9 mánh khóe mà những kẻ bắt cóc trẻ em thường sử dụng

Gia đìnhThứ Tư, 16/08/2023 10:00:00 +07:00
(VTC News) -

Bọn bắt cóc thường hiểu tâm lý trẻ em và có nhiều mánh khóe để dụ dỗ trẻ, cũng như vô hiệu hóa sự phản kháng của nạn nhân, sự can thiệp của những người xung quanh.

Vụ bé trai 7 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội bị bắt cóc ngay trong khu đô thị để đòi gia đình 15 tỷ đồng tiền chuộc không chỉ khiến dư luận quan tâm bởi các tình tiết đặc biệt của nó mà còn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh giác cho các bậc phụ huynh. Nên nhớ rằng những kẻ xấu có trăm phương nghìn kế để thực hiện thành công việc bắt cóc trẻ em, vì vậy mọi người cần biết để bản thân cẩn thận cũng như dạy trẻ kỹ năng phòng tránh đối phó.

Trang Brighside nêu ra 9 mánh khóe của những trẻ bắt cóc trẻ em được các chuyên gia và cơ quan chức năng tổng kết lại. 

Nhờ trẻ giúp đỡ

Đây là một trong những thủ thuật phổ biến nhất, đánh vào lòng tốt, muốn giúp đỡ người khác của đứa trẻ. Nếu bạn chứng kiến cảnh này, hãy tỉnh táo nhận ra đứa trẻ đang gặp đe dọa, vì người lớn bình thường không bao giờ nhờ một em bé không quen biết giúp đỡ mình. Nếu cần được dẫn đường hay xách giúp đồ đạc, một người bình thường sẽ nhờ người trưởng thành giúp đỡ chứ không phải trẻ em.

Cho trẻ đồ chơi, bánh kẹo

Trẻ em rất cởi mở và dễ tin tưởng nếu được đối xử thân thiện, cho bánh kẹo hoặc đồ chơi. Nếu bạn thấy người nào đó hứa cho đứa trẻ một thứ hấp dẫn nếu trẻ đi theo hoặc vào xe mình thì không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một kẻ bắt cóc. Người bình thường không tặng quà cho trẻ em không quen biết hay mời trẻ lên ô tô.

Cho trẻ đi nhờ xe  

Cho đi nhờ xe là một trong những thủ đoạn mà kẻ bắt cóc trẻ em thường dùng.

Cho đi nhờ xe là một trong những thủ đoạn mà kẻ bắt cóc trẻ em thường dùng.

Bạn hãy xem là dấu hiệu cảnh báo nếu nhìn thấy một chiếc xe chạy chậm dọc theo đường phố và tài xế đang nói chuyện với một đứa trẻ. Nếu tài xế hoặc ai đó trong xe nhờ dẫn đường hoặc mời trẻ vào xe thì khả năng bắt cóc rất lớn. Người bình thường sẽ tìm đường bằng cách hỏi người lớn, nếu có hỏi trẻ em cũng không yêu cầu trẻ lên xe; chưa kể ngày nay mọi người đều có thể tìm đường bằng Google Map nên chuyện nhờ vả này càng đáng nghi.

Tự nhận là người quen

Một số kẻ bắt cóc vốn biết rõ hoặc đã tìm hiểu kỹ về gia đình "con mồi" nên có thể tự xưng là đồng nghiệp của bố mẹ, họ hàng... để đứa trẻ chịu theo mình. Chúng có thể "đọc" ra những thông tin cá nhân, thông tin gia đình của nạn nhân và dễ dàng được tin tưởng. Cũng bằng cách đó, cô giáo trường mầm non hay lớp trông giữ trẻ có thể giao đứa bé cho kẻ xấu.

Dùng đứa trẻ khác làm “mồi”

Một số kẻ bắt cóc sử dụng trẻ em khác làm mồi để tìm hiểu thông tin về nạn nhân mới và lôi kéo đến nơi dễ "ra tay". Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ lạ chơi với đứa trẻ mà bạn biết ở sân chơi chung hay khu vực công cộng, bạn nên tiếp cận chúng, hỏi xem hai bé quen biết nhau  lúc nào và đang định đi đâu...

Rủ trẻ chơi trò mới 

Từng xảy ra trường hợp trẻ em bị bắt cóc sau khi được đề nghị thử đi xe máy. Các bé trai thường khó cưỡng lại đề nghị hấp dẫn này.

Mời chào trẻ giữa đường

Có những tên bắt cóc nói với "con mồi" rằng chúng là nhiếp ảnh gia, đạo diễn phim, mời mọc đứa trẻ tham gia diễn xuất, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn và vẽ ra viễn cảnh nổi tiếng. Những đứa trẻ 10 - 11 tuổi thường rất hứng thú với điều này. Hãy nhớ rằng các nhà làm phim không tìm kiếm nhân tài dọc đường như vậy.

Giả cảnh sát để yêu cầu trẻ đi theo

Thường trẻ sẽ bị thao túng tâm lý khi kẻ xấu tự nhận là cảnh sát và yêu cầu đi cùng để xác minh một việc gì đó, hoặc nói rằng trẻ đã làm sai điều gì đó. Cho dù kẻ đó mặc đồng phục cảnh sát, bạn hãy nhớ rằng bất kỳ ai thuộc lực lượng chức năng cũng sẽ làm việc với phụ huynh nếu cần thông tin từ đứa trẻ. Cách hóa giải tình huống này là yêu cầu cho xem thẻ ngành, tên bắt cóc sẽ "có tật giật mình" và để lộ sự lo lắng, lúng túng khi có nguy cơ bị lộ. Bạn cũng có thể dọa kẻ đó bằng cách giơ điện thoại lên chụp hình.

Lôi kéo đứa trẻ như lôi kéo con mình

Nhiều tên bắt cóc xử sự như thể đứa trẻ đang khóc lóc, vùng vẫy trong tay mình là em bé được nuông chiều trong gia đình nên cư xử không ngoan. Bạn có thể nhận ra người lớn kia có khả năng là kẻ xấu dựa trên phản ứng quá mức của đứa trẻ. Nếu thấy bé quá hoảng loạn và cố gắng hết sức lực để giằng ra, la hét..., đừng ngại đến gần hỏi han. Hãy hỏi chính đứa trẻ để nghe bé trả lời, đồng thời nhìn chằm chằm vào kẻ lạ mặt như thể đang cố ghi nhớ gương mặt. Nếu là kẻ xấu, hắn sẽ chột dạ.

Minh Anh(Nguồn: brightside.me)
Bình luận
vtcnews.vn