Anh hùng Lê Mã Lương: Phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ hội tụ khí phách Việt Nam

Thế giớiThứ Sáu, 30/05/2014 10:26:00 +07:00

(VTC News) – Thiếu tướng, Anh hùng quân đội Lê Mã Lương nói về những phát ngôn đanh thép, gây xúc động hàng triệu trái tim Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.

(VTC News) – Thiếu tướng, Anh hùng quân đội Lê Mã Lương nói về những phát ngôn đanh thép, gây xúc động hàng triệu trái tim Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.

Thiếu tướng, Anh hùng quân đội Lê Mã Lương 
Trung Quốc vẫn không thôi thói hành xử ngang ngược ở Hoàng Sa, xua cả tàu khu trục tên lửa đe dọa tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích hành động đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 ở Việt Nam là điều "không thể chấp nhận".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có những phát ngôn đanh thép, gây xúc động cho người Việt khắp nơi trên thế giới. Trả lời phỏng vấn VTC News về vấn đề này, Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói: "Mềm mỏng nhưng kiên quyết. Nhân dân Việt Nam và thế giới rất ca ngợi bài phát biểu của Thủ tướng. Tôi cho rằng, câu nói của Thủ tướng thể hiện rõ rệt tầm cỡ, sự sắc sảo của một nguyên thủ quốc gia".

-Thưa ông, cả thế giới và hàng triệu người Việt Nam đang hướng về những diễn biến nóng trên Biển Đông những ngày qua. Ông có thể cho biết nguyên nhân sâu xa khiến Trung Quốc ngang ngược, hung hăng trên Biển Đông như vậy?
Tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam một anh bạn hàng xóm khổng lồ. Anh bạn hàng xóm này trong lịch sử đã nhiều phen làm Việt Nam điêu đứng. Lịch sử nước ta hàng ngàn năm cũng là lịch sử những cuộc chiến tranh chống phương Bắc xâm lược. Đặc biệt là lịch sử hơn 50 năm qua, quan hệ Việt – Trung nhiều lúc mặn nồng, nhưng cũng nhiều lúc lạnh nhạt.
Báo chí thế giới đánh giá cao bài phát biểu đanh thép của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: Tuổi Trẻ 

Có nhiều thời điểm, Trung Quốc đã bán đứng Việt Nam. Điển hình là Hội nghị Geneve năm 1954 ở Thụy Sỹ, Trung Quốc từng đề nghị kéo đường ranh giới 2 miền về vĩ tuyến 20, nghĩa là khoảng khu vực Thanh Hóa. Đề nghị này khiến nhiều nước và ngay đến cả Liên Xô cũng ngỡ ngàng.
Bắc Kinh lúc đó toan tính rằng, chỉ cần ngần ấy tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam thì sẽ dễ dàng kiểm soát hơn, cũng như tạo ra sự đối trọng giữa hai miền. Điều này thực ra chỉ có lợi cho Bắc Kinh.
Đến năm 1972, Mao Trạch Đông và Nixon  đã bán đứng Việt Nam thông qua việc trao đổi với Mỹ: Mỹ đưa Đài Loan ra khỏi Liên Hợp Quốc và Trung Quốc thay Đài Loan trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc. 
Đổi lại, Trung Quốc sẽ kiềm chế Việt Nam để Mỹ có lợi trong Hiệp định Paris, chính điều này góp phần dẫn đến việc Mỹ leo thang chiến tranh ở miền Bắc mà cụ thể là 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.
Trung Quốc coi Việt Nam như một tiểu quốc, không có quyền có tiếng nói của mình trong quan hệ với nước lớn. Quan hệ này với chúng ta rất bất công, không theo luật pháp quốc tế.
-Ý ông phải chăng nói đến câu nói xấc xược của Đặng Tiểu Bình “phải dạy cho Việt Nam một bài học”?

Lịch sử đã ghi nhận những biến cố hết sức bi ai cho Việt Nam. Ngoài những điều nêu trên, Trung Quốc từng bắt tay với Mỹ để xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Rồi sau đó, nước này lại đơn phương gây ra cuộc hải chiến đẫm máu năm 1988, đánh chiếm đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam.
Video: Thủ tướng phát biểu với báo giới quốc tế: Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông
Cũng không thể không nhắc tới cuộc chiến biên giới năm 1979. Khi ấy, hơn 60 vạn quân Trung Quốc ồ ạt tiến vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Chiến trường kéo dài hơn 600 km.
Trung Quốc phát động chiến tranh phi nghĩa, tàn phá toàn bộ cơ sở vật chất ở các thị xã biên giới từ Móng Cái cho tới Lạng Sơn, Cao Bằng v.v.
-Còn về những diễn biến quanh vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 thì sao, thưa ông?

Nhiều nước trên thế giới đều phản đối hành động hung hăng của Trung Quốc khi ngang nhiên đưa giàn khoan vào đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều đáng nói hơn nữa là những phát ngôn ngạo mạn, vu vạ cho Việt Nam của những người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc uy hiếp và gây hại cho tàu Việt Nam ở Biển Đông (Ảnh: Công Đinh-Hữu Trung/TTXVN) 

Trung Quốc nêu vấn đề không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý, lịch sử nào. Bắc Kinh không những không nhận thức cái sai của mình mà còn tráo trở nói rằng Việt Nam đưa tàu quân sự tới đe dọa tàu công vụ của Trung Quốc.
Bắc Kinh chưa bao giờ nguôi ý định biến Biển Đông thành ‘ao nhà’, do đó, tôi nghĩ nước này sẽ không từ thủ đoạn nào thực hiện điều đó.
-Thưa ông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông” sau những hành động gây hấn của Trung Quốc. Dưới góc nhìn của một người lính từng trải qua chiến tranh và một nhà nghiên cứu, ông có thể cho biết nội hàm trong câu nói này của Thủ tướng?
Đó là những phát ngôn rất đanh thép, thể hiện đúng đắn tinh thần đấu tranh vì hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. 
Đối với Việt Nam, phát ngôn của Thủ tướng thể hiện tinh thần của một đất nước độc lập, có chủ quyền. Câu nói của Thủ tướng còn cho thấy sự tiếp nối lịch sử hết sức đúng đắn và sáng tạo. 
Video: Bất ổn Biển Đông có thể đảo lộn tiến trình phục hồi kinh tế thế giới
Mềm mỏng nhưng kiên quyết. Nhân dân Việt Nam và thế giới rất ca ngợi bài phát biểu của Thủ tướng. Tôi cho rằng, câu nói của Thủ tướng thể hiện rõ rệt tầm cỡ, sự sắc sảo của một nguyên thủ quốc gia. 
Trong hoàn cảnh hiện tại, điều này tạo nên niềm tin trong nhân dân. Bài phát biểu của Thủ tướng đã kết nối được niềm tin và khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam, tạo ra làn sóng ủng hộ Đảng, Nhà nước và Chính phủ đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
-Ông có liên hệ gì giữa cảm xúc hiện tại với thời tuổi trẻ của mình, khi hàng triệu người Việt Nam đứng lên kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập dân tộc?

 

Tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam một anh bạn hàng xóm khổng lồ. Anh bạn hàng xóm này trong lịch sử đã nhiều phen làm Việt Nam điêu đứng.
 
Dân tộc Việt Nam có một điều rất lạ, rất hay: Mỗi khi đất nước lâm nguy, đứng trước sự kiện nóng bỏng, trước họa xâm lăng thì tinh thần yêu nước thì tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam lại sục sôi. 
Đã rất lâu rồi, phải nói là từ thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nay, chúng ta mới được nghe những phát ngôn lay động lòng người đến thế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thế hệ của tôi nổi lên rất nhiều phong trào: thanh niên xung phong, ba đảm đang, ba sẵn sàng v.v. Những phong trào này lôi cuốn, lay động lòng người và tạo ra không khí hừng hực với thanh niên, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, bất cứ nhiệm vụ gì, sẵn sàng tham gia quân đội.  Đó là động lực to lớn góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.
-Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự, ông nhìn nhận thế nào về phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bối cảnh Biển Đông đang sôi sục như hiện tại?

Từ ngày 1/5 đến giờ, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta liên tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đây là chúng ta mới đưa một lực lượng nhỏ chống lại lực lượng lớn có cả tàu quân sự, máy bay chiến đấu. 
 

Lịch sử hơn 50 năm qua, quan hệ Việt – Trung nhiều lúc mặn nồng, nhưng cũng nhiều lúc lạnh nhạt.
 
Trong khi chúng ta chỉ có hai lực lượng, chính điều này tạo ra tiếng vang, tạo ra sức mạnh nội lực, khiến thế giới hiểu phần nào về Việt Nam. Đất nước ta trải qua quá nhiều đau thương, mất mát và là đất nước rất yêu hòa bình bởi thấu hiểu nỗi đau chiến tranh. 
Chúng ta đã kiềm chế đến mức “không thể kiềm chế hơn được”. Nếu là nước khác thì tôi nghĩ đã có xung đột xảy ra. Hôm 26/5 vừa qua, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam khiến 11 ngư dân buộc phải rời tàu và may mắn được lực lượng chấp pháp cứu giúp. 
Tôi nghĩ, chính những phát ngôn mang sức hiệu triệu, lôi cuốn hàng triệu trái tim người Việt trong bối cảnh hiện tại đã góp phần làm nên sức mạnh cho dân tộc. 
-Ông có bình luận gì về quan hệ Việt – Trung trong bối cảnh hiện nay?

Tôi rất đồng tình lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi một nhà khoa học hỏi về vấn đề này. Khi trò chuyện với các nhà khoa học Việt Nam, Phó Thủ tướng nói: “Bác Hồ đã dạy, 4 chữ thôi, “độc lập, tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Vàng có kim cương quý hơn và có thế có nhiều thứ quý hơn kim cương. Nhưng mà trên hết, không có thứ gì quý bằng độc lập, tự do.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đời tôi và các bạn chưa đòi được Hoàng Sa thì đời con cháu chúng ta tiếp tục đòi, theo đúng luật pháp quốc tế 

Chúng ta trân trọng, nâng niu tình hữu nghị giữa hai dân tộc và chúng ta chân thành, thực tâm và nỗ lực hết mình để xây dựng mối quan hệ dựa trên 16 chữ vàng ấy. Nhưng mà độc lập, tự do của dân tộc, đúng như lời Bác dạy, mới thứ là quý nhất”.
Phải nói rằng Phó Thủ tướng đã ứng xử rất trí tuệ và cũng rất bản lĩnh, chân thành, rất đúng là người Việt Nam. Từ ngàn đời, Dân tộc ta luôn muốn một mối quan hệ láng giềng thực sự tốt đẹp với nhân dân Trung Quốc. Nhưng quan hệ phải từ hai phía. Chỉ phía Việt Nam thôi không đủ. Mặt khác, nếu Trung Quốc hay bất kỳ ai xâm phạm độc lập chủ quyền của ta thì nhất định Dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục.  
Dân tộc Việt Nam đã hàng ngàn năm chiến đấu không mệt mỏi để bảo vệ độc lập. Chúng ta đã luôn sống hòa hảo, sống vì hòa bình, tôn trọng Trung Quốc. 
Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các nhà khoa học
Nhưng hành động ngang ngược của Trung Quốc khiến chúng ta phải kiềm chế quá mức hàng chục năm vừa qua. Với dân tộc Việt Nam không có gì quý hơn độc lập tự do, chủ quyền đất nước là tối thượng, là thiêng liêng bất khả xâm phạm. 
Chúng ta có được một đất nước thống nhất toàn vẹn thế này là kết quả của hàng ngàn năm đấu tranh không mệt mỏi. 
Thậm chí, trong nhiều giai đoạn lịch sử, độc lập của Việt Nam phải trả giá bằng việc máu chảy thành sông, xương chất thành núi. 
Thật chí lý là vàng hay kim cương thì giá trị rất lớn, nhưng không có độc lập, tự do, bị nước khác ức hiếp thì vàng hay kim cương còn có nghĩa gì. Lời Bác Hồ “không có gì quý hơn Độc lập – Tự do” cũng là lời sông núi.
Tôi và nhiều anh em đồng đội cũng rất ấn tượng với câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hoàng Sa là của Việt Nam. Đời tôi và các bạn chưa đòi được thì đời con cháu chúng ta sẽ phải tiếp tục đòi cho bằng được. Đó là ý chí mà lớp người đã trực tiếp chiến đấu như chúng tôi mong muốn các thế hệ tiếp nối phải luôn nung nấu.
-Nhưng thưa ông, có một số ý kiến cho rằng nếu chúng ta phản ứng mạnh hơn, ví dụ như kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Bắc Kinh sẽ gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam. Ông bình luận thế nào về quan điểm này?
Về góc độ nào đó thì việc đưa giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là sai lầm của Trung Quốc và là cơ hội của Việt Nam. 
Trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, lâu nay Bắc Kinh nói một đằng, làm một nẻo. Chưa bao giờ trong hàng thập kỷ qua, nhân dân ta lại thấu hiểu hơn điều đó. Trung Quốc quen thói chiến thuật “biển người”, xua cả trăm tàu thuyền, có cả tàu quân sự uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu chấp pháp Việt Nam 
Nhưng điều này chỉ khiến thế giới càng thêm xa lánh Trung Quốc. Nó cũng khiến chúng ta hiểu rõ hơn bộ mặt thật của Bắc Kinh, bộ mặt của kẻ sai trái nhưng ngông cuồng, hiếu chiến.
Tình hình ngày càng phức tạp, không còn con đường nào khác, chúng ta phải kiện ra tòa. Trung Quốc ngày càng lộng ngôn, phát biểu vô trách nhiệm. Việt Nam chúng ta buộc phải nghĩ đến việc kiện Trung Quốc. 
Tôi nhấn mạnh là chúng ta “buộc phải” vì đúng là chúng ta luôn muốn hữu nghị, không bao giờ chúng ta muốn “hắt bát nước đi” nhưng đây là do Trung Quốc giằng lấy hắt đi, không phải do chúng ta.  
Đây là giải pháp tốt nhất khi Bắc Kinh tiếp tục gây hấn trên Biển Đông. Nếu Việt Nam kiện ra tòa án quốc tế thì họ sẽ phải xuống thang. Khi Philippines kiện xong thì Bắc Kinh buộc phải ve vãn Manila. 
Đương nhiên, Trung Quốc có gây sức ép bằng việc không nhập khẩu chuối của Philippines, nhưng đây là hành động của kẻ yếu thế.
Thế giới ngày nay là thế giới phẳng, trong quan hệ chồng chéo, đan xen giữa các nước, không nước nào có thể đơn phương cấm vận kinh tế nước khác. 
Hợp đồng khí đốt khổng lồ giữa Nga và Trung Quốc là một ví dụ. Khi bị Mỹ và phương Tây o ép thì Matxcơva quay ra bắt tay với Bắc Kinh, cho dù lâu nay Nga vẫn coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng.
- Như ông vừa nói, Trung Quốc đang gây hấn trên Biển Đông. Còn trên góc độ ngoại giao, nước này có những phát biểu lộng ngôn. Trong hoàn cảnh đó, phải chăng những phát biểu của Thủ tướng càng cho thấy tầm cao so với Trung Quốc?

Phát biểu của Thủ tướng  rất kiên quyết nhưng không gây kích động. Đó là lời nói thể hiện trách nhiệm với nhân dân, với vận mệnh đất nước. Trong khi Trung Quốc phát ngôn ngông cuồng, thiếu văn hóa, không có tầm vóc của một nước có tư cách thành viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á tại Philippines tuần trước 

Tôi nhấn mạnh rằng phát ngôn của Trung Quốc là phát ngôn mang tính thực dân kiểu mới. Trong bối cảnh này, những câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quy tụ nhân tâm, quy tụ đoàn kết dân tộc. Lâu lắm rồi, chúng ta mới có một phát biểu của Thủ tướng khiến nhân dân tin Đảng, tin Chính phủ, thể hiện cái tôi với Trung Quốc.
-Ông nói về việc quy tụ nhân tâm, đoàn kết dân tộc và thể hiện cái Tôi với Trung Quốc? 

 

Hành động ngang ngược của Trung Quốc khiến chúng ta phải kiềm chế quá mức hàng chục năm vừa qua.
 
Các nhà lãnh đạo Việt Nam nói lên tiếng nói chính nghĩa, ở tầm cao hơn hẳn. Tiếng nói của Trung Quốc là tiếng nói của kẻ cướp, rất dễ bị dư luận vùi dập. Tiếng nói của Thủ tướng khiến người dân hiểu thấu đáo hơn mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước.
Ngoài phát biểu mạnh mẽ của Thủ tướng thì Quốc hội chúng ta cũng ra tuyên bố phản đối Trung Quốc. Nhiều năm qua, với những lý do chủ quan, khách quan mà chúng ta chưa nhìn thấu Trung Quốc. 
Sự ngang ngược, thách đố luật pháp, dư luận quốc tế của Trung Quốc chỉ càng khiến nhân dân Việt Nam thức tỉnh, đoàn kết ủng hộ Chính phủ kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước.
Mạnh mẽ đanh thép hùng hồn nhưng cũng rất nhân văn. Đó là những câu nói bất hủ của các vị lãnh đạo như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Phương Mai (Thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn