Iran yêu cầu Nga đền 200 triệu USD do bể hợp đồng VK?

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 25/09/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Iran có thể yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại cho những hợp đồng vũ khí dở dang không được thực hiện giữa hai nước lên tới 200 triệu USD.

(VTC News) – Iran có thể yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại cho những hợp đồng vũ khí (VK) dở dang không được thực hiện giữa hai nước lên tới 200 triệu USD.

 

Trong đó, số tiền đền bù cho biệc việc Nga hủy hợp đồng cung cấp 5 tiểu đoàn tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-1 trị giá hơn 800 triệu USD có thể là 10% tổng trị giá hợp đồng, tức là vào khoảng gần 80 triệu USD.

 

Nhìn chung, theo thông lệ quốc tế, số tiền đền bù đối với bên đơn phương vi phạm hợp đồng dao động từ 5-10% tổng trị giá hợp đồng đó. Như vậy, riêng trong hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-300, Iran muốn Nga phải đền bù ở mức cao nhất của thông lệ quốc tế, tức là 10% tổng giá trị hợp đồng.

 

Kể từ khi Tổng thống Nga Dmitri Medvedev ra chỉ lệnh thực hiện Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc số 1929 từ ngày 9/6/2010, Nga đã lần lượt từ bỏ một vài hợp đồng vũ khí đối với Iran, mới đây nhất chính là hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300.

 

Trước đó là hợp đồng nâng cấp và hiện đại hóa 24 máy bay chiến đấu Su-24 với giá 300 triệu USD trong khuôn khổ gói chương trình hợp tác quân sự trị giá 1,4 tỷ USD ký kết giữa hai nước vào tháng 12/2005. Hợp đồng này đến nay mới chỉ thực hiện được 50% nên nếu bị hủy bỏ thì phía Nga có thể sẽ phải đền bù khoảng 15 triệu USD cho Iran.

 

Iran có thể yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại cho các hợp đồng bị vi phạm với số tiền lên tới gần 200 triệu USD. 

Theo kế hoạch, trong năm nay Nga sẽ hoàn tất quá trình nâng cấp và hoàn thiện chiếc tàu ngầm diesel-điện thứ ba dự án 877 EKM cho Hải quân Iran. Như vậy, nếu hợp đồng này cũng bị hủy bỏ thì số tiền đền bù mà Nga phải chi có thể là 3-5 triệu USD.

 

Số tiền đền bù còn lại nằm ở hợp đồng cung cấp trang thiết bị, phụ tùng thay thế, bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa các loại vũ khí, phương tiện mà Nga đã cung cấp trước đó cho Iran.

 

Theo chỉ lệnh mới nhất của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Nga sẽ không được phép xuất khẩu sang Iran tất cả các loại vũ khí thông thường theo phân loại đăng kiểm của Liên Hợp Quốc bao gồm: xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, hệ thống pháo cỡ lớn, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng chiến đấu, tàu quân sự, tên lửa và hệ thống tên lửa.

 

Không chỉ các loại vũ khí, phương tiện tác chiến thông thường mà theo chỉ lệnh mới nhất của Tổng thống Medvedev, Nga cũng không được phép xuất khẩu phụ kiện, phương tiện, thiết bị bảo đảm vật chất, kỹ thuật cho các phương tiện quân sự kể trên cho Iran.

 

Tuy nhiên, theo lời Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Riabkov, Nga không hoàn toàn hủy bỏ các chương trình hợp tác kỹ thuật – quân sự với Iran mà có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì hoặc tạm hoãn một vài chương trình mặc dù vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc theo Nghị quyết 1929 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

 

Cùng quan điểm này, phó Giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Kostanchin Biriulin cho biết, Nga vẫn đang tiếp tục thực hiện một vài chương trình hợp tác quân sự với Iran mà không hề vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

 

Ví dụ như, vũ khí bắn thẳng, pháo dã chiến hay súng cối dưới 100 mm, máy bay trực thăng vận tải, pháo phòng không, radar, xe quân sự và một vài hệ thống, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật quân sự khác đều là những phương tiện không nằm trong Nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Armstrade)

 

 

 

 

Bình luận
vtcnews.vn