15 chiến đấu cơ ‘khét tiếng’ nhất của Nga: Những đối thủ đáng gờm của phương Tây

Tư liệuThứ Bảy, 05/08/2023 07:16:00 +07:00
(VTC News) -

Những chiến đấu cơ “huyền thoại” của quân đội Liên Xô/Nga đã và đang là những đối thủ nguy hiểm nhất của các loại máy bay chiến đấu phương Tây.

11. MiG-29SMT/UBT: số lượng 17 chiếc 

MiG-29SMT/UBT là những bản nâng cấp của MiG-29 thế hệ thứ nhất sử dụng những cải tiến trên MiG-29M. Phiên bản này được bổ sung thùng nhiên liệu phụ dọc thân máy bay, giúp mở rộng phạm vi bay lên tới 2.100 km.

Buồng lái của MiG-29SMT/UBT được thiết kế cải tiến với hai màn hình tinh thể lỏng màu 152 mm × 203 mm và hai màn hình LCD đơn sắc nhỏ hơn. MiG-29A thiếu khả năng không đối đất, do đó bản nâng cấp SMT được bổ sung thêm radar Zhuk-ME và tích hợp vũ khí dẫn đường không đối đất.

MiG-29SMT của Không quân Nga.

MiG-29SMT của Không quân Nga.

Máy bay được trang bị động cơ RD-33 nâng cấp với lực đẩy mạnh hơn, đồng thời tải trọng vũ khí tăng lên 4.500 kg với sáu điểm treo dưới cánh và một điểm treo ở bụng. MiG-29SMT/UBT có khả năng tích hợp các hệ thống điện tử hàng không và vũ khí của nước ngoài, điều này phục vụ cho mục đích xuất khẩu.

MiG-29SMT ban đầu được phát triển như một gói nâng cấp, dành cho những khung MiG-29 cất trong kho niêm cất từ thời Liên Xô, tuy nhiên kế hoạch hiện đại hóa này đã bị hủy bỏ vì lý do kinh phí.

Cho đến những năm gần đây, chương trình MiG-29SMT/UBT được tái khởi động thông qua việc hiện đại hóa những chiếc MiG-29 từ kho chứa để xuất khẩu cho Syria và Ấn Độ. 

Algeria cũng đặt hàng MiG-29SMT vào những năm 2000, tuy nhiên thương vụ đã bị hủy bỏ với lý do khung máy bay không phải là loại mới được chế tạo và có chất lượng kém. Sau đó, quốc gia Bắc Phi này đã chọn những chiếc Su-30MKA để thay thế. Trong khi đó, những chiếc MiG-29SMT bị Algeria từ chối đã được Không quân Nga tiếp nhận và chúng chủ yếu được sử dụng cho vai trò huấn luyện. 

Su-24M của Không quân Nga.

Su-24M của Không quân Nga.

12. Su-24M/M2: số lượng 76 chiếc 

Từng là lớp tiêm kích lớn nhất trong Quân đội Nga, Su-24M đã bị loại khỏi biên chế vào những năm 2010 và được thay thế bằng Su-30SM và Su-34. Một số máy bay còn hoạt động đã được hiện đại hóa với hệ thống điện tử hàng không của thế kỷ 21, vũ khí tiên tiến và hệ thống tác chiến điện tử. 

Các máy bay chiến đấu Su-24M đã được triển khai chiến đấu ở Syria từ năm 2015 và đóng góp không nhỏ vào nỗ lực chống nổi dậy của quốc gia này. Những chiếc Su-24M cũng được triển khai tham chiến trên chiến trường Ukraine, tuy nhiên khả năng của chúng bị hạn chế do phải đối mặt với các hệ thống phòng không từ phương Tây. 

Tất cả các máy bay Su-24 còn lại dự kiến ​​sẽ được cho “nghỉ hưu” trước cuối thập kỷ này, khi việc sản xuất Su-34 đang được đẩy mạnh. Su-24M là máy bay chiến đấu cánh cụp cuối cùng còn hoạt động trên thế giới, nhiều khung máy bay Su-24 được Quân đội Nga sử dụng với vai trò máy bay trinh sát chuyên dụng.

Su-33 của Hải quân Nga.

Su-33 của Hải quân Nga.

13. Su-27SM/Su-33: số lượng 53 chiếc (35/18)

Su-27SM là nỗ lực nâng cấp phi đội Su-27 của Nga, được nước này tiến hành trong những năm 2000 khi ngân sách quốc phòng và kinh tế Nga bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng những năm 1990. 

Những cải tiến trên Su-27SM bao gồm việc tích hợp hệ thống định vị vệ tinh, màn hình tinh thể lỏng, radar và máy tính bay mới. Máy bay có khả năng tương thích với bom dẫn đường và tên lửa hành trình Kh-31, khiến chúng trở nên linh hoạt hơn đáng kể, đồng thời thân, cánh và càng đáp của máy bay cũng được tăng cường để có thể mang được nhiều vũ khí hơn. 

Những chiếc Su-27SM đầu tiên được đưa vào phục vụ từ năm 2004 và vào thời điểm đó kế hoạch nâng cấp này chủ yếu là nhằm kéo dài thời gian phục vụ của Su-27, cho đến khi chúng bắt đầu được thay thế bằng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 vào năm 2015. Tuy nhiên chương trình Su-57 đã bị trì hoãn nhiều lần vì vậy Su-27 vẫn còn được sử dụng đến hiện nay.

Trong khi đó, Su-33 là phiên bản tương tự như Su-27SM nhưng được thiết kế cho hải quân, được đưa vào sử dụng từ những năm 1990. Su-33 được tối ưu hóa để triển khai trên các tàu sân bay và có nhiều cải tiến về hệ thống điện tử hàng không. 

Vào thời điểm đó, Su-33 được coi là máy bay chiến đấu có năng lực nhất trong Không quân Nga, vì các thiết kế có khả năng tương tự như Su-30MKK và Su-37 chỉ được phát triển dành riêng cho xuất khẩu.

Su-27 của Không quân Nga (trái) và MiG-29

Su-27 của Không quân Nga (trái) và MiG-29

14. Su-27: số lượng 30 chiếc

Được thiết kế để đối đầu với F-15C/D Eagles của Không quân Mỹ, Su-27 vẫn là một trong những máy bay chiến đấu có ảnh hưởng nhất trên thế giới, hầu hết tất cả các máy bay chiến đấu của Nga được chế tạo trong vòng 30 năm qua đều có nguồn gốc từ Su-27. 

Sau khi Liên Xô tan rã, Quân đội Mỹ đã mua được một số chiếc Su-27 thông qua Belarus. Mỹ đã sử dụng những chiếc Su-27 này trong các cuộc tập trận để huấn luyện cho các phi công F-15. 

Các đánh giá của Mỹ trong quá trình tập trận chỉ ra rằng, Su-27 có khả năng chiến đấu trên không tốt hơn nhiều so với F-15 và vượt trội so với các máy bay chiến đấu cùng thời của không quân phương Tây. 

Từng là chiếc máy bay chiến đấu mang tính cách mạng trong lịch sử hàng không, tuy nhiên ngày nay Su-27 đã bị coi là lỗi thời và dự kiến ​​sẽ bị loại khỏi Lực lượng Không quân Nga trước năm 2025.

Minh chứng rõ nhất chính là những tổn thất của Không quân Ukraine, khi họ đã cố gắng sử dụng những chiếc Su-27 do chính Liên Xô chế tạo, để chống lại các máy bay chiến đấu của Nga trong cuộc xung đột vừa qua. 

Mặc dù tầm hoạt động và khả năng cơ động của Su-27 vẫn được đánh giá cao, nhưng hệ thống điện tử được thiết kế từ những năm 1980 của Su-27 không thể đối đầu được với các hệ thống điện tử của các chiến đấu cơ thời điểm hiện tại.

MiG-29.

MiG-29.

15. MiG-29/MiG-29UB: số lượng 70 chiếc

Phi đội MiG-29 đã phải cắt giảm số lượng rất lớn kể từ khi Liên Xô tan rã. Từng có khoảng 800 chiếc MiG-29 hoạt động vào năm 1991 và có hàng chục chiếc được sản xuất mỗi năm, ngày nay Nga chỉ còn khoảng 110 chiếc và 64% trong số đó không được hiện đại hóa. 

Loại máy bay này dự kiến ​​sẽ tiếp tục bị thay thế để nhường chỗ cho các lớp máy bay chiến đấu hạng nặng hơn như Su-57. MiG-29 từng dẫn đầu về khả năng cơ động so với các loại máy bay cùng thời, tuy nhiên hệ thống thiết bị điện tử của máy bay lại bị đánh giá khá hạn chế. 

MiG-29 được đánh giá cao nhờ khả năng hoạt động từ các đường băng ngắn hoặc phức tạp, máy bay có thể tăng tốc trong thời gian ngắn mà không cần dựa vào vectơ lực đẩy. 

MiG-29 được thiết kế theo học thuyết của Liên Xô: vũ khí phải có độ tin cậy cao, bền bỉ trước điều kiện khắc nghiệt, khả năng bảo dưỡng dễ dàng để có thể hoạt động với cường độ cao.

Theo tính toán, số giờ bảo dưỡng trên mỗi giờ bay của MiG-29 là 11,3 giờ (MiG-29M là 11 giờ). Để so sánh, thông số tương ứng của F-16C là 18 giờ và F/A-18C Hornet là 16-18 giờ. Như vậy, mức yêu cầu thời gian bảo trì của MiG-29 chỉ bằng khoảng 60% so với đối thủ thiết kế của Mỹ.

MiG-29 dự kiến ​​sẽ được chuyển cho các đơn vị dự bị của Không quân Nga vào những năm 2030, máy bay vẫn có thể hoạt động lâu hơn nữa, mặc dù đã bị loại bỏ khỏi vai trò chiến đấu tiền tuyến.

Lê Hưng(Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn