Mùa đi lấy 'lộc rừng'

Phóng sựThứ Bảy, 02/07/2022 15:32:17 +07:00

Trời nhá nhem tối, Thọ cùng hai người bạn mới ra khỏi rừng già, ai nấy đều đẫm mồ hôi sau một ngày tìm kiếm "lộc của rừng".

“Chỉ lấy có ba tổ đã kiếm được cả chục lít mật, hôm qua mưa nên hôm nay mật không được đặc, thơm như lúc trời nắng, đúng là mật rừng ngon cũng còn phụ thuộc vào thời tiết”, Bùi Văn Thọ khoe với mấy người thợ xây đang tất bật thu dọn đồ nghề. Đặt thùng mật xuống đất, Thọ cầm con dao đi rừng sắc lẹm khía bầu sáp ong chia cho mỗi người một miếng, dao khía đến đâu lớp mật vỡ ra đến đó, vàng suộm, ngậy mùi thơm của hương hoa rừng.

Mùa đi lấy 'lộc rừng' - 1

Mật ong rừng được Thọ và đồng đội lấy trong những hang đá, vách núi cheo leo, dựng đứng.

Trong giới thợ săn ong ở Xuân Đài (Tân Sơn, Phú Thọ), Thọ là tay cừ khôi. Nhiều năm qua, anh cùng một vài người bạn đã lựa chọn đi rừng lấy mật làm nghiệp mưu sinh. Một ngày của những người đi rừng lấy mật ong như anh bắt đầu từ khi con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy chào bình minh và trở về khi trời đã tối muộn, mục tiêu là tìm được những bầu ong tự nhiên trong rừng để lấy mật.

Mùa đi lấy 'lộc rừng' - 2

Bầu mật khoái được lấy từ trên cây cao trong rừng.

Tôi có dịp được mục sở thị cùng Thọ và hai người trong đội “Ong rừng Tân Sơn” của anh đi tìm mật rừng, hành trang mang theo là gạo, nước uống, lương khô. Thọ bảo: “Tạm thế đã, vì hôm nay đi gần”. Rừng cách nhà Thọ khoảng chừng 6km, chạy xe máy theo con đường mòn, sau đó chúng tôi dừng xe cuốc bộ vào rừng. Vùng này rừng còn nguyên sinh, tán cây xanh thẫm, không khí mát lạnh, hương rừng tinh khiết khiến ai đặt chân đến cũng tranh thủ hít căng lồng ngực, để xả hết khói bụi phố phường. Chúng tôi bắt đầu hành trình băng rừng, lội suối lần theo dấu ong... Nhóm đi lấy mật ong rừng của Thọ thường từ ba đến năm người. Không chỉ lấy mật ở những cánh rừng huyện Tân Sơn, họ còn đi lấy mật rừng tại Sơn La, Hòa Bình. Mùa mật ong rừng bắt đầu từ đầu năm đến khoảng tháng mười, theo kinh nghiệm của những người thợ lành nghề, mật ngon nhất là thời điểm tháng ba đến tháng năm, khi chưa có những cơn mưa xối xả của mùa hạ.

Những người có kinh nghiệm lâu năm theo nghề như nhóm của Thọ thường không mất nhiều thời gian tìm kiếm để biết chỗ đàn ong trú ngụ, thường mỗi thợ săn ong đều có kinh nghiệm riêng để tìm tổ ong. Men theo dòng suối Thui, dù vừa đi vừa nói chuyện rôm rả nhưng họ liên tục đưa mắt nhìn xung quanh để quan sát, như phát hiện ra điều gì, mọi người ra hiệu bằng tay bảo tôi ngồi xuống. Tôi im lặng nhìn theo, Thọ ghé tai bảo: “Uống nước xong ong sẽ bay lên, lượn từ một đến ba vòng để định hướng rồi bay về tổ của mình, ong bay về hướng nào thì chúng ta sẽ đi theo hướng đó. Nếu ong uống nước xong lượn vòng xoáy ốc rồi bay cao lên là dấu hiệu mừng vì chắc chắn tổ của nó gần đây. Ong không làm tổ ở những khoảng ánh sáng trực tiếp chiếu rọi vào hay những nơi dễ động, đông người qua lại, chúng thường làm tổ ở những nơi kín, dưới tán cây rậm rạp ít có luồng gió bão và thường đi uống nước hay kiếm mật từ rất sớm, buổi trưa cả đàn sẽ tập trung tại tổ”.

Mùa đi lấy 'lộc rừng' - 3

Những bầu mật sau khi lấy được cất cẩn thận vào thùng nhựa.

Lần theo đường ong bay, anh cùng hai người bạn nhanh chóng tìm được đàn ong mật làm tổ tận sâu trong khe đá nhỏ, đã quá quen với công việc này, anh bạn tên Ba đứng cạnh Thọ liền mở ba lô lấy đồ nghề để tạo khói cho bầy ong bay đi, rồi mỗi người đeo một đôi găng tay để lấy và cắt bầu mật được đảm bảo sạch sẽ. Tôi thấy lạ khi không ai mặc đồ bảo hộ, trong khi tôi dù đã được khoác lên mình bộ đồ kín mít nhưng vẫn rón rén đứng cách xa tổ ong để chụp ảnh và quan sát. Sau một lúc im lặng, tập trung “cao độ” để lấy xong những bầu mật trong tổ, anh Thọ mới cười bảo: “Ong ruồi này hiền lắm, nó không tấn công nên không cần phải mặc bảo hộ”.

Theo anh Thọ, mật ong rừng có ba loại: Ong ruồi, ong mật, ong khoái. Ong ruồi thường làm tổ trên các hang vách đá, vách núi cheo leo, còn ong mật, ong khoái thường làm tổ trên những ngọn cây cao, có những tổ ong khoái làm tổ trên cây cách mặt đất chừng 85m, có những cây có tới năm tổ và nhiều hơn thế nhưng để lấy được rất vất vả và nguy hiểm, chỉ cần một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là có thể trả giá bằng tính mạng, vì thế ngoài đam mê thì cần phải có bản lĩnh và sự gan dạ. Có những lúc vắt vẻo trên ngọn cây cao, rồi những khi cheo leo bên vách núi đá. Nếu gặp đàn ong dữ, thợ săn mật có thể bị tấn công dồn dập và hứng mũi đốt chí mạng của ong rừng, tính mạng nhiều khi phó mặc cho “số trời”, trong khi nghề kiếm lộc rừng cũng may rủi, có những hôm “lộc”, đi một ngày nhiều nhất được 30 lít mật sau khi đã lọc nhưng có những hôm về tay trắng cũng là chuyện không hiếm. Những người khai thác mật ong rừng tự nhiên thường không lấy hết tổ ong mà chừa lại một phần để chúng tiếp tục sinh sản và xây tổ làm mật, rồi sau đó họ sẽ trở lại khai thác.

Sau khi lấy được ba tổ ong, chúng tôi tiếp tục ngồi quan sát, ngược dốc, băng qua những phiến đá, dây leo chằng chịt để tìm một tổ ong khác, cuối chiều vẫn không tìm thêm được, chúng tôi lại men theo lối cũ để xuống núi, kết thúc một ngày theo dấu ong. Tối đến, trong căn nhà nhỏ nép mình bên sườn đồi, trước giờ cơm tối, anh Thọ lại cùng mẹ và vợ ngồi cắt những bầu mật để xếp lên chiếc giá cho mật chảy tự nhiên, từng chậu mật đặc sánh, vàng suộm lần lượt được lọc qua lớp vải màn rồi rót vào chai để bán.

Mùa đi lấy 'lộc rừng' - 4

Người mua có thể mua cả bầu sáp hoặc là mật đã được lọc sẵn.

Tôi vẫn nhớ câu nói của Thọ khi ra khỏi bìa rừng: “Người thợ ong chân chính là phải có tâm với nghề, lấy mật nhưng phải biết bảo vệ rừng, bảo vệ ong, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mới gọi là thợ, muốn trở thành thợ có tâm phải biết được sự bền vững song song để tồn tại. Ong đã cho mình được hưởng cái tinh túy của đất trời, núi rừng thiên nhiên để mình có được nguồn thu thì bản thân mình cũng phải đáp lại nó bằng cách duy trì để ong phát triển”. Đến lúc mãn mùa, những người săn mật lại chờ... Sang năm, hoa rừng nở rộ, đàn ong dập dìu đi tìm hoa hút nhụy, ong lại cho đời, cho người mật ngọt...

(Nguồn: baophutho.vn)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp