Chiến dịch Biden gây sức ép, yêu cầu được công nhận kết quả bầu cử

Thời sự quốc tếThứ Ba, 10/11/2020 13:05:54 +07:00
(VTC News) -

Nhóm chuyển tiếp của Biden đang xem xét hành động pháp lý về việc chậm trễ công nhận kết quả bầu cử của cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA).

Reuters đưa tin, nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Joe Biden đang xem xét hành động pháp lý về sự chậm trễ của cơ quan liên bang trong việc công nhận chiến thắng của Đảng Dân chủ trước Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tuần trước.

Theo quy định, Dịch vụ tổng hợp (GSA) sẽ là cơ quan công nhận một người trở thành Tổng thống Mỹ khi ứng viên đó có chiến thắng rõ ràng, trước khi kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra mặc dù các cơ quan truyền thông Mỹ đã đồng loạt đưa tin về chiến thắng của ông Biden hôm 7/11, sau khi ông giành đủ số phiếu đại cử tri để đắc cử Tổng thống Mỹ.

Chiến dịch Biden gây sức ép, yêu cầu được công nhận kết quả bầu cử - 1

Nhóm chuyển tiếp của ông Biden gây sức ép với GSA sớm công nhận kết quả bầu cử. (Ảnh: Reuters)

Luật pháp Mỹ không quy định rõ khi nào GSA phải đưa ra tuyên bố. Các quan chức chiến dịch chuyển tiếp của ông Biden một mực khẳng định, chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Mỹ là rõ ràng và việc trì hoãn công nhận kết quả bầu cử của GSA là không có lý do.

Trump đã nhiều lần tuyên bố bác kết quả bầu cử, cho rằng có gian lận trong cuộc bỏ phiếu. Thế nhưng, các quan chức bầu cử trên toàn quốc nói rằng không có bằng chứng về gian lận, trong khi các chuyên gia pháp lý cho rằng nỗ lực của Trump khó có thể thành công.

Bà Emily Murphy, được Trump bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) vào năm 2017 , cho biết cơ quan này vẫn chưa xác định được "người chiến thắng". Theo Reuters, Emily Murphy là người luôn cẩn trọng, xem xét kỹ vấn đề trước khi đưa ra quyết định.

Quan chức giấu tên của nhóm chiến dịch Biden cho rằng, đã đến lúc GSA cấp giấy chứng nhận - hay còn gọi là giấy xác nhận tổng thống đắc cử, tuyên bố nhóm chuyển tiếp của ông Biden sẽ xem xét hành động pháp lý nếu điều đó không được chấp thuận.

"Hành động pháp lý chắc chắn là một khả năng, nhưng cũng có những lựa chọn khác mà chúng tôi đang xem xét", Reuters dẫn nguồn quan chức giấu tên của nhóm chiến dịch Biden cho hay.

Sự chậm trễ này khiến nhóm Biden mất khả năng tiếp cận hàng triệu USD tài trợ liên bang và khả năng gặp gỡ với các quan chức tại các cơ quan tình báo và các bộ phận khác. Khi chưa được công nhận, nhóm này không có quyền tiếp cận vào Bộ Ngoại giao - cơ quan chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp các cuộc điện đàm, chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo các nước với tổng thống đắc cử. 

Kông Anh(Nguồn: Reuters)
Bình luận
vtcnews.vn