'Ai cũng biết đại biểu này phát biểu bài của ai, phát biểu vì lý do gì'

Thời sựThứ Tư, 23/03/2016 01:34:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của hoạt động Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của hoạt động Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Sáng nay 23/3, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước;  báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Góp ý cho báo cáo của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng hoạt động của đại biểu Quốc hội đã mang được hơi thở cuộc sống vào nghị trường. Ngược lại, những chính sách từ nghị trường đã tác động mạnh đến  thực tế, phòng chống tội phạm, nợ xấu, tăng trưởng kinh tế.

“Vinh hạnh lớn của chúng ta là đã giữ được hòa bình, môi trường yên ổn, không khủng bố”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết người dân đã quan tâm hơn đến hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều hạn chế, bất cập vẫn còn thể hiện ở việc thực hiện chức năng của Quốc hội.

Ông Đương băn khoăn đặt câu hỏi liệu Quốc hội đã thực sự là cơ quan quyền lực lớn nhất chưa.

“Nhiều đại biểu Quốc hội chưa thực sự nói được tiếng nói của dân, thiếu các tranh luận nghị trường”, ông Đương nói.
Phát ngôn ấn tượng của các đại biểu Quốc hội

Bên cạnh đó, trí tuệ của đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng luật pháp chưa cao, khiến nhiều chính sách, quy định luật pháp chưa đi vào cuộc sống hoặc bị vướng mắc.

“Giám sát của Quốc hội tuy nhiều, một số vấn đề có hiệu quả như oan sai, đất đai…. nhưng vẫn nặng về báo cáo, đánh giá tình hình, chưa nói được thực sự những “bệnh tật” của nền kinh tế, vì vậy tính dân biểu, phản biện chưa cao”, đại biểu Đỗ Văn Đương dẫn chứng.

Ông Đương cho rằng hoạt động giám sát còn “vuốt ve thành tích nhiều” mà chưa chỉ rõ nguyên nhân, nội tình của căn bệnh.

Bên cạnh đó, việc giám sát vụ việc còn ít. “Ví dụ thông qua giám sát xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì phải chỉ rõ được vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp để giải quyết được tình hình.  Giám sát như vậy mới giải quyết được thực tiễn”, ông Đương nêu ví dụ.

Vì vậy, theo vị đại biểu này, hoạt động Quốc nhiệm kỳ tới cần nâng chất lượng của chính đại biểu Quốc hội.

Cơ cấu đại biểu cũng cần nhưng chất lượng của đại biểu mới phải đặt lên trên hết. Theo đó cần chú trọng tiêu chuẩn về kinh nghiệm, bản lĩnh, vốn cuộc sống để thực sự phải người dám nói, dám phát biểu.

“Như vậy, cần phải thực sự coi trọng những  người có tâm, có tầm để đại diện được ý chí, tâm nguyện của người dân. Nếu chúng ta không khắc phục được điều đó thì chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ cứ như hiện nay từ năm này sang năm khác”, đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Ảnh: Phạm Thịnh)
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Cũng có cùng quan điểm này, đai biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) cho rằng luật chuyên ngành nên để người am hiểu để phát biểu đóng góp ý kiến trên hội trường. Các đại biểu khác không nên bấm nút để giành việc phát biểu mà nên nhường cho những người có chuyên môn cao góp ý. Việc góp ý như vậy sẽ giúp cho chất lượng của luật cao hơn.

“Thực ra làm đại biểu 5 năm thì ai cũng biết đại biểu này phát biểu bài của ai, thậm chí phát biểu vì lý do gì nữa. Mà cứ lặp đi lặp lại hoài sẽ gây lãng phí và việc xây dựng luật không đạt được chất lượng”, đại biểu Nguyễn Phước Lộc nói.

Việc giám sát các vấn đề chất vấn, trong thời gian tới cần phải nêu đích danh các đơn vị không thực hiện việc điều chỉnh sau hoạt động giám sát. Danh sách những đơn vị này cần phải công bố trước toàn dân để tránh tình trạng đã có kết luận giám sát nhưng không chịu thực hiện.

“Nếu không thực hiện được như vậy thì sẽ tạo ra sự bức xúc lớn trong đại biểu và trong nhân dân”, đại biểu Nguyễn Phước Lộc nói.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cho rằng nhiệm kỳ tới cần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội bằng cách tập huấn các kỹ năng về phát biểu, lập pháp, giám sát, tiếp dân. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng cần được hỗ trợ về công cụ, phương tiện để thực hiện quyền giám sát.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn