Từ sinh viên nghệ thuật đến giám đốc siêu lừa trên mạng

Pháp luậtThứ Bảy, 17/12/2011 04:12:00 +07:00

(VTC News) - Học hết lớp 11 Bách bỏ xuống Hà Nội rồi tự tìm tòi, mày mò học vi tính. Sau một thời gian Bách mở Công ty riêng do mình làm giám đốc kiêm chủ tịch.

(VTC News) – Đang là SV năm thứ 3 của trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, Bách bỗng dưng bỏ học giữa chừng. Xuống Hà Nội không được bao lâu, Bách thành lập ngay một Công ty tư nhân do mình là Chủ tịch kiêm giám đốc. Công ty của Bách chuyên…lừa đảo trên mạng!

Rút tiền người nước ngoài 

Ngày 17/12, Đội phòng chống tội phạm Công nghệ cao (Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội) cho biết, đơn vị này đang tạm giam 4 đối tượng gồm: Dương Văn Bách (SN 1990, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); Nguyễn Ngọc Khánh (SN 1988, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc); Nguyễn Anh Tú (SN 1988, Việt Trì, Phú Thọ); Nguyễn Anh Hùng (SN 1990, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). 

 Nhóm đối tượng tại cơ quan Công an

Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ, thông qua mạng internet, Bách biết hãng hàng không Việt Nam bán vé máy bay trực tuyến trên mạng và hỗ trợ khách hàng mua vé máy bay thanh toán bằng thẻ tín dụng. 

Khoảng tháng 6/2011 Bách đã vào diễn đàn để tìm hiểu các thông tin mua bán bằng thẻ tín dụng giả. Bách sử dụng nickname để đăng nhập. Sau khi tìm hiểu kỹ các thông tin về sử dụng CC “chùa” để mua hàng trên mạng, Bách đã đăng thông tin tìm mua CC “chùa” trên diễn đàn sau đó có một nickname tieteo_apple đã liên hệ với Bách và bán cho Bách CC với giá 2 USD/1CC. 

Bách dùng CC “chùa” này để thử mua vé máy bay của hãng hàng không Việt Nam Airline  (VNE) sau đó VNE sẽ gửi lại cho Bách mã code (mã đặt chỗ) chuyến bay. Bách rủ Khánh đi thử từ Hà Nội vào TP.HCM và ngược lại. Thấy việc này có thể kiếm được tiền, Bách tiếp tục rủ thêm Minh, Tú và Hùng cùng làm. 

 Thẻ ngân hàng các đối tượng sử dụng trong việc lừa đảo trên mạng

Qua lần đi thử này, Bách biết khi có code vé cần phải có thẻ tín dụng và chứng minh thư trùng tên chủ thẻ để xác thực việc mua vé. Để chuẩn bị việc này, Bách đã lấy các chứng minh thư mang tên Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Trọng Cường, Trịnh Văn Hùng và dán ảnh của mình và đồng bọn vào để in thẻ giả xác thực code vé đã mua.

Theo một cảnh sát điều tra, bằng thủ đoạn này Bách đã rút tiền của những người nước ngoài một cách nhanh chóng. Trong thời gian ngắn số tiền này lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Từ tháng 8-10/2011, Bách dùng CC để mua mã code vé máy bay sau đó xác thực code vé bằng thẻ tín dụng giả và CMTND giả. Bách còn làm thẻ giả tín dụng visa và master giả của ngân hàng Vietcombank để thực hiện giao dịch.

Với các khách hàng có nhu cầu, Bách chỉ bán vé các chặng trong nước như Hà Nội – Nha Trang; Hà Nội – TP.HCM; Hà Nội - Huế. Theo đó, cả Bách, Khánh, Minh, Tú thay nhau check in (kiểm tra) cho khách tại sân bay Nội Bài. Khi check in tại sân bay, Bách chỉ giơ thẻ cho nhân viên soát vé xem để đổi 4 số cuối của thẻ tín dụng. 

Do các nhân viên không cầm xem trực tiếp nên không phát hiện là thẻ giả. Nhóm của Bách đã bán trót lọt khoảng 300 vé cho khách.

Chân dung của giám đốc lừa

Tại cơ quan Công an, Bách khai nhận: Bố mẹ ở nhà làm nghề nông, gia đình có 2 anh em. Bản thân Bách chỉ mới học hết lớp 11 rồi bỏ học giữa chừng theo học lớp vẽ của trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Đang học năm thứ 3 thì Bách thấy chán việc học nên đã bỏ nhà xuống Hà Nội lập nghiệp.

Thời gian đầu xuống Hà Nội, Bách thường lang thang trên mạng và tự học các thủ đoạn hack trên máy tính. Tháng 10/2011 Bách thành lập Công ty TNHH F8 upload do mình làm Chủ tịch kiêm giám đốc và thuê trụ sở ở phố Hoa Bằng, Hà Nội. Nhân viên của Bách là 4 đồng phạm (nêu trên). 

Từ tháng 11/2011 đến nay, Bách sử dụng cách thức in thẻ tín dụng giả bằng máy in thẻ. Trên 2 mặt thẻ visa và master của ngân hàng ACB rồi dùng máy tính cá nhân kết nối với máy in thẻ để in các thông tin CC lên phôi thẻ. 

Bách đã in được khoảng 10 thẻ tín dụng giả để xác thực cho khách hàng sau đó cả nhóm thay nhau đi xác thực tại các phòng vé cho khoảng 40 khách hàng và thu rất nhiều tiền. Số tiền kiếm được cả nhóm chia nhau để tiêu xài.
Trước khi bị bắt, Bách đang là Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty tư nhân.

Cán bộ điều tra Đội phòng chống tội phạm Công nghệ cao Hà Nội cho biết, để triệt phá được đường dây lừa đảo này, đội đã mất rất nhiều thời gian để lần theo các dấu vết các đối tượng trên mạng. 

Theo lời của cán bộ điều tra này, quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện rất nhiều thông tin cá nhân khách hàng người nước ngoài. Những thông tin này đều được Bách mua lại trên mạng rồi sau đó dùng để “đột nhập” xác thực thông tin. Số tiền trong tài khoản của những người nước ngoài từ đó sẽ bị rút dần mà không hề hay biết. 

Trước đó, để khám phá ra đường dây này, Cục C50, Bộ Công an đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Tiến Minh (SN 1991, Vĩnh Phúc).  Khi kiểm tra hành chính tại sân bay Nội Bài, phát hiện đối tượng mang theo 2 thẻ tín dụng Master card của ngân hàng ACB đều mang tên Nguyễn Văn Hùng.

Phải mất thời gian dài, Minh mới khai nhận ra đường dây do Bách cầm đầu. Được biết Bách và Minh là bạn học chơi thân với nhau trong 3 năm trở lại đây. Quá trình “làm ăn” để đề phòng cơ quan Công an phát hiện cả 2 đã “xây dựng” những ám hiệu riêng cho mình khi bị Công an phát hiện. 

Căn cứ vào tài liệu điều tra, hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả để lừa mua vé máy bay nhằm kiếm lời bất chính của nhóm đối tượng đã cấu thành tội: Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 226 Bộ Luật hình sự. 


Anh Tuân - Phong Vân
Bình luận
vtcnews.vn