100 ngôi mộ bị lấp, chính quyền "khai" chỉ một?

Thời sựThứ Năm, 15/03/2012 12:02:00 +07:00

(VTC News) – Trong khi người dân phản ánh có hàng trăm ngôi mộ bị san lấp thì chính quyền khẳng định: Chỉ có 1 ngôi mộ bị san lấp.

(VTC News) – Trong khi người dân phản ánh có hàng trăm ngôi mộ bị san lấp thì chính quyền khẳng định: Chỉ có 1 ngôi mộ bị san lấp.

Liên quan đến sự việc một đơn vị thi công của Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế CT Việt Nam đã san lấp hàng trăm ngôi mộ tại nơi chôn cất người quá cố của người dân làng Tứ Kỳ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), chiều 14/3, PV VTC News đã có buổi làm việc với ông Phùng Trung Hải, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt để tìm hiểu vụ việc.

Ông Phùng Trung Hải khẳng định rằng, thực chất số mộ bị đơn vị thi công san lấp chỉ là một hai ngôi, “chứ không có chuyện san lấp hàng trăm ngôi mộ như phản ánh của người dân và báo chí”.

 Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho rằng đơn vị thi công đã làm sai quy trình và chỉ có 1 ngôi mộ bị san lấp trong đêm 12, rạng sáng 13/3

Ông Hải xác nhận rằng, thời điểm đơn vị thi công tiến hành san lấp là vào ban đêm, từ “sau 23h ngày 12/3”. Đến sáng 13/3, ông Hải mới nhận được thông tin về vụ việc và cùng với một số bộ phận liên quan xuống hiện trường "lập biên bản và tạm đình chỉ thi công đối với đơn vị thi công để làm rõ vụ việc”.

Vị này cũng cho biết, UBND phường đã báo cáo sự việc này lên quận Hoàng Mai, trong sáng 14/3, một tổ công tác bao gồm nhiều ban ngành của quận đã trực tiếp xuống hiện trường để khám nghiệm.

“Chúng tôi vẫn giữ nguyên hiện trường và đã thành lập một lực lượng gồm CA phường và một số đơn vị để túc trực tại đó bảo vệ và ngăn cản đơn vị thi công nếu đơn vị này vẫn tiếp tục việc san lấp”, chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết.

Người dân khẳng định rằng có gần 100 ngôi mộ bị san lấp

Trao đổi thêm về vụ việc, ông Hải cho biết, khu đất bị đơn vị san lấp vào đêm 12/3, rạng sáng 13/2 thuộc diện giải toả để làm nhà cao tầng. Theo thống kê của phường, có khoảng 300 ngôi mộ được chôn cất lâu đời tại đây. Có 88 hộ thuộc diện đền bù, trong số này đã có 85 hộ nhận tiền đền bù, còn 3 hộ vẫn chưa đồng ý và chưa nhận tiền, do đó giai đoạn giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành.

Theo đúng quy trình, khi người dân thoả thuận và nhận tiền đền bù xong, Sở Tài nguyên môi trường cùng với cơ quan liên quan sẽ có văn bản bàn giao mặt bằng, khi đó đơn vị thi công mới được phép thi công trên mặt bằng đó.

Tuy nhiên, “đến giờ phút này, mặt bằng vẫn chưa được bàn giao cho đơn vị thi công, Sở Tài nguyên môi trường chưa có văn bản nhưng họ đã tiến hành san lấp, bỏ qua quy trình thủ tục, chúng tôi đã nhắc nhở yêu cầu đơn vị thi công chấp hành, có ký cam kết nhưng đơn vị này chưa thực hiện và đến đêm 12/3 thì lại tiến hành san lấp” – ông Hải nói.

Một bà cụ mò mẫm để tìm lại mộ tổ tiên mình sau khi đã bị đơn vị thi công san phẳng.

Ông Hải cho biết thêm, về 1 ngôi mộ bị san lấp (thuộc dòng họ Phùng), chủ đầu tư đã làm việc với hộ này và đã tiến hành di dời trong ngày 13/3, hai ngôi mộ bị ảnh hưởng cũng đã được di dời về nghĩa trang của phường.

Về phương hướng giải quyết, Chủ tịch UBND phường Phương Liệt cho biết: “Trước mắt là đình chỉ thi công, báo cáo lên quận và các cơ quan cấp trên, chờ ý kiến chỉ đạo và thực hiện”.

Trong khi đó, tiếp xúc với PV, nhiều hộ dân của làng Tứ Kỳ vẫn khẳng định, đơn vị thi công đã tiến hành san lấp nhiều ngôi mộ của tổ tiên mà họ chôn cất tại đây chứ không phải là 1 ngôi như lời ông chủ tịch phường nói.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (người làng Tứ Kỳ) bức xúc cho biết, gia đình ông có đến 10 ngôi mộ đã bị san lấp; ông Hưng (61 tuổi) cho biết, gia đình có 8 ngôi mộ tại khu vực này, sau khi đơn vị thi công san lấp chỉ còn là bãi đất trống. Nhiều hộ dân khẳng định mộ tổ tiên của mình cũng bị san phẳng, tổng số khoảng 100 ngôi.

Trong khi đó, tại biên bản họp ngày 14/3/2012 của UBND phường Hoàng Liệt với đơn vị thi công, các đơn vị liên quan và người dân có đoạn ghi: “Ông Nguyễn Phúc Hưng, tổ 14, tại dự án, gia đình ông có 07 ngôi mộ, đã tìm được 03 ngôi, có 04 ngôi đang thất lạc, chưa tìm thấy”. Điều này cũng mâu thuẫn với thông tin chỉ 1 ngôi mộ bị vùi lấp như ông chủ tịch phường nói.

 Người chỉ tay (bìa phải) tự xưng là bảo vệ và ngăn cản PV tiếp cận hiện trường vụ việc.

Nhiều người dân khẳng định rằng, khi đưa vào diện đền bù, khu đất này chỉ được tính đền bù theo diện đất nông nghiệp, còn phần mồ mả ở dưới chưa được thương lượng thoả đáng để di dời. Ông chủ tịch phường cũng cho biết rằng, chưa thống nhất được địa điểm mới để di dời những khu mộ này.

Điều đáng chú ý là khi PV trực tiếp đến hiện trường để tìm hiểu thì một người đàn ông, tự xưng là bảo vệ của công trường đứng ra xua đuổi, ngăn không cho PV báo chí tiếp cận hiện trường. Về phía Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế CT Việt Nam, PV đã trực tiếp đến trụ sở của công ty này và cũng bị một số người đứng ra xua đuổi với lý do “chúng tôi không tiếp báo chí”.

Cho đến giờ phút này, vẫn chưa có một phát ngôn chính thức nào từ phía công ty này. Trong khi đó, người làng Tứ Kỳ vẫn đang “nóng như lửa đốt” vì cho rằng mồ mả của tổ tiên họ bị đào bới và san phẳng.

“Hành vi lén lút, xâm phạm mồ mả của người chết trong đêm là hành vi đi ngược lại với truyền thống đạo đức của dân tộc, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để trả lại công bằng cho người dân” – một người bức xúc nói.

Đại Minh – Đại Trí

Bình luận
vtcnews.vn