Trung Quốc chuẩn bị đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên

Thời sự quốc tếThứ Ba, 24/08/2010 05:37:00 +07:00

Xưởng đóng tàu Changxing là cơ sở đóng tàu lớn nhất hiện nay tại Trung Quốc. Doanh nghiệp này có 4 ụ đóng tàu lớn và 3 dây chuyền lắp ráp.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng cho việc chế tạo tàu sân bay (TSB) nội địa đầu tiên do xưởng đóng tàu Changxing thực hiện – nơi cơ sở hạ tầng cần thiết đã được xây dựng.

Xưởng đóng tàu Changxing là cơ sở đóng tàu lớn nhất hiện nay tại Trung Quốc. Doanh nghiệp này có 4 ụ đóng tàu lớn và 3 dây chuyền lắp ráp.

Tàu sân bay cũ TQ đã mua lại từ Ucraina. (Ảnh Wikipedia). 
Ngành công nghiệp Trung Quốc thực hiện dự án đóng tàu sân bay nội địa được 20 năm. Nhằm mục đích nghiên cứu kinh nghiệm đóng tàu sân bay, Trung Quốc đã mua một số tàu sân bay từ Hải quân các nước khác nhau gồm tàu sân bay Melburn của Australia năm 1994, những tàu sân bay hạng nặng của Liên Xô như Varyag, Minsk và Kiev.

Theo báo chí phương Tây, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa Lực lượng Hải quân.

Hiện nay, tại Trung Quốc, 2 tổ hợp huấn luyện trên mặt đất dành cho phi công lái máy bay trên hạm tại tỉnh Liaoning và Shaanxi đang được xây dựng.

Tháng 12/2009, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm máy bay sử dụng trên hạm I-15. Việc cất và hạ cánh đã được thực hiện từ tàu sân bay Shi Lang (tàu sân bay Varyag thời Liên Xô). Vào cuối thập niên 90, Ukraine đã bán cho Trung Quốc tàu sân bay chưa đóng xong Varyag với giá 20 triệu đôla và trao cho Bắc Kinh tài liệu kỹ thuật cần thiết. Trung Quốc đã bắt đầu sửa chữa và nâng cấp tàu sân bay và coi đây là cơ sở để phát triển công nghệ riêng của việc xây dựng hạm đội tàu sân bay.

Ngoài ra, Ukraine đã chuyển cho Trung Quốc 1 trong những mẫu thử nghiệm đầu tiên máy bay sử dụng trên tàu sân bay Su-33, và Trung Quốc đã chế tạo J-15 dựa trên máy bay này.

Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, J-15 chưa chắc có thể đạt được chất lượng giống như Su-33 của Nga theo các đặc điểm kỹ thuật, vì vậy không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ lại yêu cầu Nga bán cho Trung Quốc lô mới máy bay Su-33.

Ngoài ra, để chế tạo tàu sân bay riêng, Trung Quốc cần phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp nhất liên quan đến sự tương hợp của những hệ thống chiến đấu khác nhau. Đồng thời, Trung Quốc tất nhiên cũng sẽ phải yêu cầu Nga hoặc Ukraine cung cấp một phần thiết bị dành cho tàu sân bay của mình.

Trong giai đoạn 1, Trung Quốc có kế hoạch đóng 2 tàu sân bay mang động cơ thường vào năm 2015-2016. Hai nhóm tàu sân bay đầu tiên dự kiến được hình thành vào năm 2020.

Trong giai đoạn 2, hai tàu sân bay hạng trung với lượng choán nước 65.000 tấn mỗi chiếc và chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ được đóng xong.

Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch hình thành 4 nhóm tàu sân bay sẽ được triển khai trên biển Nam và Đông Trung Quốc.


TheoVitinfo

Bình luận
vtcnews.vn