2 kiểu trẻ em có vẻ xuất sắc ở tiểu học nhưng lên cấp 2 rất dễ tụt dốc

Gia đìnhThứ Ba, 12/09/2023 08:05:28 +07:00

Hầu hết những "học sinh giỏi giả" ở cấp tiểu học đều có chung hai đặc điểm này, cha mẹ cần lưu ý để có biện pháp cải thiện.

Nhiều phụ huynh có con học THCS cảm thấy "sốc" khi vào cấp học mới, con học giảm sút rõ rệt. Nguyên nhân bởi cấp 2 có sự thay đổi môi trường học tập cùng với cách tiếp cận kiến thức, hình thức kiểm tra, đánh giá hoàn toàn khác biệt khiến không ít học sinh bỡ ngỡ.

Bên cạnh những lý do trên, cũng có thể khi ở cấp tiểu học, nhiều đứa trẻ trong mắt cha mẹ nhìn có vẻ xuất sắc nhưng thực ra chỉ là bề ngoài. Nếu không được khắc phục kịp thời, vấn đề sẽ "bùng nổ" và bộc lộ khi trẻ bước vào chương trình THCS với độ khó ngày càng tăng.

Không chịu suy nghĩ

Một số trẻ gặp vấn đề: Nếu không nghĩ ra được câu trả lời trong vòng vài giây thì sẽ hỏi ngay thầy cô, cha mẹ, chờ đợi để có câu trả lời soạn sẵn. Những đứa trẻ này nhìn bề ngoài có vẻ rất chăm chỉ, siêng năng nhưng thực chất lại rất lười suy nghĩ, cuối cùng sẽ trở nên lười biếng trong học tập.

Kiến thức ở bậc tiểu học tương đối đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều tư duy sâu, tuy nhiên, sau cấp 2, cấp 3, nếu không giỏi tư duy, trẻ sẽ gặp trở ngại lớn trong việc học các môn khoa học. Vì vậy, chúng ta phải để con mình phát triển thói quen tốt về tư duy tích cực ngay từ nhỏ. Cha mẹ không nên là người làm thay cho con mà nên là người hướng dẫn để con vận dụng trí óc nhiều hơn.

Căn cứ vào độ tuổi cũng như tính cách của trẻ, các bậc phụ huynh nên cùng trẻ tham gia một số hoạt động nhỏ mang tính chất động não, buộc trẻ phải suy nghĩ. Bố mẹ có thể cùng chơi với trẻ trò chơi với những con số, giải câu đố, thi kể chuyện… Cách làm này không những kích thích sự động não, tư duy ở trẻ mà còn thể hiện sự quan tâm của bố mẹ. 

Bên cạnh đó, hãy đưa trẻ đến với thiên nhiên trong lành cho trẻ quan sát sự vật, đồng thời đặt ra những câu hỏi liên quan để trẻ trả lời và giải thích mọi thắc mắc của trẻ. 

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chỉ chịu học nếu được thưởng

Để đạt được kỳ vọng, nhiều bậc cha mẹ lấy phần thưởng làm động lực thúc đẩy con. Những đứa trẻ bị "thao túng" bởi phần thưởng sẽ không còn động lực từ bên trong nội tại. Vì vậy khi không có phần thưởng thì trẻ không còn động lực phấn đấu.

Không thể phủ nhận những động lực do phần thưởng vật chất mang lại sẽ khiến trẻ thay đổi trong thời gian ngắn và đạt được kết quả ngay lập tức. Tuy nhiên theo thời gian, phần thưởng sẽ mất đi sức hấp dẫn ban đầu.

"Hơn 40 năm nghiên cứu cho thấy phần thưởng bên ngoài làm giảm động lực bên trong. Nói cách khác, học sinh sẽ ít có khả năng phát hiện ra niềm đam mê của mình với môn học nếu mục tiêu chỉ là đạt được điểm tốt để nhận được vài tờ tiền", Amy McCready, chuyên gia giáo dục và người sáng lập trang Positive Parenting Solutions cho biết.

Nhà tâm lý Amy nhấn mạnh, điều quan trọng nữa là cần nhận ra rằng thưởng cho điểm tốt sẽ chỉ nuôi dưỡng sự đòi hỏi của trẻ và trẻ sẽ luôn mặc cả kiểu: "Con làm thế thì được gì?". Thay vì thế, bố mẹ nên hướng tới mục tiêu làm sao cho trẻ tập trung và nỗ lực hết sức vào việc mình làm chứ không phải là mình được thưởng thứ gì.

Thay vì điểm cao nên chú ý tới các hành vi và thái độ sẽ giúp trẻ dễ đạt thành công. Khen ngợi con vì những cố gắng của con khi bạn thấy con chăm học. Bằng cách tập trung vào hành động hơn là điểm số, bạn sẽ nuôi dưỡng khát khao được thành công của trẻ và trẻ không phải phụ thuộc vào những phần thưởng bên ngoài (như tiền, đồ chơi) để có động lực cố gắng.

Nhà tâm lý học William James từng nói: “Nhu cầu sâu xa nhất của con người là mong muốn được người khác đánh giá cao và ngưỡng mộ”. So với phần thưởng vật chất, sự khích lệ tinh thần có thể kích thích động lực bên trong trẻ nhiều hơn. Tuy nhiên cha mẹ nên kiểm soát tần suất khen thưởng, khen đúng người đúng việc để trẻ thấy được giá trị của lời khen.

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn