Kho rượu 7 tấn và cụ già 84 uống rượu như nước lã

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 02/12/2014 06:06:00 +07:00

(VTC News) - Nhìn cảnh ông lão 84 tuổi uống cả chục bát rượu như uống nước ngọt, thì ai dám không tin chuyện mỗi ngày ông vẫn chiều vợ đều đều.

(VTC News) - Nhìn cảnh ông lão 84 tuổi uống cả chục bát rượu như uống nước ngọt, thì ai dám không tin chuyện mỗi ngày ông vẫn chiều vợ đều đều.


Kỳ 2: Cụ già uống rượu như nước lã

Căn nhà chính và cả cái hiên trước sân nhà bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng (thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội), thì thực sự… kinh hoàng. Có đến cả ngàn bình rượu, ngâm cả ngàn loại thảo dược, cả trăm loại con. Cao hổ, cao ngựa bạch, tay chân gấu cứ dập dềnh trong các bình rượu.

Ông Trọng khoe rằng, cả trong hầm, lẫn ngoài hiên, tổng cộng ông có 7 tấn rượu, tức là có 7.000 lít. Điều đặc biệt, là ông chế biến các loại rượu không phải để bán mà để... uống.

Uống rượu như nước lã

Tôi biết tửu lượng của cụ ông Nguyễn Hữu Trọng thực sự kinh hoàng thế nào. Đã có lần, cùng ông lên Yên Lập (Phú Thọ), nơi ông trông gấc và nuôi ngựa bạch, và tận mắt cảnh ông uống rượu.

Ông Trọng mổ một con ngựa bạch, mời cả xóm đến ăn nhậu. Có 30 mâm tất cả. Ông uống suốt từ trưa đến tối. Ông cứ xách chén đi từng mâm một, rồi lại từng mâm đến mời.

Ông vừa uống vừa đọc thơ, hát quan họ Bắc Ninh. Ông uống đến nỗi, cả 30 mâm cùng say bò càng, còn ông vẫn tỉnh như sáo, vẫn lái xe phăm phăm chạy về Hà Nội.
Một phần số rượu ở phòng ăn, để phục vụ bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng và khách 
Tôi từng hỏi ông Trọng: “Liệu có phải chú luyện được công phu khiến rượu chảy ra ngón tay như phim chưởng của Tàu không?”. Ông Nguyễn Hữu Trọng bảo: “Tớ có những bài thuốc khiến lá gan của tớ thành thép, nên rượu uống vào bao nhiêu cũng chẳng ảnh hưởng gì đến gan, thận cả. Uống rượu vào, tí lại tiểu ra rượu ngay. Cây cỏ kỳ diệu lắm, có thể hóa giải rượu thành nước ngay khi đổ rượu vào mồm”.

Chả biết điều ông Trọng nói có thật không, nhưng tôi phải thú thật rằng, ông uống rượu như nước lã, điều mà không thể có cụ già 80 tuổi nào trên thế giới này làm được như thế.

Và bây giờ, đã ở tuổi 84, tiếp tôi giữa sơn trang dưới chân núi Tản, ông không uống rượu bằng chén nữa, mà uống bằng… bát. Loại rượu chưng cất 2 lần, nặng tới 50 độ, đốt cháy đùng đùng, được ngâm với thảo dược đã 10 năm, ông rót ra bát sành và cứ chạm cái lại hết một bát.

Nhìn cảnh ông lão 84 tuổi uống cả chục bát rượu như uống nước ngọt, thì ai dám không tin chuyện mỗi ngày ông vẫn chiều vợ đều đều.
Chị Bẩy, vợ ông Trọng 
Cô vợ bưng bình rượu rót đầy bát cho tôi và ông Trọng. Nghe ông bô bô kể chuyện sinh lực sung mãn như trai trẻ, cô vợ cũng không ngượng ngùng gì nữa, mà cười vui.

Có lẽ, ông coi chuyện này bình thường như cơm ăn, nước uống, kể với nhiều người trước mặt vợ trẻ, nên chị cũng quen rồi.

Tôi quay sang hỏi đùa chị Bẩy, vợ ông Trọng: “Đàn ông là chúa hay chém gió chuyện đó lắm. Ông xã nhà chị có chém tí nào không đấy?”. Chị Bẩy cười bảo: “Bố nó cũng có nổ, nhưng nổ quá một chút thôi”. Chị Bẩy nói thế, cả mâm nhậu cùng cười nghiêng ngả.

Ông Trọng chêm vào: “Mẹ nó chỉ được cái nói xấu tôi nhà nhanh. Tôi bằng này tuổi rồi, thế là tốt lắm đấy. Mẹ nó không chiều được tôi, tôi lấy vợ nữa thì đừng có mà trách nhé”.

Con nhà Phật!

Tạm gác câu chuyện về thú vui giường chiếu, năng lực phòng the, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng trầm ngâm bảo: “Ngày xưa, mấy ông thầy tướng gặp tớ, hay tròn mắt giật mình bảo rằng tớ không phải là người. Có ông bảo là Thánh, có ông bảo là ma, có ông bảo là người giời, có ông bảo con nhà Phật.

Thôi thì các thầy phán đủ cả các thứ quái dị gì đó đang ẩn trong người tớ. Nghe phán thế, tớ cũng chẳng tin lắm. Nhưng giờ ở đây, về ở đất này với Thánh Tản, đầu óc thảnh thơi, nghĩ lại mới giật mình, hay tớ là cái thứ gì đó khác người quá.

Cậu thấy đấy, bằng này tuổi vẫn không biết ốm đau, vẫn sinh con đẻ cái, vẫn đáp ứng chuyện giường chiếu, thì đúng là cũng lạ, trái quy luật thật…”.
Ông Trọng trong một lần hướng dẫn bà con cách trồng gấc năng suất cao ở Phú Thọ 
Ông Trọng tổng kết cuộc đời mình không ở những thành công này nọ, mà ở mấy chữ: “Trăn không quấn, rắn không cắn, hổ không vồ, gấu không tát, lũ không quét, súng đạn không giết, bệnh không chết…”. Ông bảo, nếu không có giời phật phù hộ, chắc ông chẳng thể sống khỏe mạnh đến giờ.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng sinh năm 1930, trong một gia đình danh giá. Bố là ông chủ Hãng rượu Hải Dương, một đại tư sản thời Pháp. Mẹ làm thư ký cho nhà buôn Bạch Thái Bưởi.

Mẹ ông sinh hạ 2 lần đều không nuôi được con. Đi chùa cầu tự, nhà sư bảo đứa con tới phải gửi ở chùa.

Ông ra đời, mới 3 tháng đã phải cai sữa. Mẹ ông gửi ở một ngôi chùa hoang vu trong rừng Yên Tử đến năm 10 tuổi mới đón về. Trước khi rời chùa, vị trụ trì xoa đầu bảo: “Cậu là con nhà Phật nên sẽ được giời Phật phù hộ suốt đời”.

Cách mạng Tháng 8 thành công, cha ông được cử lên Lạng Sơn đánh đuổi Quốc Dân Đảng. Cha mang ông theo. Đó cũng là chuỗi ngày sống trong rừng thẳm, phải nếm trải nhiều biến cố cuộc đời.

Buổi trưa năm 1946, hai cha con đang ngồi ăn cơm trên đồn. Quân địch tấn công bất ngờ. Một viên đạn lạc găm trúng đùi Trọng. Tuy nhiên, viên đạn chỉ đi vào phần mềm nên vết thương không nặng.
Ông Trọng đàn hát cùng 2 con 
Cuối năm 1947, Pháp chiếm Lạng Sơn, cha con ông lại kéo nhau vào Mỏ Tuống, rồi Bình Gia, Kéo Coong, sống giữa những cánh rừng hoang thẳm.

Cuộc sống ngày qua ngày chỉ có ngô, sắn, củ mài và rau rừng. Kỷ niệm lạ đời nhất mà ông Trọng gặp, đó là trong một lần đi câu ở suối Bắc Sơn.

Đang kéo con cá chạch chấu thì dưới suối, ngay trước mặt xuất hiện một đôi rắn màu trắng, to bằng bắp tay, đang vờn nhau trên mặt nước. Trọng hoảng hốt vứt cả cần câu lẫn cá chạy về bản.

Kể lại sự việc, ông già bản bảo Trọng gặp “thần rắn” rồi. Ông già bản này khẳng định, nếu đêm nay không chết thì “trời đánh, thánh vật” Trọng cũng không chết.

Ngẫm lại câu nói của ông già bản, rồi của vị trụ trì chùa Yên Tử, ông Trọng thấy cuộc đời mình rất lạ. Sau này tìm hiểu, Trọng mới biết, thỉnh thoảng người dân vẫn gặp loài rắn lạ này. Đây là loài rắn có mào trên đầu, sống trong hang sâu ven con suối chảy qua xã Nhất Hòa (Bắc Sơn).

Khi nước suối lớn, chúng ngoi lên nên mới có dịp gặp được. Người ta đồn rằng, những người gặp rắn trắng, đều chết bất đắc kỳ tử vào đêm đó.

Một lần, vào rừng chặt chuối về nuôi lợn. Mệt quá, Trọng vạch đám cỏ, ngồi lên một khúc gỗ mốc. Vừa ngồi lên, liền bị hất ngã chỏng chơ. Hóa ra, khúc gỗ mốc đó là một con trăn lớn. Nhưng không hiểu sao nó không siết gãy xương cậu mà lại vội vã chạy vào rừng rậm.
Khu vực nhà thờ Thánh Tản Viên và cụ Tuệ Tĩnh do ông Trọng xây dựng
Những ngày sống trong rừng xanh núi đỏ, ông gặp đủ các loại rắn độc. Kinh nhất là lần bị sốt rét rừng ở Mỏ Tuống. Ông bị sốt cực nặng. Đắp 7 lần chăn mà vẫn rét run cầm cập. Hết rét lại đến nóng.

Ông tung chăn ra, một con hổ mang chúa nằm cuộn tròn ngay cạnh sườn. Trọng sợ xanh mắt. Nhưng con rắn không cắn, mà trườn qua người, rồi đi mất. Điều lạ là ngay lập tức ông hết sốt, khỏe lại như thường.

Những chuyện giáp mặt rắn, ngủ chung với rắn gặp nhiều rồi. Nhưng lạ nhất là lần rắn hổ chúa to bằng bắp chân, bành mang mổ bôm bốp vào đầu, để lại mấy vết răng nanh sâu hoắm, nhưng ông vẫn không sao, dù chẳng chạy chữa gì.

Số là lần ấy có giông lớn, khiến một cây trò chỉ đổ ngang suối. Trọng vác dao trèo lên giữa cây chặt cành khô lấy củi. Cứ chém một cái, lại thấy “cốp” vào đầu.

Tưởng có cành cây va vào đầu nên Trọng không để ý. Lúc ngửa mặt lên nhìn lại, Trọng há hốc khi thấy con rắn hổ mang chúa quấn trên cành cây, đang bạnh miệng phì phò nhìn Trọng. Nhưng lạ ở chỗ, khi Trọng nhìn nó không mổ nữa, mà hoảng hốt chạy mất.

Chuyện gặp gấu, gặp hổ thì quá nhiều. Những ngày sống ở trại giam Lân Pháng, đêm đêm, hổ xông cả vào chuồng bắt trộm lợn. Cha Trọng là cán bộ trại giam, ông bắn được khá nhiều hổ để nấu cao, cung cấp dinh dưỡng cho các cán bộ, bộ đội đánh Pháp.

Có lần, trên đường đi từ Nhất Hòa vào Lân Pháng, một con gấu rất lớn nhảy ra giữa đường, đứng lừng lững trước mặt. Nhưng nó chỉ ngó nghiêng nhìn Trọng một lát rồi lững thững bỏ đi.

Cũng trong lần đi bộ từ Bắc Sơn vào Nhất Hòa, khi đến đoạn đường xẻ núi độc đạo, Trọng gặp con hổ lừng lững đi theo hướng ngược lại.

Nó gầm ghè, xả ra mùi hôi rình. Trọng nhìn thẳng vào mắt nó, nó cúi đầu đi nép ven đường, rồi biến thẳng vào rừng.

Không biết có phải hổ sợ Trọng hay không, nhưng có một lần, khi Trọng cùng mấy người đàn bà đi chợ Tân Long về. Đêm khuya, vào mái đá như cái hàm ếch ngủ. Mọi người hoảng hốt khi thấy tiếng gầm ghè vọng lại.

Trông ra, thấy con hổ vằn vện lượn đi lượn lại. Hai mắt nó đỏ như hai hòn than. Mấy bà sợ khóc ré lên. Nghĩ hổ, báo, gấu, rắn sợ mình, nên Trọng liều đối mặt với nó.

Không ngờ, khi Trọng đứng ngoài cửa hang nhìn nó tròng trọc, nó liền bỏ đi ngay. Từ bấy, người dân trong bản vừa nể, vừa sợ chàng trai này. Người ta cứ tò mò không hiểu Trọng là người hay là “ma”.

Chuyện kinh khủng cuối cùng trong cuộc đời bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng, đó chính là lần “lũ không quét”. Cũng một lần theo mấy bà đi buôn về, Trọng sức yếu nên bị tụt lại phía sau, bèn ngồi nghỉ bên suối.

Bất chợt, tiếng ầm ầm dậy cả rừng hoang, rồi lũ ập đến. Trọng trèo tót lên một thân cây bằng bắp đùi bên bờ suối. Lũ cuốn gỗ phăng phăng lao trên mặt nước như tên bắn. Thân cây víu vó trước lũ lớn. Trọng cứ hai tay bám ngọn cây, quên cả đau đớn do những súc gỗ lớn thúc vào.

Quật cường như vậy suốt 2 tiếng thì lũ ngớt. Điều kỳ lạ đến khó tin. Cây cối xung quanh không bị trốc rễ cuốn theo dòng nước thì cũng gãy gập, duy có thân cây mà Trọng bám vào vẫn hiên ngang trước dòng nước lũ.

Còn tiếp…


Phong Nguyệt – Thanh Đào
Bình luận
vtcnews.vn