Thủ tướng chủ trì hội nghị thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

Chính trịChủ Nhật, 26/11/2023 10:01:59 +07:00
(VTC News) -

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 kể từ khi ban này được thành lập vào tháng 7/2023.

Sáng 26/11, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Đây là lần đầu tiên Thủ tướng chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 kể từ khi ban này được thành lập vào tháng 7/2023.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Nhật Bắc)

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Nhật Bắc)

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 98 được ban hành với tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản, cho phép TP.HCM được áp dụng thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho thành phố có bước phát triển đột phá, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng, đầu tàu, dẫn dắt và đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế của Vùng kinh tế động lực và cả nước.

Qua gần 4 tháng từ khi Nghị quyết số 98 có hiệu lực, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện, tích cực của bộ máy các cấp, các ngành của TP.HCM, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương, việc triển khai Nghị quyết số 98 đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Các Bộ được giao nhiệm vụ soạn thảo 3 Nghị định của Chính phủ và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện các Bộ đã trình ban hành 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hướng dẫn, triển khai Nghị quyết.

UBND TP.HCM được giao chủ trì 9 nhiệm vụ và tham mưu trình HĐND TP.HCM 13 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND. Đến nay, thành phố đã ban hành 1 Quyết định và tham mưu HĐND ban hành 6 Nghị quyết nhằm triển khai các chính sách được giao.

Báo kết quả thực hiện Nghị quyết 98, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, công tác quán triệt, cụ thể hóa thực hiện nghị quyết được tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp.

Đến nay, TP.HCM đã hoàn thành 7/22 nhiệm vụ của thành phố, 4 nội dung cơ bản hoàn thành, các nội dung còn lại dự kiến hoàn thành trước 31/12/2023. HĐND TP.HCM đã tổ chức 3 kỳ họp, ban hành 14 nghị quyết thuộc thẩm quyền. Còn 12 nội dung theo thẩm quyền, dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024.

Ngoài ra, hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 đã họp 2 phiên, với 20 khuyến nghị. TP.HCM đã lập các Tổ công tác nghiên cứu TOD, đề án xây dựng hệ thống ĐSĐT, Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ…

Đến nay, một số cơ chế, chính sách đã được thực thi như bố trí vốn hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, thành phố đã bố trí 2.796 tỷ đồng, giải ngân 1.560 tỷ đồng hỗ trợ cho vay giảm nghèo, giải quyết việc làm.

TP.HCM cũng đã triển khai chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách này được điều chỉnh theo Nghị quyết 98, có mở rộng một số đối tượng thụ hưởng so với trước đây, như Hội đặc thù, cơ quan Trung ương trên địa bàn, người hoạt động không chuyên trách ở cấp phường - xã....

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đánh giá, thành phố đã tập trung, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 98 và hoàn thành khối lượng lớn công việc. Tuy nhiên, còn một số nhiệm vụ thể chế hoá còn chậm, một số nội dung mới chưa có khung pháp lý, cần thời gian nghiên cứu và sự phối hợp đa ngành, khối lượng công việc cần thực hiện quá tải.

Ban chỉ đạo Nghị quyết 98 Trung ương do Thủ tướng đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban. Phó trưởng ban thường trực là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là Phó trưởng ban. Thành viên ban chỉ đạo sẽ gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ.

Thủ tướng phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo, giúp trưởng ban trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và xây dựng quy chế hoạt động.

Nghị quyết 98 của Quốc hội được thông qua tháng 6/2023. Nghị quyết này cho phép TP.HCM thí điểm hơn 40 chính sách đặc thù của 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn