8.000 tỷ để tinh giản biên chế: ĐBQH lo lãng phí lớn

Thời sựThứ Năm, 13/02/2014 08:00:00 +07:00

“Bỏ ra 8 nghìn tỷ để thực hiện tinh giản biên chế 100 nghìn người không chỉ gây lãng phí tiền ngân sách, mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực BHXH, vốn đang lo vỡ quỹ hiện nay”.

Nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet về Dự thảo nghị định tinh giản biên chế giai đoạn 2014 - 2020.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật. Ảnh Nguyễn Dũng

- Ông bình luận gì về con số 100 nghìn người sẽ bị loại khỏi bộ máy công chức khi thực hiện tinh giản biên chế như dự thảo Bộ Nội vụ đã xây dựng?

Khi tôi trao đổi, cơ quan soạn thảo không giải thích được con số 100 nghìn người lấy ở đâu ra, dựa trên cơ sở nào. Tôi không nói tinh giản 100 nghìn người nhiều hay ít, nhưng con số đó phải được tính toán dựa trên cơ sở nào?

Lẽ ra trong số 2,8 triệu công chức, viên chức hiện nay, ban soạn thảo phải xem có bao nhiêu người đủ trình độ, đáp ứng được tiêu chuẩn, bao nhiêu người hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ… từ đó mới có thể đưa ra con số cụ thể. Con số 100 nghìn người được đưa ra không có cơ sở.

- Nhiều ý kiến cho rằng, để triển khai chủ trương tinh giản biên chế 100 nghìn người đạt hiệu quả cần thành lập đoàn giám sát độc lập. Từng phụ trách lĩnh vực thanh tra ở Bộ Nội vụ, ông nhìn nhận thế nào về ý kiến đề xuất này?

Tôi cho rằng chủ trương này sẽ không giải quyết được gì. Bởi việc giám sát chỉ dựa trên cơ sở báo cáo, người ta báo cáo thế nào thì cũng chỉ biết thế. Thậm chí ngay cả đoàn thanh tra xuống làm việc, người ta cũng tìm cách đối phó, tìm cách báo cáo cho hợp lý.

Mặt khác với đoàn thanh tra, khi tiến hành thanh tra cán bộ công chức, người ta còn có quyền lục hồ sơ, so sánh xem có đúng với báo cáo không, còn đoàn giám sát thì không có quyền xác minh…

Theo tôi không cần phải thành lập đoàn giám sát. Điều quan trọng nhất là vẫn phải trông chờ vào ý thức của mỗi cơ quan, tổ chức và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Nếu làm nghiêm túc thì việc triển khai sẽ nghiêm túc, hiệu quả.

Ngược lại nếu người ta cố tình gian dối, không có ý thức trách nhiệm thì rất khó giải quyết được vấn đề. Ở các đơn vị tư nhân, nếu thấy ai, bộ phận nào làm việc không hiệu quả người ta sẽ cho nghỉ ngay. Còn với cơ quan nhà nước thì khác, vì nguồn ngân sách của nhà nước chứ không phải của riêng ai, nên chẳng ai phải chịu nếu người đó làm việc không hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần đánh giá đội ngũ công chức trước khi đưa ra con số tinh giản biên chế. Ảnh minh họa

- Nhiều người cũng tỏ ra quan ngại khi thực hiện tinh giản biên chế sẽ không đụng được đến “con ông cháu cha”, dù đối tượng đó làm việc không hiệu quả. Theo ông điều này có làm cho việc triển khai tinh giản biên chế không được thực hiện một cách công tâm, đúng đối tượng?

Đây đúng là một rào cản không nhỏ. Thực tế này đã tồn tại trong xã hội từ lâu nên rất khó giải quyết được. Nếu không thay đổi nhận thức sẽ không đi đến hiệu quả. Cũng như với người tham gia giao thông, nếu không có ý thức, cứ nhăm nhăm vi phạm giao thông thì mỗi cảnh sát giao thông kèm một người cũng chẳng giải quyết được vấn đề.

Không chỉ riêng ngành công chức, bây giờ ở đâu, lĩnh vực nào cũng có thể xảy ra tiêu cực, chạy chọt. Tôi làm nhiều năm trong lĩnh vực thanh tra tuyển dụng, thấy rằng chỉ một khâu làm không nghiêm túc, mọi thành quả sẽ thành công cốc.

Tổ chức thi tuyển dụng, mọi khâu từ giám sát ngân hàng đề thi, quá trình thi, đến công an bảo vệ vòng trong, vòng ngoài được thực hiện rất nghiêm túc, thậm chí có camera giám sát hẳn hoi. Nhưng chỉ một khâu chấm thi không nghiêm túc là việc tổ chức thi tuyển đó mất hết nghiêm túc.

Khi đưa 200 bài thi ra chấm thử, thậm chí còn có trường hợp không có nội dung nhưng vẫn cho điểm. Nhưng trường hợp đó lại là con ông nọ, cháu ông kia. Bằng những mối quan hệ quen biết, người ta sẽ điện thoại, gửi thư rồi cũng xong hết.

- Vậy ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của đề án tinh giản biên chế do cơ quan chuyên trách Bộ Nội vụ soạn thảo? Liệu có xảy ra tình trạng người làm được việc bị cho nghỉ. Còn người không làm được việc, nhưng vì “có quan hệ” nên vẫn được ở lại?        

Tôi lo ngại hiệu quả thấp, tính khả thi không có. Điều bất công ấy có thể rơi vào một số đối tượng. Nhiều người làm việc tốt cũng có thể bị người ta tìm cách đẩy ra. Điều này không tránh khỏi. Nó giống như quả bom, rơi vào người nào thì người đó phải chịu.

Nghị định 132 của Chính phủ trước đây cũng đánh giá việc thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2007 – 2011 không đúng đối tượng, không đạt được mục tiêu. Vì chủ trương này liên quan đến vấn đề kinh phí nên phải đưa ra định hướng rõ ràng.

- Ông có lo ngại số tiền 8 nghìn tỷ đồng phục vụ cho việc tinh giản biên chế giai đoạn 2014 – 2016 theo dự thảo sẽ trở nên lãng phí?

Rất lãng phí. Trước đây khi triển khai không hiệu quả, không đúng mục tiêu, đối tượng đã gây lãng phí mười mấy nghìn tỷ đồng. Bây giờ lại chi 8 nghìn tỷ đồng cho chủ trương này trong tương lai cũng lại rơi vào lãng phí.

Mà lãng phí không chỉ rơi vào tiền ngân sách bỏ ra, mà còn kéo theo nhiều vấn đề khác, nhất là ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHXH, vốn đang bị lo vỡ quỹ. Với số người bị sa thải khi thực hiện đề án này, nguồn quỹ BHXH có nguy cơ vỡ nhanh hơn.

- Rút kinh nghiệm từ trước đây, theo ông giai đoạn tới cần phải làm gì, thực hiện thế nào để chủ trương tinh giản biên chế sắp tới thực sự mang lại hiệu quả, đúng mục đích đối tượng mà không gây lãng phí?

Quan điểm của tôi là không nên triển khai vội. Lúc này cần phải thực hiện cải cách công chức công vụ để việc quản lý cán bộ công chức chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó cần tổng hợp chung lại, đánh giá trong đội ngũ cán bộ công chức có bao nhiêu người có năng lực, bao nhiêu người làm được việc, bao nhiêu người không làm được việc. Từ đó chúng ta mới đưa ra con số cụ thể cần tinh giản bao nhiêu người trong bộ máy công chức.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận
vtcnews.vn