Dư luận Hàn Quốc về lời xin lỗi của Thủ tướng Nhật Bản

Thời sự quốc tếThứ Tư, 11/08/2010 06:41:00 +07:00

(VTC News) - Động thái này của Tokyo được xem như một bước đi tích cực nhằm loại bỏ “hòn đá” cản đường quan hệ Nhật – Hàn.

(VTC News) – Động thái này của Tokyo được xem như một bước đi tích cực nhằm loại bỏ “hòn đá” cản đường quan hệ Nhật – Hàn, đó chính là những bất đồng về vấn đề lịch sử.

Theo hãng tin Yonhap, sáng 10/8 gần tới thời điểm 100 năm ngày bán đảo Triều Tiên bị sáp nhập vào lãnh thổ Nhật Bản và người dân Triều Tiên phải sống dưới ách đô hộ thực dân suốt 36 năm ròng, người đứng đầu Nội các Nhật Bản – Thủ tướng Naoto Kan đã lên tiếng xin lỗi chân thành và phản tỉnh sâu sắc về những lỗi lầm trong quá khứ đã gây ra khổ đau và tổn thất cho dân tộc Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Naôt Kan. (Ảnh minh hoạ. 
Một số chuyên gia phân tích cho rằng động thái này của Tokyo được xem như một bước đi tích cực nhằm loại bỏ “hòn đá” cản đường quan hệ Nhật – Hàn, đó chính là những bất đồng về vấn đề lịch sử.

Hãng Yonhap cho hay, giới ngoại giao Seoul hầu hết đều nhận định việc Tokyo thừa nhận Nhật Bản trước kia đã ép Triều Tiên phải sáp nhập và nêu rõ các biện pháp sửa chữa sai lầm có tác dụng tích cực trong việc thể hiện thái độ, nhận thức chính xác về lịch sử.

Nhiều người Hàn Quốc cho rằng, lời phát biểu xin lỗi của đương kim Thủ tướng Nhật Bản đã “tiến bộ” hơn so với những gì cựu Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazawa. Nhiều khả năng người Nhật cho rằng sắp tới thời điểm 100 năm ngày ký hiệp ước sáp nhập, nếu Tokyo không giải quyết dứt điểm vấn đề lịch sử để lại, quan hệ Nhật – Hàn khó có thể phát triển tốt đẹp như những gì họ mong muốn.

Tuy nhiên, do những lực cản chính trị, trong phát biểu lần này của Thủ tướng Kan, Tokyo vẫn chưa hề động chạm tới tính phi pháp và vô hiệu của hiệp ước sáp nhập 29/8/1910 và tránh đề cập tới những vấn đề nhạy cảm như trưng dụng cưỡng chế, vấn đề phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật bắt vào nhà chứa trong chiến tranh.

Trước đây Nhật Bản luôn nhất quán chủ trương hiệp ước sáp nhập 29/8/1910 là chính đáng, đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản thừa nhận hiệp ước này đi ngược lại mong muốn của người dân bán đảo Triều Tiên và gây ra nhiều tổn thất to lớn cho dân tộc này.

Điều đó đã khiến quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Á không mấy mặn mà và tác động không mấy tích cực tới sự phát triển của quan hệ song phương.

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Naoto Kan, ông còn đề cập việc Nhật Bản sẽ trao trả cuốn “Triều Tiên vương thất nghi quỹ” đã bị mang sang Nhật thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng.
 

Giới quan sát Seoul cho rằng, nhiều khả năng đây là phát pháo đầu tiên, tín hiệu của việc Tokyo sẽ trả lại những thư tịch, tài liệu của dân tộc Triều Tiên bị Nhật Bản đem về nước.

Đáng chú ý, phát biểu và hành động của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh các đảng đối lập và thế lực bảo thủ trên chính trường nước này phản đối quyết liệt, vũ đài chính trị Nhật Bản vẫn còn đang chấn động sau cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua.

Phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản không còn mang ý nghĩa cá nhân ông, mà được thông qua bởi tập thể Nội các. Hàn Quốc ghi nhận thành ý đó của Nhật Bản. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Kan sau bài phát biểu, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cho hay ông đã theo dõi bài phát biểu của Thủ tướng Naoto Kan và mong muốn Nhật Bản sẽ sớm biến những cam kết thành hành động.

Tuy nhiên, dư luận người dân Hàn Quốc không hoàn toàn thỏa mãn với những gì người Nhật đã thể hiện. Nhiều người Hàn Quốc chờ đợi giới chức lãnh đạo Nhật Bản phải khẳng định rõ tính phi pháp và vô hiệu của hiệp ước 29/8/1910 và vấn đề bồi thường cho người dân bán đảo Triều Tiên đối với tội ác mà lính Nhật gây ra cho họ.

Đương nhiên, nếu trong phát biểu của mình mà Thủ tướng Naoto Kan đề cập tới tính phi pháp và vô hiệu của hiệp ước trên, chắc chắn Tokyo sẽ phải đối mặt với yêu cầu bồi thường từ phía người dân bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù vậy, nỗ lực đánh giá chính xác lịch sử để hướng tới tương lai của Nội các đương nhiệm Nhật Bản là điều khó có thể phủ nhận.

Cả hai bên Nhật Bản và Hàn Quốc đều mong muốn tăng cường hợp tác, cùng phát triển đặc biệt trong lĩnh vực tăng cường an ninh sau sự cố nổ tàu Cheonan, hội nghị thượng đỉnh G20, diễn đàn APEC sắp tới.

Tuy nhiên, Tokyo và Seoul sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, ngoài vấn đề lịch sử, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với một số đảo giữa hai bên vẫn là một rào cản lớn. Quan hệ Nhật – Hàn có thể tiến xa đến đâu vẫn còn là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Hồng Vũ


Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ giành được danh hiệu "Người đẹp do khán giả bình chọn" và giải thưởng trị giá 50 triệu đồng từ Ban tổ chức

Soạn tin:HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng> 
gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại
http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn

Bình luận
vtcnews.vn