Thẩm định 150 bản thảo sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 mới

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 06/10/2021 11:19:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ GD&ĐT bắt đầu tổ chức thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các lớp 3, 7, 10 áp dụng trong năm học 2022 - 2023.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định 48 mẫu sách giáo khoa lớp 3 của 6 nhà xuất bản, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội; Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế.

Trong đó, môn Toán 5 bản mẫu, mỗi môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Công nghệ 3 bản mẫu, môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm 4 bản, Tin học 7 bản và tiếng Anh nhiều mẫu nhất với 10 bản.

Đối với lớp 7, 47 bản mẫu sách giáo khoa của 12 môn học/hoạt động giáo dục được gửi về Bộ GD&ĐT để thẩm định. Trong đó, môn Tiếng Anh 9 bản mẫu, Tin học 5, các môn Toán, Hoạt động trải nghiệm-Hướng nghiệp, Mĩ thuật 4 bản mẫu; các môn học còn lại, mỗi môn 3 bản mẫu.

Đối với lớp 10, Bộ nhận được 57 bản mẫu sách giáo khoa của 15 môn. Trong đó, tiếng Anh 9 bản mẫu, Tin học 5 bản, Toán, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Công nghệ mỗi môn 4 bản và các môn còn lại mỗi môn 3 bản.

Theo quy định, từng thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 sẽ nhận bản mẫu sách giáo khoa để thẩm định đọc, viết nhận xét cá nhân trước thời điểm họp thẩm định tập trung ít nhất 15 ngày.

Thẩm định 150 bản thảo sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 mới - 1

Lãn đạo Bộ GD&ĐT cùng Hội đội thẩm định sách giáo khoa họp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, để làm tốt hoạt động thẩm định sách giáo khoa, từng thành viên trong Hội đồng phải nắm chắc chương trình giáo dục phổ thông mới và Thông tư 33.

Mỗi tác giả một quan điểm và cách thể hiện sách khoa khác nhau nhưng tất cả sách giáo khoa đều phải đảm bảo tính chuẩn mực, khoa học, sư phạm. Do đó, đề nghị các Hội đồng thẩm định đặc biệt quan tâm và bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí sách giáo khoa được thực hiện tốt quy định trong Thông tư 33 cũng như những chỉ báo mà Bộ đã xây dựng.

Với khối  số lượng bản mẫu nhiều, khối lượng kiến thức lớn, đặc biệt đối với lớp 10 độ khó tăng lên, Thứ trưởng đề nghị các Hội đồng nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu chữ, kênh chữ, kênh hình của bản mẫu để loại bỏ tối đa những “sạn” ngay từ vòng thẩm định 1. Những bản mẫu “đạt nhưng cần sửa chữa” hoặc “không đạt”, Hội đồng cần trao đổi rõ để tác giả sách giáo khoa hiểu và chỉnh sửa phù hợp nếu có nhu cầu.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn