Anh bị bệnh bán bánh mì nuôi em truyền máu cả đời

Sức khỏeThứ Hai, 04/03/2013 01:32:00 +07:00

(VTC News) – Hai anh em mặt xanh như tàu lá: Anh bụng to, lá lách cắt ra nặng 1 kg, người em gái cũng đang phải truyền máu.

(VTC News) – Hai anh em mặt xanh như tàu lá: Anh bụng to, lá lách cắt ra nặng 1 kg, người em gái cũng đang phải truyền máu.

Bệnh viện đối với 2 anh em Phạm Văn Chinh (29 tuổi, Hải Hậu Nam Định) và  Phạm Thị Hiền (12 tuổi) như là nhà. Nếu có tiền thì 2 tháng 1 lần, anh em Chinh, Hiền lại vào viện truyền máu. Nếu không có tiền thì cầm cự được đến đâu thì đến, khi không chịu nổi, lại phải vào viện để tiếp máu. Cuộc sống của 2 anh em là vậy.

 Anh em Phạm Văn Chinh (29 tuổi, Hải Hậu Nam Định) và  Phạm Thị Hiền phải truyền máu cđời nhưng gia đình khó khăn. Anh đi bán bánh mì nuôi em chữa bệnh.
Hôm tôi đến, Hiền đang ngồi trên giường truyền máu. Khuôn mặt em thất thần, mệt mỏi, da xanh xao, nói không nên lời. Hiền ở phòng 602, viện Huyết học và Truyền máu TW còn Chinh ở phòng bên cạnh. Hai anh em nương tựa vào nhau mỗi khi nằm viện.

Bố mẹ Hiền đã đứng tuổi nên việc đi lại tàu xe khó khăn, không rành thủ tục. Mà bố mẹ không ở nhà làm ruộng lên Hà Nội lấy gì mà ăn khi cả nhà có 2 đứa con sống nhờ máu người khác?

Vừa rồi, ra Tết, Hiền thấy khó thở, mệt mỏi muốn xỉu, đúng dịp anh Chinh từ TP.HCM về quê thăm nhà nên đưa Hiền đi khám. Vì Chinh cũng mắc bệnh huyết tán nên Chinh nhập viện để truyền máu luôn.

Theo lời Chinh kể: Gia đình có 5 anh em, anh cả bị chết đuối lúc lên 5 tuổi. Người anh thứ 2 tên Lâm đã phiêu bạt vào TP. HCM bán bánh mì. Vì có 2 em bị bệnh, cha mẹ già, nên hàng tháng, người anh này  vẫn chắt chiu gửi cho các em tiền để chữa bệnh.

Một người anh nữa thì rượu chè nên cũng không giúp được gì. Còn Chinh và Hiền thì bệnh tật. Từ bé, Chinh xanh xao, bủng beo. Ai cũng tưởng Chinh chỉ vì thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Bố mẹ chỉ biết cho uống thuốc Nam.

Khi Chinh 12 tuổi, bụng ngày càng to chướng, được lên viện Nhi TW khám mới ra bệnh huyết tán. Lá lách to lắm khiến bụng Chinh chướng. Em được cắt lá lách nặng tới 1 kg. Từ đó, Chinh đều đặn phải đi viện để truyền máu và điều trị.

Vì bệnh, Chinh chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ. Chinh bảo: “Em cũng muốn đi học lắm, nhưng vì bệnh em khiến cơ thể luôn thiếu máu. Em hay đau đầu, choáng váng, có muốn học cũng không thể theo được”.

Giờ, nhìn da mặt Chinh xanh lắm, người gầy gò ốm yếu nhưng cuộc sống vẫn khiến  Chinh phải lăn lộn để kiếm tiền. Nếu khỏe, em lại đi bán bánh mì với anh. Góp được tí tiền nào là lại vào viện và gửi ra cho em Hiền chữa bệnh. Cơ cực lắm!

Vì không có bảo hiểm trong đó, Chinh không có tiền nên không dám đi khám bệnh. Đến mức không chịu nổi, một lần, khi đang đi bán bánh mì, Chinh đã ngất xỉu, lúc đó, em mới vào viện Huyết học truyền máu.

Còn Hiền, đã phát hiện bệnh từ khi em 4 tuổi. Năm đó, tự dưng  Hiền khó thở, chóng mặt, tức ngực. Rồi Hiền cũng được chẩn  đoán bị bệnh huyết tán. Gánh nặng bệnh tật càng đè nặng trên vai bố mẹ.

Vừa rồi, nhập viện em phải truyền 2 bịch máu.

Lo lắng cho em, Chinh vừa điều trị bệnh vừa chăm sóc em, lo cho em từng bữa ăn. Nhìn cảnh 2 anh em nương tựa nhau sống khiến người chứng kiến như tôi xót xa.

Hiền thở dốc nói: “Cháu không biết, căn bệnh này có khỏi không nhưng cháu chỉ ước mong sao được khỏi bệnh. Cháu muốn học lên nữa cô ạ. Nếu không học được cháu sẽ lại đi bán bánh mì”.

Buồn lòng thay, tôi không thể nói với cháu rằng, cháu phải sống với căn bệnh này cả đời. Bệnh này không chữa khỏi… Tôi chỉ biết an ủi và chia sẻ với cháu, mong cháu chóng khỏe  đợt này.

Về căn bệnh huyết tán thiếu máu bẩm sinh, bác sĩ Vũ Hải Toàn, khoa Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh di truyền), viện Huyết học và Truyền máu TW cho biết: Đây là căn bệnh di truyền qua gen làm hồng cầu vỡ. Người bệnh liên tục bị thiếu máu, do đó, cả đời phải truyền máu. Vì hồng cầu chỉ sống được một thời gian ngắn.

Khi hồng cầu vỡ tạo ra ứ sắt và tích tụ ở toàn bộ cơ thể. Nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ bị suy tim, suy gan, chậm phát triển về thể chất, không có khả năng sinh con.

Bệnh huyết tán (Thalassemia) là một căn bệnh nguy hiểm, hằng năm đã cướp đi sinh mạng của 300- 500 đứa trẻ ở nước ta. Những đứa trẻ mắc phải căn bệnh này do bố mẹ mang gen bệnh mà không biết. Khi bị bệnh huyết tán, bệnh nhân chỉ có thể duy trì sự sống bằng cách truyền máu liên tục.

Bệnh Huyết tán bẩm sinh (Thalassemia) không phụ thuộc vào giới tính. Nếu cả bố và mẹ đều mang gen bệnh, thì khi có thai, khả năng thai nhi mắc bệnh và mang gen bệnh lên đến 75%.

Đây là bệnh nặng, có biểu hiện thiếu máu tan máu nặng, vàng da, lách to, nhiễm sắt, gây chậm phát triển thể chất.

Khi mắc bệnh này, bệnh nhân sẽ phải chữa trị lâu dài và đắt tiền (phải truyền máu và dùng thuốc thải sắt thường xuyên) tại các cơ sở y tế chuyên khoa, do vậy bệnh nhân thường khó sống qua tuổi vị thành niên vì những chi phí đắt tiền.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể phòng bệnh hiệu quả tới 90-95% bằng các biện pháp như khám sức khỏe tiền hôn nhân để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh huyết tán bẩm sinh.

Các nhà hảo tâm có tấm lòng, xin giúp đỡ hoàn cảnh trên và gửi về địa chỉ:

 Phạm Văn Chinh và  Phạm Thị Hiền (Phòng 602) viện Huyết học và Truyền máu TW, 14 Trần Thái Tông, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Điện thoại: 016 5823 8565

Hoặc gửi về Báo điện tử VTC News: Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Lạc Trung Hà Nội.

Xin đề rõ: Đóng góp giúp bệnh nhân Phạm Văn Chinh và  Phạm Thị Hiền. Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chúng tôi chuyển đến bệnh nhân.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn