Những người canh giữ 'mắt thần' giữa trùng khơi

Phóng sựChủ Nhật, 12/06/2022 08:42:00 +07:00

Đi biền biệt, mỗi năm gặp gia đình, người thân 1-2 lần, với họ, sum họp gia đình trong những ngày lễ, tết là xa xỉ, mặc dù chẳng đến mức xa xôi, cách trở.

Được xây dựng cách đây 25 năm, hải đăng Phú Quý nằm trên đỉnh núi Cấm, là một trong những ngọn đèn biển hiện đại nhất hiện nay. Cuộc sống của những người gác đèn khá đặc biệt.

Những người canh giữ 'mắt thần' giữa trùng khơi - 1

Hải đăng Phú Quý. (Ảnh: Phúc Lập)

Nhiều lúc thấy mình “ngố”

Núi Cấm cao 162m so với mặt nước biển, đường từ chân núi lên đã được “nâng cấp”, làm bằng bậc thang đá. Sau khoảng 45 phút leo, nghỉ vài lần, tôi đã lên đến nhà đèn.

Đón tôi là Trạm trưởng Nguyễn Ngọc Thắng, sinh năm 1967. Anh Thắng gắn bó với những ngọn hải đăng từ năm 1988. Trong 34 năm công tác, anh đi 7 trạm. Nơi đầu tiên anh đến và làm việc lâu nhất là hải đăng Hòn Lớn (Nha Trang).

Bắt đầu từ năm 1997, anh lần lượt được điều động về các trạm hải đăng Đại Lãnh, Đà Rằng và Gành Đèn (Phú Yên), hải đăng Phước Mai (Quy Nhơn, Bình Định), và hải đăng Phan Thiết (Bình Thuận). Năm 2018, anh ra hải đăng Phú Quý. Đây sẽ là ngọn hải đăng cuối cùng anh làm việc, bởi tháng 12 này, anh sẽ được nghỉ hưu khi tròn 55 tuổi.

Những người canh giữ 'mắt thần' giữa trùng khơi - 2

Anh Nguyễn Ngọc Thắng (trái), trạm trường hải đăng Phú Quý đang trò chuyện với PV. (Ảnh: Trần Thắng)

“Năm 1988, tôi nhận công tác lần đầu ở hải Đăng Hòn Lớn, lúc đó điều kiện còn khó khăn lắm. Đi lại vất vả. Sau khi đi ghe nhỏ ra đảo Hòn Tre, phải đi bộ 5 cây số đường rừng mới đến trạm. Cuộc sống hàng ngày luôn đồng hành với “4 không”: không điện, không nước, không điện thoại và… không có người khác giới. Ngoài thiếu thốn tình cảm gia đình, thì văn hóa tinh thần, vui chơi giải trí là thứ “xa xỉ” của những người gác đèn hồi đó.

Ở trạm Hòn Lớn 9 năm, tôi chuyển về các trạm ở Phú Yên, mỗi trạm làm vài năm. Càng về sau, điều kiện vật chất, tinh thần càng được nâng cao. Nhưng vẫn có những thứ quan trọng khác mà người gác đèn không bao giờ cải thiện được, đó là luôn thiếu bóng dáng người đàn ông ở nhà, nhất là vào những dịp lễ tết, thiếu sự gắn kết vợ chồng, cha con. Khó “an cư” khi vài năm lại chuyển nơi làm việc, tôi quê gốc Nghệ An, nhưng mấy chục năm công tác, gia đình ban đầu ở Quy Nhơn, sau đó chuyển về Phú Yên, giờ lại Biên Hòa, Đồng Nai”, anh Thắng trải lòng.

Những người canh giữ 'mắt thần' giữa trùng khơi - 3

Anh Nguyễn Ngọc Thắng kiểm tra an toàn kỹ thuật đèn trước khi trời tắt nắng. (Ảnh: Phúc Lập)

“Vậy hồi đó làm sao anh lấy vợ?”, tôi hỏi. Anh cười, đáp: “Do cha mẹ sắp xếp, mai mối, ông bà đặt đâu mình ngồi đấy. Đặc thù công việc này là nếu không ở ngoài đảo xa thì trên núi cao, khi người ta ngủ thì mình thức, và phải tập trung toàn thời gian. Ngoài vài ngày nghỉ phép ra thì gần như chẳng tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Môi trường làm việc chỉ có đàn ông. Như thế, nếu không có gia đình mai mối thì có “ngon giai” cỡ nào cũng ế như thường thôi.

Hồi đó, điện thoại, mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, mà tôi đi lần đầu gần 1 năm mới về, ông bà thấy vậy bảo để kiếm người mai mối lập gia đình cho yên tâm. Năm 1990, tôi về thì ông bà bảo tìm được người ưng ý rồi. Khi đó, trong vòng có hơn 2 tháng nghỉ bù và phép, chúng tôi gặp, tìm hiểu chưa bao nhiêu, thậm chí chưa kịp nắm tay nhau đã cưới. Cưới xong tôi lại đi biền biệt nên mãi năm 1992 mới có cháu gái đầu, năm 1997 có thêm 1 cháu trai”, anh Thắng cười rồi nói tiếp: “Tôi may mắn là bà xã ở nhà cũng đảm, lo chu toàn mọi việc đâu vào đấy. Hai lần dựng vợ gả chồng cho con, tôi đều giao hết cho bả”.

Những người canh giữ 'mắt thần' giữa trùng khơi - 4

Văn Quốc, chàng trai nhỏ tuổi nhất trạm hải đăng Phú Quy. Mới vào làm được hơn 2 năm, nhưng Quốc đã nắm hết kỹ thuật vận hành, kiểm tra kỹ thuật. (Ảnh: Phúc Lập)

Một điều khá thú vị là anh Phan Cảnh Bình, năm nay 49 tuổi, Trạm phó hải đăng Phú Quý, ngoài việc ít thâm niên hơn thì có nhiều điểm giống Trạm trưởng Thắng. Đó là lấy vợ nhờ mai mối, cũng có 2 con. Mọi việc ở hậu phương cũng được người vợ đảm đang quán xuyến chu toàn. “Tôi công tác được 25 năm, cũng qua 5 trạm hải đăng. Từ đó đến nay mới về ăn tết cùng gia đình được vài lần. Mỗi lần nghỉ phép về quê, ở trong nhà thì giống như khách ở trọ. Chuyện gì cũng hỏi vợ. Còn ra ngoài thì cứ ngơ ngơ, bạn bè chọc hoài, bảo tôi sắp thành người rừng rồi”, anh Bình nói.

Về nhà mất ngủ vì nhớ biển

Anh Thắng cho biết, mỗi tháng được nghỉ 5 ngày. Nhưng do mọi người đều ở các tỉnh xa, nên dồn các ngày nghỉ bù lại, mỗi 6 tháng hoặc 1 năm nghỉ 1 lần. Mỗi năm mỗi người có 16 ngày phép, thâm niên 10 năm được cộng thêm 1 ngày. Nếu 1 năm mới nghỉ thì sẽ có ít nhất 76 ngày.

“Nhưng anh em ít khi nghỉ dài như vậy, trừ khi nhà có việc lớn, vì nhân sự thiếu, nghỉ lâu, anh em phải gánh thêm công việc của mình. Với lại, sống môi trường này lâu quen rồi, toàn thức đêm, về nhà không ngủ được, nhớ âm thanh ù ù của gió, ì ầm của sóng biển”, anh Thắng nói.

Anh Thắng cho biết thêm, mỗi lần về nghỉ phép lại thấy xã hội thay đổi, mình không theo kịp. Con gái tôi nhiều lần nó cứ ghẹo, bảo bố “ngố” quá. Mà nhiều lúc thấy mình “ngố” thật.

"Sống ở môi trường đặc thù này lâu quá, quen rồi, tôi đang lo chưa biết ít nữa về hưu phải mất bao lâu mới hòa nhập xã hội được đây (cười)”, anh chia sẻ.

Những người canh giữ 'mắt thần' giữa trùng khơi - 5

Anh Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, mấy chục năm gắn bó với đèn, với biển, quen rồi. Giờ về nhà vài hôm là nhớ đèn, nhớ biển. (Ảnh: Phúc Lập)

Một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của trạm hải đăng Phú Quý là Văn Quốc, sinh năm 1997. Chàng “lính mới” có nụ cười rất dễ mến này cũng là người duy nhất có thể về thăm gia đình nhiều lần trong năm. Bởi Quốc là dân đảo, ở xã Ngũ Phụng. Năm 2020 Quốc cưới vợ và vừa đón thành viên mới được hơn chục ngày.

“Vợ mới sinh sao em không xin nghỉ phép?”, tôi hỏi. “Trạm có 5 anh em, 2 anh đang đi tiếp tế các trạm khác, nếu em nghỉ nữa thì không có ai làm. Nhà em ở đây, thỉnh thoảng có việc xuống dưới thì tranh thủ “lén” đảo về chút xíu thôi”, Quốc hồn nhiên nói.

“Vợ chồng trẻ mà đi biền biệt như vậy, vợ em có buồn không?”. “Dạ không. Vợ em ngoan lắm, giống vợ anh Thắng, anh Bình”, Quốc nói rồi nháy mắt cười.

“Công việc ở đây có vất vả không?”, tôi hỏi Quốc. “Dạ, cũng bình thường thôi anh. Nhiệm vụ chính của tụi em là giám sát, kiểm tra đèn và hệ thống phản quang, lau chùi đèn và các thiết bị hàng hải, kiểm tra điện áp, theo dõi thông số kỹ thuật để kịp thời phát hiện các sự cố, trục trặc. Làm sao để ban đêm đèn luôn sáng, chớp và quay. Những công việc trên đều phải kết thúc trước lúc mặt trời lặn. Ca đêm thì cực hơn, phải căng mắt quan sát bằng ống nhòm trên không, trên biển, xung quanh khu vực trạm đèn, kiểm tra độ nháy, độ chớp, chu kỳ quay của đèn, để kịp thời phát hiện trục trặc”, Quốc đáp.

“Ban đêm ngư dân đi biển cách bao xa có thể nhìn thấy đèn hải đăng Phú Quý phát sáng?”, tôi hỏi anh Thắng. “Trong điều kiện thời tiết bình thường, trời quang mây, đèn vừa chớp vừa xoay 360º, thì tàu bè cách xa 25 hải lý, tức gần 50km, có thể nhìn thấy. Còn nếu thời tiết xấu, mưa bão, biển động, thì hiệu quả sẽ giảm đi. Có thể 10 - 15 hải lý hoặc thấp hơn”, anh Thắng đáp.

Những người canh giữ 'mắt thần' giữa trùng khơi - 6

Ở trạm, những người đàn ông thay nhau làm nội trợ. (Ảnh: Phúc Lập)

Anh Thắng cho biết, Phú Quý có đến 3 trạm hải đăng. Ngoài hải đăng núi Cấm, còn một trạm hải đăng ngoài đảo hòn Hải (còn gọi là hòn Hài), cách đảo chính Phú Quý 32 hải lý, diện tích gần 4.000m2, cao 11m so với mặt nước biển. Trạm hòn Hải xây dựng cách đây 20 năm. Ngoài ra, còn có trạm hải đăng Triều Dương, là hải đăng báo cửa, với nhiệm vụ chỉ bãi cạn Triều Dương, quản lý luồng hàng hải Phú Quý dài 2,4km. Công việc hàng ngày của các anh là kiểm tra phao, bảng hiệu, màu sắc ban ngày, đặc tính ban đêm của đèn phao… giúp tàu, thuyền nhận biết và đi đúng luồng.

“3 đèn biển ở Phú Quý đều là hệ thống đèn mới, hiện đại. Cảm ứng ánh sáng tốt, trong điều kiện thời tiết bình thường, khi mặt trời tắt là đèn bật. trong trường hợp thời tiết xấu, mưa bão, trời tối nhanh thì đèn cũng bật sáng”, anh Thắng nói.

“Trên đảo Phú Quý có 15 cán bộ, nhân viên nhà đèn, chia đều cho 3 trạm. Anh em thường xuyên phải di chuyển qua lại giữa các trạm để hỗ trợ nhau. Trong đó, anh Thắng là “chim đầu đàn” của các trạm hải đăng Phú Quý bởi anh là người có kinh nghiệm lâu năm nhất ở đây. Dù lớn tuổi, sắp về hưu rồi nhưng anh vẫn xông xáo như thanh niên, nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn cho nhân viên mới mỗi khi các trạm cần”, anh Phan Cảnh Bình, Trạm phó trạm hải đăng Phú Quý.

(Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp