Khám phá ‘Rãnh 94’ - Nghĩa địa hạt nhân của Hải quân Mỹ

Quân sựChủ Nhật, 31/12/2023 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

Ngày nay, hơn 130 thùng bê tông chứa hàm lượng phóng xạ nguy hiểm đang được lưu giữ tại Rãnh 94 và cả nghìn năm sau chúng vẫn không hết nguy hiểm.

Hải quân Mỹ luôn tự hào khi sở hữu những chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và chỉ có những con tàu như vậy mới có thể dễ dàng di chuyển trên các đại dương trên thế giới. Tuy nhiên, khi tàu ngầm ngừng hoạt động, lò phản ứng hạt nhân của tàu phải được xử lý cẩn thận. Hải quân Mỹ đã tạo ra một cơ sở nằm sâu ở phía đông bang Washington mang tên Hanford Site để chứa những thùng bê tông có mức phóng xạ nguy hiểm.

Năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ đưa vào vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên, USS Nautilus năm 1954. Năng lượng hạt nhân đã cách mạng hóa tàu ngầm theo hai cách.

Thứ nhất, một chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử có tầm hoạt động không giới hạn, cho phép nó di chuyển hầu như đến mọi nơi trên đại dương mà không cần quan tâm đến nhiên liệu. Thức ăn và sức chịu đựng của con người là những yếu tố hạn chế duy nhất. Các lò phản ứng dưới tàu thường có thể hoạt động trong gần hai thập kỷ bằng nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân ban đầu.

USS Patrick Henry, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thứ hai được Hải quân Mỹ hạ thủy vào năm 1959. Các lò phản ứng của tàu ngầm hiện được đặt tại Rãnh 94.

USS Patrick Henry, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thứ hai được Hải quân Mỹ hạ thủy vào năm 1959. Các lò phản ứng của tàu ngầm hiện được đặt tại Rãnh 94.

Ưu điểm thứ hai của tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nằm ở khả năng chịu đựng dưới nước. Tàu ngầm chạy bằng diesel sẽ hết pin khi lặn lâu dưới nước, và không có đủ không khí để chạy động cơ diesel. Những cục pin này phải được sạc lại định kỳ và cách duy nhất mà tàu ngầm có thể làm được điều đó là động cơ phải hoạt động. Do đó, các tàu ngầm chạy bằng diesel-điện thường xuyên phải nổi lên hoặc trồi lên ở độ sâu ống thở, nơi tàu ngầm có thể nâng một ống kín lên và hít thở không khí trong lành.

Trong thời chiến, nhu cầu nổi lên định kỳ là một nhược điểm lớn đối với các tàu ngầm chạy bằng diesel-điện, vốn phải nổi lên vài ngày một lần. Vì vậy, một thợ săn tàu ngầm kiên nhẫn chỉ cần đợi một chiếc tàu ngầm nổi lên hoặc nâng ống thở dễ thấy lên để nhắm mục tiêu.

Hiện nay tàu diesel-điện có hệ thống đẩy mới hơn, được gọi là không khí độc lập, có thể kéo dài thời gian lặn lên vài tuần, nhưng chúng vẫn không thể đánh bại các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân vốn không cần oxy và do đó có thể ở dưới nước vô thời hạn.

Kỹ thuật viên Laura S Winn đang thao tác các chất phóng xạ ở phía bên kia hàng rào, tại nhà máy plutonium Hanford ở Richland, Washington, tháng 3/1953.

Kỹ thuật viên Laura S Winn đang thao tác các chất phóng xạ ở phía bên kia hàng rào, tại nhà máy plutonium Hanford ở Richland, Washington, tháng 3/1953.

Phế thải hạt nhân

Năm 1959, Hải quân Mỹ đưa vào biên chế tàu USS Blueback, đây là tàu ngầm diesel-điện cuối cùng của Mỹ. Kể từ đó, tất cả các tàu ngầm của Mỹ đều sử dụng năng lượng hạt nhân, mang lại cho chúng khả năng chưa từng có để ứng phó với mọi tình huống.

Từ những năm 1960 đến nay, các tàu ngầm hạt nhân phải ngừng hoạt động dần xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiên liệu hạt nhân được loại bỏ và vận chuyển đến Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho, để lại một lò phản ứng bị ô nhiễm nặng.

Quá trình tháo dỡ diễn ra tại Nhà máy đóng tàu hải quân Puget Sound ở Bremerton, Washington. Những “thùng khô” hình trụ, được cắt gọn gàng sau đó thực hiện chuyến hành trình cuối cùng bằng xà lan ra khỏi Puget Sound, xuôi theo bờ biển rồi ngược lên Sông Columbia. Các “thùng” được dỡ xuống cảng Benton và sau đó được vận chuyển đến địa điểm Hanford, nằm ở phía đông Washington.

Hanford do Bộ Năng lượng Mỹ điều hành, được thành lập vào năm 1943 để hỗ trợ Dự án Manhattan. Hanford là cơ sở sản xuất plutonium đầu tiên trên thế giới, đây cũng là nơi thử nghiệm vụ nổ hạt nhân đầu tiên và chế tạo ra quả bom Fat Man thả xuống Nagasaki, Nhật Bản.

Khi đến Hanford, các thùng được chuyển đến Rãnh 94, một rãnh lộ thiên dài 300m. Tại thời điểm này, có 136 thùng hiển thị trên Google Maps, mỗi thùng là phần còn lại của một con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, được sắp xếp gọn gàng thành năm hàng.

Những thùng bê tông chứa nhiên liệu hạt nhân tại Rãnh 94.

Những thùng bê tông chứa nhiên liệu hạt nhân tại Rãnh 94.

Đây là những Thùng chứa có tính toàn vẹn cao (HIC), các thùng này được thiết kế để giữ các lò phản ứng trong 300 năm và có thể tồn tại khi rơi ở độ cao 10m. Tiêu chuẩn đó là rất cần thiết vì mỗi lò phản ứng còn lại khoảng 25.000 curies bức xạ, có đủ khả năng để giết chết con người trong vài giây sau khi tiếp xúc. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra vì diện tích bị hạn chế và các thùng được đóng rất chắc chắn.

Tuy nhiên, chất bên trong thùng rất nguy hiểm. Số lượng curie giảm dần do sự phân rã phóng xạ, nhưng mỗi thùng vẫn có thể tồn tại 250 curie sau 1.000 năm.

Cái giá phải trả

Số lượng thùng ở Rãnh 94 đã tăng đều đặn trong những năm qua khi Hải quân Mỹ cho nghỉ hưu các tàu ngầm hạt nhân thế hệ đầu. Các thùng mới đến lấy từ các tàu ngầm lớp Los Angeles đã nghỉ hưu và trong tương lai gần sẽ là tám lò phản ứng của lớp tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên USS Enterprise. Cuối thập kỉ này, các tàu ngầm lớp Ohio và tàu sân bay lớp Nimitz cũng sẽ chung số phận. Nhìn chung, Rãnh 94 sẽ bổ sung thêm khoảng 50 thùng mới trong vòng 20 năm tới.

Rãnh 94 nhìn từ trên cao.

Rãnh 94 nhìn từ trên cao.

Một số ý kiến cho rằng Hải quân Mỹ phải trả giá khi mỗi con tàu của họ đang tạo ra các vật liệu có tính phóng xạ cao, nguy hiểm trong hơn 1.000 năm. Liệu hiệu suất cao của các tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân có đáng để tạo gánh nặng cho các thế hệ tương lai?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc những thế hệ tương lai có tồn tại hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu chúng ta có thể ngăn chặn chiến tranh quy mô lớn trong suốt cuộc đời của mình hay không.

Lê Hưng(Nguồn: Popular Mechanics)
Bình luận
vtcnews.vn