, bây giờ, nhờ trồng cỏ, trồng cao lương... theo phương thức áp dụng công nghệ cao đã cho thu hoạch từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm.

Bà Hương cho biết phát ngôn của bà không phải để gây sốc. Dư luận cũng đừng vì câu nói này mà khiến doanh nghiệp Việt mổ xẻ lẫn nhau.

Bà Hương cũng chia sẻ, kế hoạch đến năm 2015, TH True Milk đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu. Doanh thu thuần của TH True Milk năm 2011 trên 1.000 tỷ đồng, năm 2012 là 2000 tỷ đồng, năm 2013 dự kiến là 3.700 tỷ  đồng, 2015 là 15.000 tỷ, 2017 là 23.000 tỷ.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn