Vi phạm thủ tục tố tụng trong vụ kiện tranh chấp đất kéo dài ở An Giang

Pháp đìnhChủ Nhật, 17/04/2022 06:45:00 +07:00
(VTC News) -

TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm vụ kiện tranh chấp đất kéo dài ở huyện Tịnh Biên do TAND tỉnh An Giang xét xử vì có nhiều vi phạm trong tố tụng.

Vụ kiện kéo dài nhiều năm

Theo nội dung vụ việc, bà Ngô Thị Xuyến là vợ ông Nguyễn Văn Lâm - liệt sĩ chống Mỹ, khởi kiện liên quan thửa đất tranh chấp diện tích hơn 5.000m2, tiếp giáp quốc lộ 91, thuộc ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang.

Thửa đất này do ông Ngô Văn Khánh (cha đẻ bà Xuyến) thừa hưởng lại từ bố là ông Ngô Văn Của.

Thửa đất được chế độ cũ cấp bằng khoán điền thổ số 453 vào năm 1944. Năm 1978, bà Xuyến cho 6 hộ gia đình lánh nạn dựng nhà ở tạm trên đất cho đến nay.

Vi phạm thủ tục tố tụng trong vụ kiện tranh chấp đất kéo dài ở An Giang - 1

Bản dịch bằng khoán điền thổ số 453.

Năm 1985, bà Xuyến chuyển nhượng lại 2.000m2 ở thửa đất này cho bà Ngô Thị Qụa và ông Lê Hồng Sơn (chồng bà Qụa, người ở Châu Đốc).

Phần đất chuyển nhượng này nằm phía sau đất 6 hộ dân lánh nạn ở nhờ, cách quốc lộ 91 khoảng 25m, sau này bà Qụa làm nơi đặt mộ người thân trong gia đình, nên hai bên chỉ làm giấy viết tay (đã thất lạc).

Năm 1992, bà Xuyến tới UBND xã An Phú đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng không được. Tới năm 2013, khi thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 91, một số hộ dân được đền bù, trong đó có phần đất bà Xuyến chuyển nhượng lại cho bà Qụa.

Đáng nói là, thửa đất 2.000m2 của bà Xuyến chuyển nhượng lại cho bà Qụa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng phần đất của gia đình bà Xuyến lại không.

Khiếu nại nhưng không có kết quả, năm 2015, bà Xuyến gửi đơn kiện tới TAND huyện Tịnh Biên (An Giang), đòi lại quyền sử dụng đất, tài sản là tiền bồi hoàn đất; yêu cầu tháo dỡ, di dời vật kiến trúc và hủy giấy chứng nhận QSDĐ của bà Qụa.

Vi phạm thủ tục tố tụng trong vụ kiện tranh chấp đất kéo dài ở An Giang - 2

Sau khi mẹ mất, bà Bùi Kim Bình thay mẹ theo đuổi vụ kiện tranh chấp đất kéo dài nhiều năm.

Sau 5 năm đi kiện, TAND huyện Tịnh Biên và TAND tỉnh An Giang chưa giải quyết thỏa đáng vụ việc, quá trình xử lý có nhiều vi phạm, nên đã bị TAND cấp cao tại TP.HCM xử, hủy toàn bộ các bản án trước đó và giao cho cấp sơ thẩm xét xử lại.

Vụ án được thụ lý lại từ ngày 7/10/2020, nhưng tới nay đã 18 tháng, vẫn chưa có kết quả. Sau nhiều năm đi kiện không thành, ngày 3/12/2021 bà Xuyến đã qua đời. Sau khi mẹ mất, bà Bùi Kim Bình (sinh năm 1971 - con ruột bà Xuyến) tiếp tục theo đuổi vụ kiện này.

TAND cấp cao TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm

Xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM chỉ ra nhiều điểm vi phạm thủ tục hành chính, thủ tục tố tụng của TAND huyện Tịnh Biên và TAND tỉnh An Giang trong vụ việc này. 

Vi phạm thủ tục tố tụng trong vụ kiện tranh chấp đất kéo dài ở An Giang - 3

TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm của TAND huyện Tịnh Biên và TAND tỉnh An Giang.

Theo TAND cấp cao tại TP.HCM, do bà Xuyến kiện đòi phần đất bị bà Qụa lấn chiếm, việc giải quyết tranh chấp căn cứ bản trích đo địa chính ngày 29/1/2019 không thể hiện vị trí, ranh giới, kích thước tứ cận của phần đất tranh chấp 3.463m2 trong tổng diện tích thửa đất 5.463m2 là thiết sót.

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ huyện Tịnh Biên đã làm thất lạc, tuy nhiên việc không thu thập chứng cứ tại Trung tâm Công nghệ thông tin TN-MT tỉnh An Giang và Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu TN-MT (Bộ TN-MT) là thiếu sót.

Bị đơn là bà Qụa cung cấp giấy chuyển nhượng viết tay ngày 5/6/1985, được thẩm phán Phạm Tấn Tài - TAND huyện Tịnh Biên ký xác nhận đã đối chiếu với bản gốc ngày 5/5/2016, nhưng tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu bà Qụa cung cấp bản gốc để giám định là vi phạm điểm d khoản 1 Điều 97 và khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Bà Xuyến đã có yêu cầu giám định chữ ký của bà ở tài liệu này nhưng tòa sơ thẩm không thu thập được bản gốc và không tiến hành giám định được. Dù chưa có kết quả giám định nhưng tòa sơ thẩm lại sử dụng giấy này (bản viết tay photo) làm bằng chứng để bác yêu cầu khởi kiện của bà Xuyến là vi phạm Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cũng theo TAND cấp cao tại TP.HCM, đại diện của Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên trình bày đất tranh chấp đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Quạ lần đầu, diện tích 5.004m2, hồ sơ gốc đã bị thất lạc nên không có tài liệu cung cấp cho tòa án.

Để xác định việc bà Quạ sử dụng diện tích đất tranh chấp có hợp pháp hay không thì cần xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh những nội dung trên, phải xem xét sổ đăng ký đất đai tại địa phương cũng như các chứng cứ bổ trợ khác nhưng tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện.

“Việc thu thập chứng cứ của tòa án cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”, TAND cấp cao tại TP.HCM kết luận.

Cũng theo TAND cấp cao tại TP.HCM, việc xác định diện tích đất thuộc Bằng khoán điền thổ của chế độ cũ cấp cho ông Ngô Văn Của đã được phân chia thừa kế hay chưa, phân chia thế nào, ông Ngô Văn Khánh được hưởng diện tích bao nhiêu, vị trí thế nào và có còn là di sản để bà Xuyến yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật hay không cũng cần làm rõ.

Theo đơn khiếu nại của bà Xuyến, Phòng TN-MT huyện Tịnh Biên xác minh và có Báo cáo kết quả số 35 ngày 20/3/2014 xác định một số nội dung trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận số 02778/hK cấp ngày 27/11/2001 đứng tên Lê Hồng Sơn (chồng bà Quạ) không phù hợp với thực tế.

Vì lý do, đơn xin đăng ký QSDĐ, ông Sơn, bà Quạ khai nguồn gốc đất sử dụng trước năm 1975 sai thực tế là bà Quạ mua lại của bà Xuyến năm 1985.

Thời điểm lập hồ sơ, thủ tục thì các hộ được bà Xuyến cho ở nhờ gồm: Nguyễn Văn Khiêm, Phan Văn Phol, Nguyễn Văn Hữu, Lê Văn Nghét, Trần Văn Đực, Nguyễn Văn Út; kể cả việc đo đạc tách thửa sau này để chuyển nhượng cho các hộ như Ngô Minh Hồng, Nguyễn Văn Thùy, Ngô Phương Sang, Ngô Phương Tùng, Ngô Phương Nghĩa, các hộ này cũng không ký bất kỳ giấy tờ thống nhất gì với bà Quạ.

Kết luận tại Báo cáo số 35: Việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 02778/hK cấp ngày 27/11/2001 là trái quy định của pháp luật. Nội dung vi phạm này cũng được đánh giá trong phiếu nghiên cứu của thẩm phán Giàu - TAND tỉnh An Giang khi đề xuất chuyển vụ án về TAND huyện Tịnh Biên giải quyết. Quá trình tố tụng, đại diện UBND huyện, Chi nhánh VPĐKĐĐ khai báo hoàn toàn trái ngược với kết quả xác minh nêu trên.    

Cũng theo bà Xuyến, tại công văn số 1599A ngày 26/12/2013 của Chi cục Thuế Tịnh Biên trả lời về hồ sơ thuế cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 02778/hK ngày 27/11/2001 do UBND huyện Tịnh Biên cấp và không có hồ sơ khai thuế.

Nội dung này có dấu hiệu vi phạm là cơ quan chuyên môn xét duyệt hồ sơ, để xảy ra hiện tượng khai báo sai nguồn gốc đất; làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ mà không lấy ý kiến của những người đang ở trên đất và cả những người tham gia đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ là những vi phạm và phải bị thu hồi theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính Phủ.

Vi phạm thủ tục tố tụng trong vụ kiện tranh chấp đất kéo dài ở An Giang - 4

Bà Bùi Kim Bình bên thửa đất tranh chấp kéo dài nhiều năm.

“Việc đăng ký QSDĐ mà không khai thuế, không nộp thuế khi chuyển nhượng xâm phạm chính sách và nguồn thu của ngân sách Nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật sửa đổi bổ sung Luật đất đai năm 2001; Nghị định 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999 của Chính Phủ quy định về lệ phí trước bạ; Luật thuế số 35-L/CTN ngày 22/6/1994 của Quốc hội”, bà Bùi Kim Bình nói.

Cũng theo người thừa kế của bà Xuyến, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Tịnh Biên thông báo không chồng ghép bản đồ thửa đất cấp cho ông Ngô Văn Của theo bằng khoán điền thổ từ chế độ cũ năm 1944 với bản đồ địa chính là bỏ sót căn cứ quan trọng trong việc quản lý, cấp giấy QSDĐ điểm e khoản 1 Điều 100 Luật đất đai 2013 như sau: “Giấy tờ về QSDĐ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất”. 

“Quá trình thụ lý, giải quyết, TAND tỉnh An Giang đã để kéo dài gần 20 tháng, quá dài so với thời hạn giải quyết vụ án quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự (tối đa 6 tháng). Trong khi chưa xác minh, khắc phục những vi phạm, thiếu sót đã xảy ra trong quá trình giải quyết sơ thẩm lần 1 như trên”, bà Bùi Kim Bình bức xúc nói.

Thanh Minh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp