Trung Quốc 'ăn miếng trả miếng' Mỹ vì giả thiết nCoV rò rỉ từ Vũ Hán

Thời sự quốc tếThứ Tư, 21/07/2021 16:30:34 +07:00
(VTC News) -

Trung Quốc tìm cách chống lại giả thiết COVID-19 rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán bằng việc chuyển hướng tập trung sang một phòng thí nghiệm ở Mỹ.

Viện Nghiên cứu Quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm Fort Detrick tại bang Maryland là cái tên xa lạ với nhiều người Mỹ. 

Nhưng hàng triệu người Trung Quốc gần đây ký vào lá đơn kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra cơ sở là nơi triển khai đầu tiên chương trình vũ khí sinh học Mỹ này. 

"Đã có một sự cố rò rỉ trong phòng thí nghiệm vào mùa thu năm 2019 ngay trước khi bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, thông tin chi tiết bị Mỹ giấu nhẹm vì lý do an ninh quốc gia", đơn kiến nghị của người dân Trung Quốc gửi WHO có đoạn. 

Fort Detrick trở thành chủ đề gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi đội quân ngoại giao "chiến lang" của Bắc Kinh liên tục nhắc tới cơ sở này trong các bài đăng trên Twitter và các cuộc họp báo. Họ cho rằng cần điều tra phòng thí nghiệm Fort Detrick, cách Trung Quốc nửa vòng trái đất vì có thể đây là nguồn lây lan virus. 

Trung Quốc 'ăn miếng trả miếng' Mỹ vì giả thiết nCoV rò rỉ từ Vũ Hán - 1

Viện Nghiên cứu Quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm Fort Detrick của Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

"Căn bệnh EVALI bí ẩn (bệnh về phổi có liên quan tới thuốc lá điện tử bùng phát tại Wisconsin vào tháng 7/2019 với các triệu chứng gần giống COVID-19. Nơi bùng phát dịch chỉ cách Fort Detrick 1 giờ lái xe", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh viết trên Twitter hôm 22/6.

Bà Hoa cùng hai đồng nghiệp của mình tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Lập Kiên và Uông Văn Bân kêu gọi điều tra Fort Detrick tổng cộng 33 lần trong các cuộc họp báo chính thức.

Theo các chuyên gia, việc đội quân ngoại giao "chiến lang" của Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào Fort Detrick là để phản bác giả thiết virus rò rỉ từ Viện virus học Vũ Hán. 

Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong cho biết cường độ phản bác dồn dập của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy các nhà ngoại giao của nước này đã trở nên "hiếu chiến" thế nào trong những năm gần đây. 

"Trước đây, Trung Quốc thụ động hơn. Họ chỉ dừng ở mức ám chỉ chứ không phản ứng theo cách đó, đưa ra các thông tin và cáo buộc mà không có bất cứ bằng chứng nào", ông Cabestan cho hay. 

Khi COVID-19 mới bùng phát, nhiều nhà khoa học cho rằng virus này có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, gần đây, khi các chính trị gia nhiều nước kêu gọi một cuộc điều tra độc lập mạnh mẽ hơn vào nguồn gốc COVID-19, bao gồm giả thiết nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc cho rằng Fort Detrick cần phải là một phần của cuộc điều tra. 

Fort Detrick từng là một phần quan trọng của chương trình vũ khí sinh học của Mỹ. Nó đi vào vận hành vào năm 1943 và ngừng hoạt động vào năm 1969. 

Fort Detrick hiện là trụ sở của Viện Nghiên cứu Y tế Quân đội Mỹ về các bệnh truyền nhiễm. 

Vào tháng 8/2019, phòng thí nghiệm BSL-4 của Fort Detrick bị Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đóng cửa vì vi phạm quy định an toàn liên quan đến việc thải bỏ các vật liệu nguy hiểm.

Tới tháng 4/2020, cơ sở này được mở cửa trở lại. 

Truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc theo dõi rất sát các sự kiện này. Hashtag tên tiếng Trung của Fort Detrick có tới hơn 270 triệu lượt truy cập trên Weibo. Global Times, People's Daily và China Daily xuất bản hơn 100 bài báo về Fort Detrick.  

“Đó là một kiểu ăn miếng trả miếng mới. Có thể họ tin rằng điều này sẽ làm hài lòng dư luận nước mình", ông Cabestan cho biết. 

Lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập tới Fort Detrick là vào tháng 3/2020, ngay sau khi cựu Tổng thống Trump tuyên bố có bằng chứng cho thấy nCoV rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. 

Trung Quốc 'ăn miếng trả miếng' Mỹ vì giả thiết nCoV rò rỉ từ Vũ Hán - 2

Các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Feature China)

Một ngày sau khi WHO công bố báo cáo cho thấy rất khó có khả năng COVID-19 lọt ra từ phòng thí nghiệm, 14 nước, trong đó có Mỹ đưa ra tuyên bố nêu rõ lo ngại về việc thiếu quyền truy cập vào dữ liệu phòng thí nghiệm Vũ Hán để phục vụ cuộc điều tra.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đáp trả bằng cách nhắc tới Fort Detrick.

"Quân đội Mỹ tiến hành những hoạt động gì trong căn cứ ở Fort Detrick?", ông Triệu đặt câu hỏi.

Trong quá khứ, Fort Detrick từng xuất hiện trong các chiến dịch thông tin của Liên Xô những năm 1980. Tình báo Liên Xô khi đó cáo buộc Fort Detrick làm rò rỉ virus gây bệnh AIDS. 

Milton Leitenberg, chuyên gia vũ khí sinh học, hiện làm việc tại Đại học Maryland, Mỹ cho rằng có sự tương đồng giữa chiến dịch của Liên Xô và cách làm hiện tại của Bắc Kinh.  

"Người Trung Quốc không sử dụng chiếc lược này cho tới tháng 3/2020. Và khi họ bắt đầu nó, họ tỏ ra cực kỳ "diều hâu"", ông Leitenberg cho hay. 

Đơn kiến nghị kêu gọi WHO điều tra Fort Detrick hiện đã có tới hơn 4 triệu chữ ký. 

Global Times cũng chia sẻ kết quả một thăm dò, trong đó người tham gia được hỏi về nơi họ cho là cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 nên được tiến hành. 

Bốn lựa chọn được đưa ra là Mỹ với Fort Detrick, Ấn Độ, Italia và "một số quốc gia khác". 94,4% người chọn Mỹ. 

“Hành động do báo chí và giới truyền thông khởi xướng trên thực tế đặt ra câu hỏi mà mọi người vẫn luôn thắc mắc và cũng là điều mà Mỹ luôn giữ kín. Đó là mối quan hệ giữa Fort Detrick và các đợt bùng phát dịch không rõ nguyên nhân, bao gồm EVALI. Tại sao Mỹ không mời WHO tham gia cuộc điều tra về Fort Detrick? Tại sao nghiên cứu về nguồn gốc COVID-19 không được tiến hành ở Mỹ như ở Trung Quốc? Mỹ nên thể hiện sự minh bạch và trả lời các câu hỏi từ bên ngoài”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong buổi họp báo hôm 19/7. 

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn