'Nút thắt' nào của ngành khoa học công nghệ sẽ được gỡ bỏ trong năm Bính Thân?

Kinh tếThứ Bảy, 06/02/2016 06:29:00 +07:00

'Nút thắt' nào của ngành khoa học công nghệ sẽ được gỡ bỏ trong năm Bính Thân?

Những 'nút thắt' của ngành khoa học công nghệ sẽ được gỡ bỏ như thế nào với những thông tư mới trong năm Bính Thân sắp đến?

Thông tư 55: Nhà khoa học không còn phải nói dối

Thông tư 55 liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ KH&CN về định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ ban hành ngày 22/4/2015, có hiệu lực ngày 8/6/2015 nhận được sự đồng thuận cao trong giới khoa học. Với cách làm mới này, nhà khoa học sẽ không còn phải đối phó, nói dối để quyết toán, tình trạng “cai thầu” trong khoa học công nghệ cũng chấm dứt.
Nhà khoa học sẽ không còn phải nói dối khi quyết toán đề tài nghiên cứu. Ảnh minh họa: các nhà khoa học trẻ Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang tiến hành một nghiên cứu. 
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Thông tư 44 tính công lao động của các nhà khoa học bằng chuyên đề. Do định mức chi tối đa một chuyên đề rất thấp (khoảng vài chục triệu đồng), nên với một đề tài nghiên cứu khoảng 6 tỷ đồng, nhà khoa học phải vẽ ra tới 200 chuyên đề.

Nhiều nhà khoa học khốn khổ vì không thể nghĩ ra được tên của 200 chuyên đề sao cho khác nhau.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế vấn đề X, nhà khoa học buộc phải chẻ ra 10 chuyên đề, mỗi chuyên đề một quốc gia, từ Thái Lan qua Hàn Quốc, Mỹ… có khi sao chép vội từ chuyên đề này sang chuyên đề kia mà tên chuyên đề là Thái Lan, nội dung vẫn là Mỹ. Nhiều khi phải đối phó, nói dối. “Việc này cơ quan quản lý khoa học biết, kiểm toán biết, kho bạc biết nhưng phải chấp nhận dù nhiều chuyên đề không xứng đáng”, Bộ trưởng Quân nói.

Cách làm cũ, “quyền lực” nằm trong tay chủ nhiệm đề tài. Ai chủ nhiệm coi đề tài là của mình, đề tài được làm như thế nào, việc trả công cho người tham gia như thế nào, có xứng hay không - không ai biết, không ai giám sát, kể cả người đứng đầu cơ quan nghiên cứu. Tiền chi phí cho cơ quan nghiên cứu cũng rất hạn chế dù ông chủ nhiệm đề tài dùng trang thiết bị, con người của viện, trung tâm để làm.

Để giải quyết những bất cập trên, Thông tư 55 sẽ dự toán, quyết toán kinh phí theo ngày công. Một đề tài cần bao nhiêu người làm, mỗi người bao nhiêu ngày công, từ đó tính ra công lao động trực tiếp.

Ngoài ra còn có các khoản chi khác như mua vật tư, thiết bị, sửa chữa, mua sắm tài sản, thuê chuyên gia nước ngoài, chi quản lý chung cho các cơ quan nghiên cứu… Từ đó dự toán ra kinh phí một đề tài nghiên cứu và tiền lương mà từng nhà khoa học được hưởng. Kinh phí nghiên cứu được chuyển trực tiếp vào quỹ lương của Viện, chi đến đâu, chủ nhiệm đề tài làm dự trù, viện trưởng duyệt chi.

“Nếu trước đây ông chủ nhiệm đề tài bảo đề tài thua lỗ, khó khăn, hết tiền rồi, chia được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, không ai giám sát được. Nay thì ngược lại, chi như nào, ai được hưởng từng nào sẽ minh bạch”, Bộ trưởng nói.

Thông tư 55 bổ sung một số nội dung chi mà thông tư 44 chưa có như chi thuê chuyên gia nước ngoài, mua bí quyết công nghệ, mua sáng chế, thiết kế phần mềm, chuyên gia tư vấn độc lập. Định mức chi cho họp hội đồng, hội thảo, hội nghị cũng được tăng lên.

Thông tư 55 nhận được sự đồng thuận cao của của những người làm công tác quản lý cũng như các nhà khoa học. Mặc dù còn một số băn khoăn như làm sao để biết một đề tài bao nhiêu công lao động, nhất là với đề tài khoa học xã hội hay trên định mức chung của trung ương, cơ sở nào để xác định định mức của địa phương, bộ ngành.

Tuy vậy, đây chỉ là những băn khoăn về mặt kỹ thuật. Thông tư 55 vẫn được Vụ trưởng Vụ KHCN các bộ, Giám đốc các Sở KHCN cũng như đông đảo giới khoa học nhận định đây là một chính sách thông thoáng, đột phá, cởi một nút thắt quan trọng của khoa học công nghệ nhiều năm qua, nhà khoa học không còn phải nói dối.   

Thông tư 27: Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, bước đột phá trong nghiên cứu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành Thông tư 27 về khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký ban hành Thông tư 27 về khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. 
Ngày 30/12, tại trụ sở Bộ Tài chính diễn ra lễ ký ban hành Thông tư liên tịch 27 của hai Bộ trưởng Bộ KH&CN và Bộ Tài chính. Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi, thông tư 27 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước đã được ban hành và có hiệu lực từ 15/2/2016. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhiều lần dùng từ “đột phá” để nói về thông tư này.

Với Thông tư 27, tất cả đề tài, dự án KH&CN sẽ được khoán chi theo một trong hai phương thức khoán chi, khoán từng phần và khoán đến sản phẩm cuối cùng. Phương thức khoán từng phần được áp dụng đối với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng như khó xác định rõ sản phẩm đầu ra, tiêu chí của sản phẩm đầu ra.

Phương thức này sẽ khoán chi một số nội dung như tiền công, hội thảo, công tác trong nước; không khoán chi tiền mua nguyên nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa, mua sắm tài sản cố định.

Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các đề tài, dự án được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng.

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, khi thực hiện cơ chế khoán chi, sản phẩm sẽ chỉ được nghiệm thu khi đáp ứng đúng các tiêu chí, yêu cầu trong thỏa thuận ban đầu giữa cơ quan đặt hàng đề tài và nhà khoa học, có nghĩa là quản chặt sản phẩm nghiên cứu đầu ra.

“Trước đây chúng ta quản chặt đầu vào và thả lỏng đầu ra. Đầu vào kiểm tra rất chặt, nghiệm thu cũng rất chặt nhưng chỉ chặt về chứng từ mà ít quan tâm đến sản phẩm đầu ra. Nhiều sản phẩm nghiệm thu xuất sắc nhưng không có sản phẩm, không được ứng dụng trong thực tiễn. Giờ sẽ không như thế”, ông Quân nói.

Với cơ chế khoán chi, việc thanh quyết toán sẽ đơn giản hơn với các nhà khoa học. Trong quá trình nghiên cứu, chủ trì đề tài và cơ quan chủ quản được chủ động chi để thực hiện nghiên cứu, không phụ thuộc và mức chi vào dự toán từng nội dung chi. Việc thanh toán kinh phí, tạm ứng kinh phí căn cứ vào bảng kê khối lượng công việc chứ không phải kiểm soát chứng từ chi tiết.

Bộ trưởng Quân cho hay, “trước đây, cơ chế tài chính dẫn đến việc các nhà khoa học phải mất quá nhiều thời gian cho việc làm hóa đơn, chứng từ. Nay, khi các nhà khoa học nộp kết quả cuối cùng đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu của đề tài, dự án thì toàn bộ quá trình thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ sẽ không cần thiết nữa. Đây là một phương thức làm khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế, được hầu hết các quốc gia làm theo”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tâm sự, trước đây một vài năm trên diễn đàn xã hội, quốc hội rất căng thẳng, các nhà khoa học rất kêu ca, phàn nàn nhiều về cơ chế tài chính trong nghiên cứu.

Có ý kiến cho rằng đó là rào cản cho sự phát triển của KHCN. Thông  tư lần này là một đột phá. Vừa quản sản phẩm đầu ra nhưng đồng thời đề cao hơn trách nhiệm, quyền tự chủ cho các tổ chức KHCN cũng như nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu, nhất là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.

Thông tư này cũng gắn trách nhiệm với nhà nghiên cứu. Nếu nghiên cứu không đạt được kết quả như đặt hàng thì nhà khoa học phải trả phần lớn kinh phí sử dụng, tối thiểu là 40% tổng kinh phí thực hiện đề tài, dự án. Trường hợp do lỗi chủ quan phải hoàn trả 100% kinh phí.

Bộ trưởng Quân cho biết, với cơ chế này, nhà khoa học phải tìm mọi phương thức, huy động mọi nhân lực để có thể ra được sản phẩm cuối cùng. Như thế sẽ không có chuyện làm chơi ăn thật như đâu đó vẫn có trước đây.

Nguồn: Khám phá
Bình luận
vtcnews.vn