Đời sống

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Thứ Năm, 12/10/2023 11:51:00 +07:00

(VTC News) - Các chuyên gia chỉ ra những sai sót, bất cập ở mỏ sắt Thạch Khê và cảnh báo những hệ luỵ khủng khiếp mà Hà Tĩnh có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục triển khai dự án.

Video: Nỗi thống khổ của người dân sống 'treo' cạnh mỏ sắt Thạch Khê

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ cho biết, một người thầy của ông ở tận nước Nga xa xôi cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho dự án mỏ sắt Thạch Khê: “Mỗi lần sang Nga tôi lại gặp thầy giáo tôi. Thầy là người sang Việt Nam và khảo sát mỏ sắt Thạch Khê từ năm 2002 và tham gia làm cái này từ đầu. Thầy vẫn hay hỏi tôi cái dự án đó làm tới đâu rồi. Tôi trả lời là vẫn nhì nhằng, chưa thống nhất được là dừng hay triển khai.

Thầy tôi nói việc này đơn giản thôi, giao cho chủ đầu tư lập báo cáo khả thi một cách nghiêm túc, khoa học và sau đó phản biện lại  báo cáo khả thi này và kết luận cuối cùng sẽ là dừng hay triển khai”.

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 1

 

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 2

 

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ cho biết, từ năm 1964, chuyên gia Nga và Việt Nam phát hiện mỏ quặng sắt ở Thạch Khê. Năm 1978, thực hiện khoan 43.000m thăm dò địa chất. Năm 1985, hoàn thành báo cáo về trữ lượng và chất lượng quặng sắt. Theo đó, mỏ quặng sắt ở Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, chất lượng quặng có hàm lượng Fe cao, hàm lượng kẽm Zn rất cao (xấp xỉ 0,07%), trong khi quặng sắt khác thường có chứa Zn khoảng < 0,01%.

Giai đoạn từ 1987 - 1997, các tổ chức ở Nga cho đến một số công ty của Đức, Nhật Bản, Úc, Mỹ… vào khảo sát, đặc biệt công ty của Đức khoan 3.000m và đưa về Đức 62 tấn quặng để xử lý, nhưng vì những lý do khác nhau, dự án tiếp tục dừng nghiên cứu.

Tháng 3/2007, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập. Sau đó, TIC bóc đất tầng phủ ở Thạch Khê rồi thực nghiệm chạy xe trên cát... Việc triển khai vội vàng này bộc lộ nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý nhất là TIC triển khai công việc khai thác khi chưa có thiết kế kỹ thuật, thậm chí chưa có báo cáo khả thi.

Từ tháng 10/2010, TIC ký hợp đồng với liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp VIMCC, thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) - chủ đầu tư, Viện Khoa học Công nghệ mỏ và Luyện kim VIMLUKI - Việt Nam và Viện Tháo khô mỏ VIOGEM - CHLB Nga để lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật cho dự án. Công việc này được VIOGEM hoàn thành và bàn giao đúng tiến độ cho phía Việt Nam vào tháng 10/2011. Tuy nhiên, các phần việc còn lại không hoàn thành theo đúng thời hạn. Do hợp đồng lập thiết kế kỹ thuật bị dừng nên dự án cũng bị dừng lần thứ 3 (cuối năm 2011).

Từ cuối năm 2011, TIC đệ trình và thay đổi yêu cầu của dự án (gọi là dự án điều chỉnh), khác với dự án có báo cáo khả thi từ năm 2007; lập báo cáo khả thi mới của dự án điều chỉnh (do VIMCC và VIMLUKI thỏa thuận với TIC; không có phía Nga tham gia). Sau khi báo cáo khả thi mới được phê duyệt, VIMCC và VIMLUKI thực hiện tiếp việc lập thiết kế cho dự án điều chỉnh, trong đó lấy toàn bộ phần của VIOGEM cho thiết kế kỹ thuật của dự án cũ đưa vào.

Về việc này, VIOGEM không đồng ý và có thư giải thích nếu lập thiết kế kỹ thuật mới cho dự án điều chỉnh thì phần công việc của VIOGEM sẽ thay đổi theo các mục và thời gian thực hiện. Tuy nhiên, ý kiến này của VIOGEM không nhận được câu trả lời. Theo đó, phần thiết kế kỹ thuật của VIOGEM cho Dự án cũ được các đơn vị liên quan “bê” vào dùng cho dự án điều chỉnh.

Cuối năm 2015, hồ sơ thiết kế kỹ thuật mới do VIMCC, VIMLUKI thực hiện hoàn thành và được Hội đồng thẩm định Nhà nước phê duyệt.

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 3

 

Báo cáo khả thi mà chủ đầu tư là Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê đưa ra chưa thể hiện tính khả thi của dự án. Cái lâu nay họ làm chắp vá. Báo cáo khả thi họ làm năm 2006; thiết kế kỹ thuật năm 2010 – 2011 và báo cáo về dự án điều chỉnh rồi lại thêm cái dự án trung gian nữa…

Tất cả những cái này họ đều nói là làm đúng quy trình và được thẩm định thông qua. Thế nhưng, trong cái đó lại sai số liệu đầu vào. Tức là, đối với mỏ sắt Thạch Khê vấn đề quan trọng nhất là vấn đề nước ngầm và hiện tượng Caster (Karst). Họ chưa có khảo sát cái đó nên cái báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật của họ không có giá trị mặc dù hội đồng thẩm định thông qua…

Khi thẩm định thiết kế, chủ đầu tư họ nói đơn vị gọi là Viện Tháo khô mỏ của Nga là nơi có kinh nghiệm làm thiết kế này. Nhưng thực ra, Nga không tham gia cái thiết kế kỹ thuật cho dự án điều chỉnh và không tham gia thiết kế kỹ thuật cho dự án trung gian. Vậy cái của họ chắp vá từ cái này sang cái khác. Cho nên, báo cáo thiết kế kỹ thuật mà thẩm định là sai”, GS.VS  Nguyễn Huy Mỹ nói.

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ hệ thống lại các bất cập, sai sót của dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, tập trung vào các vấn đề chính sau:

Thứ nhất, khi làm báo cáo tiền khả thi TIC không khoan thăm dò nước ngầm, không nghiên cứu caster; số liệu về thủy văn, nước ngầm chỉ là từ mô hình. Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và dự báo khả năng tiêu thụ, sử dụng quặng cũng không được tiến hành (từ năm 2002 - 2004).

Thứ hai, khi làm báo cáo khả thi, phần dự báo, ĐTM, phía Việt Nam triển khai và phê duyệt, VIMLUKI là đơn vị thực hiện nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực này (từ 12/2006 - 12/2007).

Thứ ba, khâu thiết kế kỹ thuật, phần khai thác, ổn định bờ moong chắp vá, chủ yếu là “cắt - dán” trong báo cáo khả thi của Nga (báo cáo chưa xong và dừng lại từ cuối năm 2011).

Thứ tư, quá trình lập báo cáo khả thi cho dự án hiệu chỉnh, trong một số khâu, hồ sơ ghi có chuyên gia nước ngoài nhưng thực tế họ không được tham gia; đơn cử như trường hợp phần tuyển của VIMLUKI... và phần tháo khô mỏ của VIOGEM.

Thứ năm, sai sót cơ bản nhất khi lập thiết kế kỹ thuật cho dự án điều chỉnh là: Thiết kế kỹ thuật phần tháo khô mỏ của Nga làm cho dự án (khai thác đồng bộ từ đầu đến cuối), được các đơn vị phía Việt Nam đem vào dùng cho dự án điều chỉnh là hai nội dung khác nhau, thiếu tính tổng thể.

Quá trình thẩm định thì đơn vị thẩm định, hội đồng và các chuyên gia sau này luôn nghĩ là do phía Nga làm đúng yêu cầu. Phần tuyển của VIMLUKI cũng vậy, không có sự tham gia của chuyên gia Nga.

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 4

 

GS Nguyễn Huy Mỹ cho hay, mới đây (ngày 3/7/2023), Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) đề xuất triển khai dự án trung gian, chỉ khai thác đến mức -145m, trong quãng thời gian 10 năm, dự án trung gian này chưa được TIC trình bày, nhưng khả năng vẫn giống dự án cũ.

GS.VS Nguyễn Huy Mỹ cũng cho rằng, nguyện vọng phải dừng triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê là đúng vì họ nhìn thấy ảnh ảnh hưởng của dự án đến đời sống như sinh hoạt, nông nghiệp hay lâu nay không thể xây dựng được thêm cái này cái kia….

Theo GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, ý kiến của người dân cần được tôn trọng nhưng vấn đề cốt lõi trước khi đưa ra quyết định dừng hay tiếp tục triển khai thì cần chứng minh bằng khoa học. Cái cần nhất hiện nay là chủ đầu tư phải làm báo cáo khả thi. Nếu chủ đầu tư không làm báo cáo khả thi thì coi như không triển khai. Hà Tĩnh muốn kiến nghị dừng thì phải đánh giá báo cáo khả thi mà chủ đầu tư sẽ làm chứ không phải là cái đã làm vì cái đã làm không có giá trị khoa học.

Lâu nay, cái sai sót của dự án không ai nói ra và mỗi lần làm thì chủ đầu tư lại bảo họ rà soát, họ làm lại nhưng cái cốt lõi nhất là báo cáo khả thi có từ trước đến nay là không chấp nhận được. 

Tóm lại chủ đầu tư phải lập một báo cáo khả thi một cách nghiêm túc. Nếu anh không lập báo cáo thì coi như anh chưa triển khai chứ đừng nói là dừng và phải giải quyết những hệ luỵ mà anh làm lâu nay…

TKV, TIC và Hà Tĩnh phải cùng ngồi lại với nhau để đưa ra phương án thống nhất. Phương án thống nhất theo tôi rất đơn giản, chủ đầu tư lập báo cáo khả thi mới một cách nghiêm túc, trong đó có đầy đủ số liệu và đánh giá tác động môi trường, tình hình an ninh xã hội… và Hà Tĩnh trên cơ sở đó phản biện báo cáo khả thi mới này thì lúc đó mới kết luận được. Bây giờ người nào phát biểu ủng hộ thế này thế kia thì ý kiến đó theo tôi là chưa có cơ sở khoa học…”, GS.VS Nguyễn Huy Mỹ kết luận.

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 5

 

GS.TSKH Nguyễn Mại (Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài) cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê được triển khai từ năm 2008 đến 2011 thì dừng hẳn. Theo kế hoạch ban đầu, dự án phải di dời gần 4.000 hộ dân ở các xã Thạch Khê, Thạch Hải, Đỉnh Bàn, Thạch Trị, Thạch Lạc và bồi thường hơn 3.000 tỷ đồng; nhưng thực tế mới bồi thường được hơn 250 tỷ đồng.

Khi được hỏi ý kiến về việc TKV đề xuất tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê, đại diện người dân tại đây nói ngay: Chúng tôi không muốn họ khai thác nữa. Dừng hơn chục năm rồi người dân chúng tôi làm nhà cửa, ổn định rồi nên không muốn họ khai thác nữa. Hãy để cho chúng tôi có cuộc sống yên ổn, đừng làm chúng tôi lo lắng bất an thêm nữa”, GS.TSKS Nguyễn Mại nói.

Theo GS.TSKS Nguyễn Mại, việc dừng hay nghiên cứu để đưa ra quyết định với khai thác mỏ sắ Thạch Khê cần lưu ý ba vấn đề:

Đầu tiên là Hà Tĩnh với cơ cấu kinh tế hiện nay nên phát triển theo hướng nào? Có cần khai thác quặng sắt, sản xuất thêm gang thép hay nên chuyển nhanh sang mô hình tăng trưởng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, ít khi phát thải, xanh và bền vững như đã quyết nghị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: “Nhất quán thực hiện quan điểm phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm; khoa học – công nghệ là nền tảng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí đổi mới sáng tạo, phát huy bản sắc văn hoá, con người Hà Tĩnh. Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 6

 

Ngoài ra thực trạng mỏ sắt Thạch Khê từ khi được triển khai đến khi tạm dừng bộc lộ nhiều khiếm khuyết về công nghệ, môi trường, an sinh xã hội. Nếu dừng lại sẽ mất vài nghìn tỷ đồng mà không lo đến hiểm hoạ lâu dài nhiều nghiên cứu chỉ ra.

Nếu tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh của dự án sẽ tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng thăm dò địa chất, đánh giá tác động môi trường, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình duyệt theo chỉ đạo của Chính phủ đến năm 2025 phải có kết luận dừng hay tiến hành, trong khi hàng vạn người dân bức xúc, mong muốn dừng hẳn để ổn định cuộc sống.

Mặt khác hai dự án trọng điểm quốc gia như điện hạt nhân; 3 đặc khu kinh tế mặc dù thành chủ trương nhưng khi nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia thì Đảng và Nhà nước quyết định không tiến hành. Tại sao mỏ sắt Thạch Khê không làm như vậy, để đỡ mất thêm công sức, tiền của và thời gian?

Từ cách tiếp cận nêu trên, tôi đồng tình với Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH&ĐT không triển khai dự án này, giao cho chủ đầu tư và UBND tỉnh thực hiện các thủ tục cần thiết, tiến hành san lấp mặt bằng, giải quyết một số công việc có liên quan đến môi trường và dân sinh”, GS.TSKH Nguyễn Mại bày tỏ.

Trong khi đó, GS.TSKH Đặng Trung Thuận (Hội Địa hoá Việt Nam) và PGS.TS Lưu Đức Hải (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) cho rằng, với cấu tạo đất đá khu vực mỏ sắt Thạch Khê là đất đá yếu (cát sỏi, đất sét và cacbon) và quy mô khai thác của mỏ rộng lớn (chiều rộng 2km và sâu 550m) nên có nguy cơ rất cao gây sạt lở bờ moong trong quá trình khai thác.

Thực tế tại mỏ khi triển khai bóc thử đất đá tới độ sâu 34m trong thời gian ngắn năm 2011 đã xuất hiện hiện tượng sạt lở bờ và nước ngầm vào moong. Vậy nguy cơ sạt lở bờ moong khi hoạt động khai thác xuống sâu (-145m) trong thời gian kéo dài của vòng đời mỏ (khoảng 50 năm) là rất lớn.

Đáng tiếc là phương án đắp đê đất sét chống thấm nước vào moong mà TIC đưa ra trong dự án không giải pháp và loại bỏ nguy cơ này. Nguy cơ sạt lở và ngập úng khi khai thác xuống sâu càng lớn hơn, khi phần dưới (-140m) của mỏ, đá vây quanh là đá cacbonat cổ, có tiềm ẩn hang caster và nước ngầm chưa được khảo sát và đánh giá trong quá trình lập dự án khả thi.

Hai chuyên gia lo ngại, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê tạo ra moong hút nước ngọt từ các thấu kính trong cồn cát của biển dẫn đến việc hạ mức nước ngầm trong các giếng khai thác của dân. Khi mực nước ngầm hạ thấp thì ranh giới mặn ngọt của các thấu kính nước ngầm liên thông với nước biển sẽ dịch chuyển về phía đất liền dẫn tới sự nhiễm mặn của các thấu kính nước ngọt.

Theo phản ánh của dân địa phương, từ năm 2011 đến nay do việc bóc thử đất đá của TIC và sự hình thành hồ nước trên moong khai thác đã hạ thấp mức nước ngầm của của người dân xung quanh.

Sự hạ thấp mực nước ngầm sẽ ngàng hàng lớn hơn khi moong khai thác xuống sâu và mức độ nước chảy vào moong ngày càng tăng. Nguồn nước ngầm ngày càng giảm, thậm chí cạn kiệt đòi hỏi phải có dự án cấp nước sạch cho dân cư bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do dự án tạm dừng, phương án cấp nước sạch cho dân cư đang bị trì hoãn vô thời hạn.

Theo hai chuyên gia, bên cạnh việc mất đất canh tác, xu hướng nhiễm mặn nước ngầm cũng gây ta tác động nhiễm mặn đất. Sự cố nhiễm mặn đất sẽ tăng lên cùng với sự nhiễm mặn nước ngầm khi hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê càng xuống sâu. Nước và đất nhiễm mặn về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái đất thông qua sự thay đổi các loài thực vật và động vật thích nghi với môi trường nước và đất có hàm lượng muối ngày càng gia tăng. Sự thay đổi sinh thái diễn ra từ từ nhưng về lâu dài có thể tạo ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và hệ sinh thái khu vực.

Chuyên gia 'vạch trần' những sai sót, hệ luỵ ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 7

 

Hai chuyên gia nhận định, người dân di dời được cấp 300m2/hộ để xây lại nhà nhưng không còn ruộng, không được cấp đất canh tác, chăn nuôi; có nghề nông mà không có nơi để hành nghê mưu sinh. Cuộc sống nơi ở mới chỉ “tạm an cư” nhưng chưa bao giờ “lạc nghiệp” được.

Số người dân còn lại (98,7% số hộ và 97,9% số nhân khẩu) chưa được tái định cư và cấp đất thì ở trong tình trạng thiếu đất canh tác, không xây dựng nhà ở và không có việc làm ổn định. Lao động và việc làm cho hàng vạn người dân mất đất trong khu vực dự án, cũng như hoạt động của dự án cũng cản trở việc phát triển của các ngành kinh tế có nhu cầu cao của khu vực như du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản và đánh bắt cá.

Tất cả các khía cạnh đó sẽ tạo nên mất cơ hội có công ăn việc làm của người dân. Trong khi giải pháp thay thế của TIC là sử dụng lao động địa phương trong hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê là khó khả thi vì lao động trong mỏ cần có tay nghề cao và được đào tạo chuyên nghiệp. Sự thiếu việc làm, đất và nước bị nhiễm mặn, không khí ô nhiễm là các tác động tiêu cực tới sinh kế của dân địa phương.

Do cấu tạo địa chất phức tạp, vị trí mỏ nằm trong vùng đất thấp, sát biển, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê tiềm ẩn nhiều tai biến, rủi ro và sự cố môi trường; mà nhiều loại trong số đó chưa được đề cập, chưa phân tích và đánh giá đầy đủ cũng như chưa đưa ra được các giải pháp ứng phó phù hợp.

Một số sự cố đang hiện hữu và có nguy cơ lớn đối với môi trường và dân cư địa phương cần được chính quyền và chủ đầu tư quan tâm: Sự cố sạt lở thành mống; mất nước ngầm khu vực dân cư vùng dự án; mất đất và nhiễm mặn đất, vấn đề lao động và sinh kế…

Theo chúng tôi chỉ có hai phương án đối với mỏ sắt Thạch Khê trong thời điểm hiện nay là dừng vĩnh viễn dự án để định hướng đầu tư mới và tạm thời dừng dự án để khảo sát, phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp tối ưu về công nghệ khai thác và bảo vệ môi trường”, hai chuyên gia kết luận.

NGUYỄN VƯƠNG - TRỌNG TÙNG - TRẦN LỘC
Bình luận
vtcnews.vn