Đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Philippines đạt 10 tỷ USD

Thời sự quốc tếThứ Tư, 02/08/2023 22:10:01 +07:00

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn họp với người đồng cấp Philippines Manalo, nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại đạt 10 tỷ USD.

Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Enrique Manalo đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Philippines, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines.

Bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm Việt Nam, Bộ trưởng Manalo nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên ông thăm chính thức trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng khẳng định Philippines luôn coi trọng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác và nhiều mặt với Việt Nam, đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong ASEAN.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hoan nghênh Bộ trưởng Manalo thăm chính thức Việt Nam; nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo trao Biên bản Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Philippines. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo trao Biên bản Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Philippines. (Ảnh: TTXVN)

Tại Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương Việt Nam-Philippines với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan hai nước, hai bên đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện quan hệ song phương kể từ Kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban Hỗn hợp tại Manila (tháng 3/2019) và việc triển khai Chương trình Hành động Việt Nam-Philippines giai đoạn 2019-2024.

Hai bên hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Philippines trong hơn 4 năm qua, kể cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Hai bên đã thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực; trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. vào thời điểm phù hợp; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Ủy ban Hỗn hợp về các vấn đề Biển và Đại dương, Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại, Nhóm Công tác chung trong lĩnh vực nông nghiệp, Nhóm Công tác chung trong lĩnh vực thủy sản…

Hai bên thống nhất xúc tiến xây dựng Chương trình Hành động Triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2025 - 2030; tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 10 tỷ USD, trong đó coi trọng thương mại gạo; đẩy mạnh hợp tác biển và đại dương; tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trên biển; nâng cao hiệu quả hợp tác phòng chống các hoạt động đánh bắt hải sản không hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như nông nghiệp, văn hóa, du lịch, giáo dục, giao thông vận tải, khoa học công nghệ, môi trường, giao lưu nhân dân…

Hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng và nhất trí tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại ASEAN và Liên hợp quốc; cùng phối hợp với các nước ASEAN khác duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy hợp tác tiểu vùng của ASEAN; góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh, thịnh vượng.

Hai Bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước, trong đó có tăng cường trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời đẩy mạnh hợp tác giữa hai Học viện ngoại giao.

Kết thúc Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp 10, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã cùng ký Biên bản Thỏa thuận của kỳ họp và nhất trí tổ chức Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương tại Philippines vào thời điểm phù hợp trong năm 2025.

Bộ trưởng Manalo trân trọng mời Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sang thăm chính thức Philippines vào thời gian phù hợp.

(Nguồn: vietnamplus)
Bình luận
vtcnews.vn