Bộ Y tế cảnh báo khẩn nguy cơ dịch tay chân miệng gia tăng

Tin tứcThứ Bảy, 21/05/2022 18:02:45 +07:00
(VTC News) -

Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, vì vậy, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch.

Trong văn bản khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố mới đây, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên, việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch...Hiện bệnh chưa có vaccine phòng ngừa.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cả nước ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Bộ Y tế cảnh báo khẩn nguy cơ dịch tay chân miệng gia tăng - 1

(Ảnh minh họa)

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9-11 hàng năm.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch...

Sở Y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, cần phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác...

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp