40 năm trúng 'tiếng sét ái tình' với thơ Hàn Mạc Tử

Đời sốngChủ Nhật, 03/09/2023 16:59:00 +07:00
(VTC News) -

Hơn 40 năm qua, cuộc đời Dzũ Kha chỉ tồn tại thứ duy nhất đó là đam mê và truyền bá thơ Hàn Mạc Tử.

Dzũ Kha và định mệnh gắn kết với cuộc đời Hàn Mặc Tử

40 năm trúng “tiếng sét ái tình” với thơ Hàn Mạc Tử

Bên cạnh khuôn viên mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử, toạ lạc bình yên bên bãi tắm Hoàng Hậu, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, có “gã điên” hơn 40 năm cặm cụi, lặng lẽ khắc những dòng thơ của Hàn Mạc Tử lên đá, lên gỗ bằng ngòi “bút lửa” của mình.

“Gã điên” ấy tên thật là Trương Vũ Kha (Dzũ Kha), xuất thân từ huyện Phù Cát, Bình Định. Dzũ Kha đã 64 tuổi nhưng lại có đến hơn 40 năm gắn bó, truyền bá thơ Hàn Mạc Tử, từ lúc tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM (1982) đến nay.

Nghệ nhân Trương Vũ Kha (Dzũ Kha) đang thực hiện những tác phẩm thơ Hàn Mạc Tử trên gỗ thông bằng ngòi bút lửa độc đáo do mình chế tác.

Nghệ nhân Trương Vũ Kha (Dzũ Kha) đang thực hiện những tác phẩm thơ Hàn Mạc Tử trên gỗ thông bằng ngòi bút lửa độc đáo do mình chế tác.

Sau khi tốt nghiệp, vì yêu thơ thi sĩ Hàn Mạc Tử, ông quyết định về thành phố Quy Nhơn – nơi thi sĩ sinh sống và điều trị bệnh phong. Nào ngờ đây lại là lúc kết mối lương duyên giữa ông Dzũ Kha và những vần thơ không chết của thi nhân Hàn Mạc Tử.

"Thời điểm ấy, tôi như bị điên khi trúng “tiếng sét ái tình” của những vần thơ Hàn Mạc Tử, và rồi sau đó nghiễm nhiên trở thành một đệ tử, một tín đồ trung thành”, ông Dzũ Kha chia sẻ.

Từ đó, vì muốn truyền bá thơ cụ Hàn tới công chúng, Dzũ Kha đã quyết định dựng lều sống bên cạnh mộ của nhà thơ này. Dzũ Kha đam mê thơ Hàn Mạc Tử và muốn tìm hiểu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp đầy bi ai của thi sĩ.

Tôi có một chuyến đi và đó là chuyến đi dài. Chuyến đi của một đời tôi gắn liền chuyện đời và chuyện thơ của Hàn Mặc Tử. Tôi quyết định lên đồi Thi Nhân dựng lều cỏ và dùng bút lửa để khắc thơ, viết thơ Hàn”, Dzũ Kha tâm sự.

Dzũ Kha cho biết, cuộc đời Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ “bình”. Sinh ra ở Quảng Bình, làm báo “Tân Bình”, có người yêu ở “Bình Thuận”, và mất tại “Bình Định”. Đã có nhiều “bóng hồng” khác nhau mang mỗi nét “lạ” riêng đi qua cuộc đời nhà thơ tài hoa nhưng yểu mệnh.

Dzũ Kha chia sẻ rằng, theo lời kể của nhiều người, ông đã liên hệ và tìm được ảnh và bút tích của 5 người yêu trong đời Hàn Mạc Tử.

Hàn Mạc Tử đã có mối tình đầu lãng mạn với người con gái Hoàng Thị Kim Cúc, một mối tình da diết với Mộng Cầm có tên thật là Huỳnh Thị Nghệ (quê ở Phan Thiết, Bình Thuận), một người “tình văn chương” có tên Mai Đình, mối tình qua ảnh chưa bao giờ gặp Ngọc Sương, người đẹp không có thật “Thương Thương”.

Mối tình đầu đầy lãng mạn của thi nhân Hàn Mạc Tử là cô hàng xóm Hoàng Thị Kim Cúc một người con gái gốc Huế, dịu dàng, kín đáo kiêu sa khi cả 2 người lúc ấy đều sống ở Quy Nhơn.

Tình yêu của chàng trai đa tình cứ thế âm thầm lặng lẽ trôi qua mà không được đáp lại. Mối tình vô vọng đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến Hàn Mặc Tử bỏ Sở đạc điền Quy Nhơn vào Sài Gòn làm báo. Thế rồi Hoàng Cúc theo cha về thôn Vĩ Dạ ẩn cư làm tu sĩ.

Người mà sau này đã khiến Hàn Mạc Tử đau đớn mà vượt dặm, một mình ôm tập thơ Gái Quê đứng trước nhà Hoàng Cúc tại thôn Vĩ Dạ mà không dám vào. Mối tình với cô gái Huế đẹp, trong sáng nhưng đầy buồn đau của tuổi lớn đã khép lại trong cuộc đời chàng thi sĩ đa tình như thế.

Những người tình của nhà thơ tài hoa Hàn Mặc Tử.

Những người tình của nhà thơ tài hoa Hàn Mặc Tử.

Sau tình đầu lỡ làng với Hoàng Cúc, thi sĩ lại bén duyên với cố gái mang tên Mộng Cầm (tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, quê ở Phan Thiết, Bình Thuận).

Khi đã vào Sài Gòn làm báo, Hàn Mạc Tử nhiều lần đi xe lửa đến Phan Thiết tìm gặp Mộng Cầm. Và mối tình đẹp đẽ ấy kéo dài được gần 2 năm trời. Hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp, hạnh phúc và tràn đầy hy vọng ở các địa danh như Mũi Né, Lầu Ông Hoàng mà nhà thơ này nhắc đến trong các bài thơ…

Cô gái Mộng Cầm đã cho Hàn Mạc Tử những tháng ngày hạnh phúc và cũng chính là người khiến chàng trai đa sầu đa cảm này nỗi đau đớn khôn xiết khi Mộng Cầm quyết định lấy chồng giữa lúc thi sĩ lâm bệnh nặng. Nỗi đau về thể xác cùng với nỗi tuyệt vọng vì bị phụ tình đã khiến Hàn Mặc Tử rơi vào khoảng không uất hận.

Chính trong lúc đau đớn, tuyệt vọng nhất, bóng hồng tiếp theo đã bước vào cuộc đời Hàn Mặc Tử có tên Mai Đình (ở Thanh Hoá) mà vẫn hay gọi là “tình văn chương“ bởi vì quá yêu thơ Hàn nên đã trốn nhà tìm gặp bằng được người trong mộng.

Lúc ấy, Hàn Mặc Tử rất mặc cảm vì đang mang bệnh nặng nên không chịu gặp mặt. Nhưng về sau, chứng kiến sự hy sinh và tình yêu lớn lao của Mai Tình, Hàn Mặc Tử mới đáp lại tình cảm của Mai Đình và họ đã trải qua một mối tình trong sáng.

Với nghĩa cử cao quý của Mai, với tình yêu tha thiết của Mai, tôi không thể phối hợp hôn nhân với ai trừ em, nếu ngày kia bệnh tôi lành hẳn”, Dzũ Kha trích lời nhà thơ Hàn Mạc Tử với Mai Đình.

Gần bên nhau chưa bao lâu thì Mai Đình phải từ giã người mình yêu vì lý do phía gia đình nàng bắt đi lấy chồng. Lúc nhà thơ Hàn Mạc Tử mất cũng là lúc Mai Đình đang ở Sài Gòn.

Có một người tình vô cùng độc đáo của thi nhân Hàn Mạc Tử là người đẹp không có thật “Trần Thương Thương”. Đó là giấc mộng tình êm ái trước khi nhà thơ mất vì bạo bệnh.

Một người bạn của Hàn Mạc Tử lúc bấy giờ, vì thấy bạn quá đau đớn trước chuyện tình dang dở với Mộng Cầm, nên âm thầm lấy tên của cô cháu gái nhỏ mới 12 tuổi.

Vẽ ra hình ảnh một nữ sinh xứ Huế tên Thương Thương rất yêu quý thơ của Hàn Mặc Tử và thường xuyên giả vờ gửi thư cho ông để xoa dịu nỗi buồn. Lúc ấy, Hàn Mạc Tử cứ ngỡ mình đang có tình yêu thật sự và quên đi nỗi đau.

Ông say đắm Thương Thương trong mộng và đã để lại cho người đọc sau này những tác phẩm thơ đầy ngọt ngào, trong sáng như “Duyên kỳ ngộ”, “Quần tiên hội”..

Những tác phẩm thơ Hàn mặc Tử được trưng bày trong vườn.

Những tác phẩm thơ Hàn mặc Tử được trưng bày trong vườn.

Ngồi hàng giờ trò chuyện cũng không hết chuyện của nhà thơ Hàn Mạc Tử qua lời kể của “bút lửa” Dzũ Kha. Dzũ Kha không màng danh vọng, sống như ẩn sĩ, với cây bút lửa điệu nghệ, viết thơ Hàn bằng tất cả cả tấm lòng với mong muốn giúp du khách thêm yêu, thêm hiểu những điều Hàn Mạc Tử muốn giãi bày cùng nhân thế.

"Thắp lửa" thơ Hàn

Nghệ nhân Dzũ Kha được mệnh danh là "Từ điển sống về cuộc đời và thơ ca Hàn Mặc Tử", là kẻ giữ mộ thi nhân. Cuốn sách "Hành trình đến với Hàn Mạc Tử" của Dzũ Kha lưu giữ lại rất nhiều những bài thơ nổi tiếng của Hàn Mạc Tử.

Lật những trang sách, người đọc sẽ được xem rất nhiều những bức ảnh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của người thi sĩ này cũng như ảnh những "bóng hồng" ông đã từng yêu như: Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Trần Thương Thương…

Tôi đọc nhiều, thuộc hết thơ Hàn, cũng như tiểu sử cuộc đời và các mối tình của ông. Tôi có thể nói chuyện hàng giờ không chán về Hàn Mặc Tử với du khách ghé thăm mộ của anh tại đồi Ghềnh Ráng”, Dzũ Kha nói.

Lều trưng bày các tác phẩm bút lửa của ông Dzũ Kha qua gần 40 năm.

Lều trưng bày các tác phẩm bút lửa của ông Dzũ Kha qua gần 40 năm.

Sau khi nghiền ngẫm về cuộc đời Hàn Mặc Tử, Dzũ Kha tìm cách để lưu giữ và truyền bá thơ Hàn Mạc Tử. Nếu viết, vẽ thơ Hàn bằng những cách thông thường như sơn, mực gì đó cũng đều bị bong tróc. Năm 1983, chiếc “bút lửa” ra đời.

Thực ra, kỹ thuật "bút lửa" (dùng điện nung nóng và vẽ bằng cách đốt cháy gỗ) không lạ vì nó đã được các nghệ nhân Đà Lạt và Sài Gòn sử dụng để viết, nhưng ngòi bút ấy viết thơ Hàn Mạc Tử, với những nét điêu luyện và đẹp như chữ thư pháp đã trở thành điểm riêng không trộn lẫn.

Dzũ Kha tự làm chiếc “bút lửa” đầu tiên để viết thơ Hàn trên các sản phẩm tranh gỗ thông. Chiếc bút có ngòi là dây lò xo xoắn được đấu nối với dòng điện. Khi viết, vẽ, ngòi chạm vào gỗ thông hoặc gỗ mít, xà cừ… phát ra lửa, bốc khói.

Muốn sử dụng bút lửa để cho ra tác phẩm nghệ thuật đạt độ tinh xảo, hoàn hảo thì đòi hỏi nghệ nhân phải cực kỳ tỉ mỉ, chính xác trong từng chi tiết bởi bút lửa dễ gây cháy sém chất liệu trong quá trình vẽ.

Vườn thơ Hàn mạc Tử tại đồi Thi Nhân, Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, Bình Định.

Vườn thơ Hàn mạc Tử tại đồi Thi Nhân, Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, Bình Định.

Hàng năm, Dzũ Kha vẫn đều đặn tổ chức sinh nhật và ngày giỗ cho nhà thơ Hàn Mạc Tử. “Tôi yêu thơ Hàn Mạc Tử và kính trọng ông, nên việc người đời nghĩ tôi bị điên, tôi không cần phải giải thích".

Cứ thế, Dzũ Kha đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với Ghềnh Ráng - nơi yên nghỉ của thi sĩ Hàn.

Hơn 40 năm, vẫn đều đặn hằng ngày, qua bao mùa dù nắng hay mưa, ông vẫn luôn ở đây, miệt mài dùng cây bút lửa điệu nghệ và tài hoa cần mẫn chép thơ Hàn lên trên những tấm gỗ đầy hương thơm làm kỉ niệm, say sưa đọc những bài thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử, nhiệt tình giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ để phục vụ khách du lịch khi ghé thăm khu di tích mộ của nhà thơ.

Dzũ Kha tâm sự, chuyện đời giờ ông đã không quan tâm nữa rồi. Cuộc đời ông chỉ tồn tại thứ duy nhất đó là đam mê và truyền bá thơ Hàn Mạc Tử.

Trước tấm lòng yêu thơ Hàn độc đáo của ông, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận đề xuất xây dựng “Nhà lưu niệm thơ Hàn Mặc Tử - Bút lửa Dzũ Kha” trong khu du lịch Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn).

Nguyễn Gia
Bình luận
vtcnews.vn