Ai đã tước đoạt hàng ngàn tỷ đồng của nông dân?

Kinh tếThứ Bảy, 09/07/2016 08:27:00 +07:00

Con số thiệt hại mỗi năm khoảng 2,6 tỷ USD được đưa ra tại Hội thảo “Phân bón giả, tác hại thật” do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tổ chức ngày 2/7/2016 thực sự khiến chúng ta bàng hoàng, lo sợ.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả nỗi khổ của người nông dân!

Còn nhớ, thông báo đưa ra từ cuộc họp liên ngành ngày 1/12/2009 của Hiệp hội phân bón Việt Nam, Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (Bộ công an), Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) làm ta lạnh người. Thông báo đó nêu việc hàng năm, các doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả đã tước đoạt trắng trợn của nông dân hàng ngàn tỷ đồng.

Nong_dan

 Nông dân đang khốn đốn gánh chịu hậu quả của các loại phân bón giả, kém chất lượng do công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, thanh kiểm tra chất lượng mặt hàng này thiếu chặt chẽ. 

Người nông dân điên đầu trước “thiên la địa võng”, trước “bát quái trận đồ” phân bón. Mua phân cao cấp về bón ruộng thì lại vớ phải loại phân toàn xỉ than và đất sét. Mua phải phân bón kém chất lượng, mùa màng thất bát đòi bồi thường thì doanh nghiệp đã giải thể, chạy làng.

Mà có phải chỉ phân bón thôi đâu, giống ngô, giống lúa nhiều khi cũng bị làm giá, gây sốt khiến nông dân điêu đứng. Chuyện của 7 năm về trước đến giờ vẫn đang là câu chuyện thời sự nóng hổi mà ở đó là giọt nước mắt của người nông dân.

Nhiều bạn đọc đã phản hồi cho chúng tôi sau thông tin về kết luận thanh tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực phân bón với tâm trạng phẫn nộ về hành vi của vấn nạn phân bón giả và kém chất lượng. Hóa ra kết luận thanh tra hay sự vào cuộc của cơ quan có trách nhiệm cũng chỉ là điều mà ai cũng biết, nhưng cơ quan nào quyết tâm tiêu diệt những kẻ táng tận lương tâm để kiếm lời này?

Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo tâm sự: “Một năm trở lại đây gạo đi Mỹ của Việt Nam bị trả về liên tục vì hoá học. Các công ty sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã góp phần lớn vào việc thóc gạo Việt Nam không đạt chuẩn. Thua kém Thái Lan và chỉ bán với giá rẻ, hàng kém chất lượng. Những cán bộ “cắp ô” không nhận ra đâu, chứ nông dân và người làm ngành nông biết rõ mười mươi”.

Chỉ cần vào FDA search một vài tên các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam, thậm chí là tổng công ty lớn về gạo cũng bị phía Mỹ banned cấm gạo của Việt Nam. Nếu không chúng ta không thủ tiêu được vấn nạn phân bón giả, kém chất lương thì đến một ngày nào đó gạo Việt Nam không chừng bị cấm nhập hẳn chứ còn chả đến vé quay đầu. Nói chung tự ta đánh mất những thị trường “gà đẻ trứng vàng” do mất kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật.

“Nông nghiệp thảm thê lắm. Nói chung nhìn sâu vào tận cùng vấn đề chất lượng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thì buốt ruột lắm. Tặc lưỡi là mạnh ai nấy tìm đường đi thôi. Chứ nhìn cảnh nghĩa địa trên đồng lúa do thuốc bảo vệ thực vật thì chắc chả ai muốn cày bừa, cấy hái gì cả”, một bạn đọc chia sẻ.

Sau tâm thư của Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn nạn phân bón giả thì ngày 30/6/2016, Trung ương Hội nông dân Việt Nam cũng có Công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính Phủ. Để bạn đọc hiểu rõ tầm quan trọng của vụ việc này, chúng tôi cho đăng toàn bộ công văn 1778-CV/HNDTW kiến nghị xem xét, xử lý vi phạm của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận Phong:

“Kính gửi, Thủ tướng Chính phủ

Kien_nghi

 Công văn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý nghiêm những sai phạm của công ty Thuận Phong.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện dấu hiệu sản xuất, kinh doanh phân bón giả với quy mô lớn tại Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận Phong (Công ty Thuận Phong, Đồng Nai). Nhiều báo, đài ở Trung ương, địa phương đã đưa tin đã phản ánh toàn bộ diễn biến vụ việc, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ KH&KN đã vào cuộc kiểm tra, xác minh, giám định chất lượng sản phẩm đã kết luận, Công ty Thuận Phong vi phạm các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, cụ thể: 1. Sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón.2. Sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón giả về công dụng (phân bón nhập khẩu).3. Sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón giả về chất lượng (đối với phân bón trong nước).4. Sản xuất, kinh doanh trái phép phân bón giả mạo bao bì hàng hàng hóa, nơi sản xuất đóng gói hàng hóa, bảo hộ của tổ chức, cơ quan nhà nước.

Việc vi phạm pháp luật của Công ty Thuận Phong vẫn chưa được xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Nông dân nhiều nơi trong nước đã phản ánh, tỏ thái độ bất bình về trách nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai trong việc xử lý vi phạm của Công ty Thuận Phong.

Với trách nhiệm đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những hộ nông dân bị thiệt hại do sử dụng phân bón giả, kém chất lượng của Công ty Thuận Phong, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, điều tra xử lý vi phạm của Công ty Thuận Phong, để bảo vệ nông dân, đảm bảo công bằng trong xã hội, thượng tôn luật pháp và củng cố niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước”.

Người nông dân khổ quá, nông nghiệp Việt Nam đã và đang nguy nan trước vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Nhưng bao giờ chúng ta không phải nhắc tới những vụ việc kiểu này? Bao giờ chúng ta không phải nhìn thấy những giọt nước mắt của người nông dân khóc trên ruộng đồng, trong những festival lúa gạo được tổ chức hoành tráng?.

Nông nghiệp chỉ thực sự mạnh khi người nông dân nở được nụ cười!.

Trần Mai Linh
Bình luận
vtcnews.vn