10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất năm 2019

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Tư, 01/01/2020 07:11:00 +07:00
(VTC News) -

Năm 2019 khép lại với những diễn biến sôi động của nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh nhiều thành tựu nổi bật là không ít tồn tại, vướng mắc.

BTV Kinh tế Báo điện tử VTC News lựa chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật diễn ra trong năm qua.

1. Việt Nam - EU ký Hiệp định thương mại tự do

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau 9 năm đàm phán. EVFTA mở ra cơ hội lớn cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU, là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất năm 2019 - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh: TTXVN)

 

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể. Theo tính toán, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4-6% một năm trong 10 năm đầu kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư và sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam. Hiệp định này khi có hiệu lực sẽ tạo ra khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.

Sau ký kết, Việt Nam và EU vẫn đang trong quá trình chờ Nghị viện EU và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, để các hiệp định này được thực thi.

2. Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài

Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài (FDI) đến năm 2030”. Việc lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết chuyên đề về FDI đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Nghị quyết chỉ rõ ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong thu hút FDI giai đoạn tới là các dự án có công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nghị quyết là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thế hệ mới có chất lượng cao hơn.

3. Xuất nhập khẩu lần đầu vượt mốc 500 tỷ USD

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 264 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với 2018. Đặc biệt, lần đầu tiên kim ngạch 2 chiều vượt mốc 500 tỷ USD - đúng 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD - đã giúp Việt Nam lọt top 30 quốc gia có tăng trưởng xuất nhập khẩu tốt trên thế giới.

Việt Nam ghi nhận xuất siêu khoảng 11 tỷ USD, cao nhất từ năm 2012. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 242 tỷ USD, nhập khẩu xấp xỉ 231 tỷ USD. Năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%.

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất năm 2019 - 2

 

Đạt mức xuất siêu kỷ lục có sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp nước ngoài với 167 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 4% so với cùng kỳ; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Đồng thời, việc tăng xuất sang một số quốc gia trong CPTPP như Canada, Mexico... cũng tạo đòn bẩy cho xuất khẩu Việt Nam tăng lên nhanh chóng.

Xét về tăng trưởng cả giai đoạn lên đến 13%, Việt Nam thuộc top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Góp phần quan trọng vào kết quả này là nhóm hàng công nghiệp chế biến, ước hơn 222 tỷ USD, chiếm khoảng 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Năm 2019 có tới 26 nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD trở lên, 8 nhóm hàng đạt hơn 5 tỷ USD và 3 nhóm hàng đạt trên 30 tỷ USD.

4. Tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc, từ mức xếp hạng 77 của năm 2018  lên mức xếp hạng 67 trong năm 2019. Lần đầu tiên, Việt Nam đã vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới trong số 141 nền kinh tế được xếp hạng. Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu.

Đây là kết quả của những nỗ lực bền bỉ trong công cuộc cải cách Chính phủ đang tiến hành với bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến kinh tế thế giới có nhiều bất ổn. Những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được nhiều tổ chức và truyền thông quốc tế đánh giá cao với hàng loạt thông tin tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam.

5. Giải ngân vốn FDI đạt kỷ lục

Năm 2019, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2018. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong khi đó, thu hút FDI cũng vượt dự báo, đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2018 và cao nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó, vốn đăng ký mới gần 17 tỷ USD, vốn điều chỉnh và tăng thêm 5,8 tỷ USD và vốn góp mua cổ phần 15,47 tỷ USD.

Vốn FDI được đầu tư vào vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo là bất động sản 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD, Singapore đứng thứ ba với 4,5 tỷ USD...

Theo địa bàn đầu tư, Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư.

6. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đẩy giá thịt lợn tăng kỷ lục

Dịch tả lợn Châu Phi có thể coi là đại dịch bùng phát mạnh nhất trong năm 2019, xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Khoảng 6 triệu con lợn với tổng trọng lượng hơn 340.000 tấn đã bị tiêu hủy, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước. Việc thiếu hụt sản lượng đã đẩy giá thịt lợn tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng. Bệnh dịch này cũng khiến cả nước nguy cơ thiếu hàng nghìn tấn thịt lợn vào dịp Tết Nguyên đán 2020.

7. Các ngân hàng thương mại với cuộc đua tăng vốn điều lệ

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất năm 2019 - 3

 

Năm 2019 ghi nhận việc một loạt ngân hàng thương mại tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020. Hiện đã có 18 ngân hàng trong hệ thống đáp ứng chuẩn Basel II, trong đó có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài.

Basel II là chuẩn mực cao nhất được áp dụng tại nhiều quốc gia nhằm xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính... Tiêu chuẩn này sẽ giúp các ngân hàng thương mại đảm bảo các chỉ số vốn, yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, góp phần củng cố nền tảng vững chắc cho hệ thống tài chính tín dụng và cho nền kinh tế.

8. Bùng nổ thị trường hàng không tư nhân

10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất năm 2019 - 4

 

Ngày 16/1/2019, Hãng hàng không Bamboo Airways chính thức gia nhập thị trường hàng không với chuyến bay thương mại đầu tiên TP.HCM - Hà Nội. Sau 8 năm, Việt Nam lại có thêm một hãng hàng không mới ra đời, mở ra cuộc cạnh tranh giành thị phần nội địa giữa các hãng hàng không. Hiện có thêm Công ty cổ phần Hàng không Vinpear Air, Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Công ty cổ phần hàng không Ngôi sao Việt (Vietstar), Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh (dự án Hãng hàng không Cánh Diều - Kite Airlines)... đang hoàn thành các thủ tục để khai thác thương mại.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đặc thù của ngành hàng không như: thành lập Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways, trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không Vinpearl Air, Học viện Hàng không Vietjet.

9. Công bố tiêu chí hàng "Made in Vietnam" để phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ

Năm qua, Asanzo bị nghi ngờ có hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng để tiêu thụ hàng hóa trong nước. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp nước ngoài cũng lợi dụng xuất xứ Made in Vietnam nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại...

Thực trạng này khiến Chính phủ nhanh chóng đưa ra Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng ngừa thương mại và gian lận xuất xứ. Và lần đầu tiên dự thảo thông tư về tiêu chí hàng Made in Vietnam được Bộ Công thương cũng đã được đưa ra.

10. Thị trường bất động sản vướng nhiều biến cố

Thị trường bất động sản năm 2019 được đánh giá là nhiều sự cố, nổi cộm là tình trạng phân lô bán nền, lập dự án "ma". Các doanh nghiệp như Địa ốc Alibaba, Hoàng Kim Land, Hưng Thịnh Phát... đã lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng từ việc bán các dự án "tự vẽ".

Những tháng cuối năm, chủ đầu tư dự án Cocobay thông báo đến khách hàng dừng việc chi trả mức lợi nhuận 12% theo như đã cam kết đã kéo theo nỗi lo ngại vỡ trận căn hộ khách sạn - condotel sau thời gian bùng nổ mạnh mẽ.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã khẳng định đã có khung pháp lý để quản lý condotel, officetel - những loại hình bất động sản nguy cơ gây rủi ro cao với nhà đầu tư.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn