Đời sống

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác

Thứ Ba, 10/10/2023 06:43:00 +07:00

(VTC News) - Thạch Hải được đánh giá là địa phương có bãi biển đẹp ở Hà Tĩnh nhưng chưa phát triển đúng tiềm năng nguyên do được cho là chịu ảnh hưởng từ dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Video: Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: 'Không làm được thì dừng'

"Cách đây vài năm, có chủ doanh nghiệp có mảnh đất ở ven biển Thạch Hải đến gặp tôi để đặt vấn đề muốn đầu tư xây dựng khách sạn. Nói thật, bản thân tôi rất muốn cho doanh nghiệp đầu tư để kinh tế địa phương được phát triển nhưng “lực bất tòng tâm” vì không đủ thẩm quyền. Nhìn kinh tế xã bị tụt hậu trong khi tiềm năng còn nhiều mà nhiều đêm tôi trằn trọc, ứa nước mắt". Đó là tâm tư của ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải khi nói về những hệ luỵ do dự án mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng đến Kinh tế - Xã hội địa phương.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 1

 

Chúng tôi đến khu vực biển Thạch Hải (huyện Thạch Hà) vào buổi chiều mưa tháng 9/2023. Ấn tượng của chúng tôi khi đến bãi biển này khá gần với trung tâm TP Hà Tĩnh (khoảng 10 km), giao thông thuận lợi với con đường được trải nhựa từ trung tâm thành phố về đến tận bãi biển.

Thế nhưng, lạ là toàn bộ khu vực bờ biển xã Thạch Hải chỉ có khoảng gần 20 hàng quán và hầu hết được xây dựng từ lâu, lụp xụp và tạm bợ. Nguyên nhân được chính những chủ nhà hàng tiết lộ là do họ muốn đầu tư, nâng cấp lại cơ sở vật chất nhưng không được bởi toàn bộ đang nằm trong vùng quy hoạch phải di dời để phục vụ dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 2

 

Vốn là quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại một đơn vị thuộc Quân chủng Hải Quân đóng tại TP Hải Phòng. Từ năm 2001, bà Trần Thị Ất (65 tuổi) trở về quê hương để mở quán kinh doanh nhà hàng hải sản tại bờ biển xã Thạch Hải rồi giao cho người thân quản lý. Mãi đến năm 2003 sau khi rời quân ngũ bà Ất mới về quê trực tiếp quản lý nhà hàng.

Có thể nói bà Ất là một trong số những người tiên phong mạnh dạn kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bãi biển Thạch Hải. Hơn 20 năm kinh doanh ở biển Thạch Hải hơn ai hết bà Ất hiểu rõ tiềm năng của bãi biển này.

Nhiều du khách khi đến biển Thạch Hải đều nhận định đây là bờ biển đẹp, thậm chí có phần nhỉnh hơn biển Thiên Cầm bởi có bãi cát trải dài và rộng, nằm thoai thoải, không quá dốc. Nước biển cũng trong xanh và không có nhiều con sóng dữ nên tương đối an toàn. Nếu được phép tập trung đầu tư về các ngành nghề dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng ven biển thì kinh tế của người dân xã Thạch Hải có lẽ sẽ không thua kém địa phương ven biển nào ở Hà Tĩnh”, bà Ất chia sẻ.

Theo bà Ất, những ngày đầu việc đầu tư và kinh doanh khá thuận lợi khi đường xá từ khu vực trung tâm TP Hà Tĩnh về đến bở biển Thạch Hải được đầu tư, nâng cấp. Cơ sở vật chất thời kỳ mới đầu tư so với giai đoạn đó cũng được cho là đảm bảo nên lượng khách đến với biển Thạch Hải khá đông.

Thế nhưng, từ khi dự án mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động sau đó “treo” hơn 10 năm qua khiến những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bờ biển Thạch Hải rơi vào cảnh “bỏ thì thương và vương thì tội” khi cơ sở vật chật ngày càng xuống cấp khiến lượng khách tìm về ít hơn. Trong khi, nhiều hộ kinh doanh muốn đầu tư, mở rộng và nâng cấp nhà hàng của mình nhưng lại không được phép bởi nằm trong quy hoạch vùng dự án.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 3

 

“Đó là chưa kể, trường hợp dự án mỏ sắt Thạch Khê tái hoạt động không chỉ chúng tôi mà toàn bộ người dân vùng biển Thạch Hải này đều trong diện phải di dời đến khu vực tái định cư. Chúng tôi lâu nay đều sống chung và gắn bó với biển. Nếu bị di dời đến nơi ở mới xa biển thì chúng tôi không biết sẽ làm ăn, sinh sống thế nào…

Nếu dự án cứ tiếp tục án binh bất động như hơn chục năm qua thì chúng tôi cũng khổ do mọi thứ cứ như “treo” trên đầu, dẹp quán đi thì tiếc mà mở rộng đầu tư thì lại không được phép. Rõ ràng dự án mỏ sắt Thạch Khê bị “treo” đang kìm kẹp việc phát triển kinh tế biển đối với bản thân gia đình tôi nói riêng và người dân xã Thạch Hải nói chung hơn chục năm qua. Quan điểm của tôi là nhà nước cho dừng dự án này để những hộ kinh doanh dịch vụ biển như chúng tôi được phép đầu tư và phát triển kinh tế góp phần làm quê hương giàu mạnh”, bà Trần Thị Ất chia sẻ.

Khi chúng tôi đem câu chuyện có nên dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê để hỏi gần 20 hộ kinh doanh nhà hàng ăn uống ven bờ biển Thạch Hải thì họ đều có chung một câu trả lời là “nên dừng” vì đến thời điểm hiện tại, qua hơn chục năm họ chưa hưởng được bất kỳ lợi ích nào từ dự án này. Ngược lại, vì dự án mà việc phát triển kinh tế ven biển Thạch Hải bị tụt hậu so với các địa phương ven biển nổi tiếng khác ở Hà Tĩnh cả chục năm.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 4

 

Ông Nguyễn Trọng Mậu (68 tuổi) có kinh nghiệm 8 năm mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bờ biển Thạch Hải. Do đầu tư muộn, đúng vào giai đoạn toàn bộ xã Thạch Hải nằm trong diện quy hoạch di dời phục vụ dự án mỏ sắt Thạch Khê nên nhà hàng của vợ chồng ông khá khiêm tốn và tạm bợ do không được phép xây dựng. Bản thân ông Mậu cũng ấp ủ ý định để xây dựng nhà hàng của mình cho khang trang hơn để thu hút khách nhưng không được.

Theo ông Mậu, ngoài kìm kẹp phát triển kinh tế của người dân ở Thạch Hải và một số xã ven biển Thạch Hà thì dự án mỏ sắt Thạch Khê còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu tiếp tục triển khai. Trong đó là sụt giảm và làm thay đổi mạch nước ngầm dẫn đến nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ảnh hưởng đến người dân xung quanh khu vực dự án.

Bản thân tôi có tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và được biết việc lợi ích khai thác thác quặng tại mỏ sắt Thạch Khê còn đang bỏ ngỏ. Trong khi những hệ luỵ tiêu cực từ nó mang lại là tương đối lớn nên quan điểm của tôi là nên dừng triển khai dự án”, ông Mậu nói.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 5

 

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 6

 

Sau khi rời khu vực bờ biển Thạch Hải chúng tôi tìm gặp ông Bùi Đình Lâm – Chủ tịch UBND xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) để tìm hiểu những lợi ích cũng như hệ luỵ mà dự án dự án mỏ sắt Thạch Khê đã và đang mang lại với chính quyền và nhân dân địa phương.

Ông Lâm chia sẻ rằng, không chỉ bản thân ông, mà tất cả lãnh đạo, cán bộ xã nhiều năm qua phải làm việc ở cơ sở vật chất không đảm bảo.

Nguyên do là bởi xã từng được cấp kinh phí đầu tư trụ sở mới. Tuy nhiên, khi vừa đào xong móng thì lại phải lấp lại do toàn bộ xã nằm trong diện quy hoạch di dời phục vụ dự án mỏ sắt Thạch Khê nên việc toàn bộ việc xây dựng bị hoãn lại.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 7

 

Kể từ đó, những lãnh đạo, cán bộ xã Thạch Hải lại phải tiếp tục làm việc tại trụ sở cũ được xây dựng từ nhiều năm trước và hiện xuống cấp nghiêm trọng. Mãi đến đầu năm 2023 sau nhiều lần đề nghị cùng với sự quyết liệt của UBND Thạch Hà thì xã Thạch Hải mới được cấp kinh phí và cho phép cải tạo lại trụ sở xã.

Nói về dự án mỏ sắt Thạch Khê, ông Bùi Đình Lâm chia sẻ, cũng vì dự án bị treo hơn chục năm qua khiến việc phát triển Kinh tế - Xã hội của địa phương bị kìm kẹp đủ đường. Mặc dù lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn tìm hướng để phát triển nhưng việc ảnh hưởng do dự án mang lại khiến kinh tế địa phương đang bị tụt hậu.

Nói đơn cử về việc phát triển du lịch biển, có thể nói biển Thạch Hải xuất hiện, phát triển sớm hơn cả biển Thiên Cầm. Tuy nhiên, do dự án mỏ sắt Thạch Khê việc phát triển du lịch, dịch vụ biển tại địa phương bị tụt hậu hơn 10 năm. Một số nhà đầu tư đến đặt vấn đề muốn xây dựng khách sạn, nhà nghỉ lưu trú ven biển Thạch Hà nhưng chúng tôi phải từ chối vì mọi việc liên quan đến xây dựng, đất đai đều bị đóng băng kể từ khi dự án mỏ sắt Thạch Khê xuất hiện", ông Bùi Đình Lâm chia sẻ.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 8

 

Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cho biết thêm, Thạch Hải là vùng quê có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với bờ biển dài, cát mịn, có Quỳnh Viên danh thắng thơ mộng. Năm 2.000 huyện Thạch Hà lập dự án phát triển du lịch sinh thái biển Thạch Hải và kêu gọi đầu tư. Một Việt kiều về đầu tư khu Du lịch sinh thái Quỳnh Viên, giai đoạn một là 150 tỷ đồng.

Sau 5 năm, dự án đang trên đà phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, bộ mặt nông thôn Thạch Hải đang từng ngày được cải thiện thì phải tạm dừng phát triển vì nhường đất cho dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Biển Thạch Hải đẹp, nhưng mỏ sắt Thạch Khê biến nơi đây thành tiêu điều, xơ xác - 9

 

Ngoài việc ảnh hướng đến phát triển kinh tế thì hiện mọi hoạt động liên quan đến đất đai đang bị tạm dừng do dự án mỏ sắt Thạch Khê còn đang treo trên đầu. Hiện nhiều hộ gia đình với nhiều thế hệ đang phải sống chung trong một căn nhà chật chội. Họ đến UBND xã bày tỏ nguyện vọng xin cấp đất nhưng không được. Cùng với đó việc sang nhượng đất đai, tách khẩu, xây dựng, cải tạo nhà cửa tại xã Thạch Hải cũng không được phép thực hiện do ảnh hưởng từ dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn xã Thạch Hải có hơn 1000 hộ, trong đó có gần 200 hộ gia đình có con trưởng thành nhưng không thể tách hộ vì không được cấp đất. Nhiều hộ dân ba, bốn thế hệ ở trong một nhà rất bí bách trong sinh hoạt và cuộc sống. Chính quyền thấu hiểu, thương dân nhưng không thể làm khác.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (viết tắt là Dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2009, Dự án triển khai rầm rộ để thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. 2 năm sau, Dự án tạm dừng, chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng.

Chủ đầu tư TIC từng kỳ vọng dự án của Formosa tại Hà Tĩnh sẽ nhập quặng ở mỏ sắt Thạch Khê. Tuy nhiên Formosa có văn bản từ chối nhập quặng ở mỏ sắt Thạch Khê.

Cụ thể, Văn bản số 1712070/CV-FHS ngày 21/12/2017 của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh ghi rõ: “Hàm lượng kẽm trong quặng sắt này (quặng sắt mỏ Thạch Khê - PV) cao hơn 10 lần so với quặng sắt thông thường, đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của Công ty; nguyên tố kẽm trong quặng sắt dễ ngưng tụ lại trên vách trong Lò cao gây ảnh hưởng đến việc vận hành, hư hỏng vật liệu chịu lửa và làm giảm tuổi thọ của Lò cao. Nghiêm trọng hơn nữa sẽ dẫn đến việc rò rỉ gang lỏng gây ra sự cố… Với công nghệ của Công ty hiện tại thì không thể sử dụng loại quặng sắt này”.

NGUYỄN VƯƠNG - TRỌNG TÙNG - TRẦN LỘC
Bình luận
vtcnews.vn