"Xử phạt người bán dâm nên 'oánh' thẳng vào tiền"

Thời sựThứ Ba, 10/01/2012 11:12:00 +07:00

(VTC News)- “Mục đích của người bán dâm là kiếm tiền -sao không xử phạt họ về vật chất, “oánh” vào đồng tiền của họ", Chủ nhiệm UB Tư pháp nói.

(VTC News) – “Mục đích của người bán dâm là kiếm tiền, là lợi ích vật chất - sao không xử phạt họ về vật chất, “oánh” vào đồng tiền của họ, không có tiền nộp thì “mời” đi lao động công ích…”


Đây là một trong những nội dung được các thành viên UBTV Quốc hội thảo luận sáng nay (10/1) tại buổi khai mạc phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, khi cho ý kiến về nội dung này, đa số ý kiến nhất trí bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh vì việc xử lý như vậy quá nghiêm khắc, phần nào hạn chế tự do của công dân và nhiều trường hợp không phù hợp với công ước quốc tế.


Một số ý kiến khác lại đề nghị tiếp tục duy trì biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh như quy định hiện hành, bởi vì buộc cách ly người bán dâm khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định sẽ có tác dụng răn đe, phòng ngừa hiệu quả. Nếu không có biện pháp xử lý thì tệ nạn mại dâm sẽ phát triển, ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội.


Các thành viên Ủy ban TVQH cũng cho rằng cần có quy định xử phạt cả người bán dâm lẫn mua dâm mới đảm bảo công bằng (Ảnh minh họa). 

Ủy ban Pháp luật thống nhất không quy định biện pháp đưa người bán dâm đi khám chữa bệnh vào trong luật.


Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn văn Hiện cũng nhất trí cho rằng, có nhiều biện pháp chứ không nhất thiết phải đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.


Ông Hiện cho rằng, nhiều người bán dâm chưa có bệnh mà đưa vào cơ sở khám chữa bệnh là không đúng.


“Có phải chúng ta hết biện pháp đâu, chúng tôi nghĩ nên tìm biện pháp đối xử với người bán dâm chứ không phải đưa vào cơ sở khám chữa bệnh. Nên nghiên cứu các biện pháp ở một số nước để áp dụng vào Việt Nam, ví dụ, mục đích của người bán dâm là kiếm tiền, là lợi ích vật chất - sao không xử phạt về vật chất? “oánh” vào đồng tiền của họ. Ở nhiều nước khác khi phạt mà không có tiền nộp thì mời “anh” đi lao động công ích” - ông Hiện nêu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, biện pháp này có tác dụng lớn, tính chất giáo dục cao, có người sẵn sàng đi tù khi vi phạm, ra tù lại hành nghề, nhưng đi lao động công ích thì khác. Tính giáo dục của biện pháp này rất cao, đây cũng là hướng phù hợp hơn trong tình hình hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, bởi nếu giữ như quy định hiện hành thì các tổ chức quốc tế có ý kiến rất nhiều. Theo bà Ngân, việc đưa đi chữa bệnh bản chất là giúp người ta nhưng không hiệu qủa, sau khi ra lại hành nghề lại.

Bà Ngân cũng phân tích, có những trường hợp không đưa vào cơ sở chữa bệnh nhưng nên đưa vào các CLB đồng đẳng, giúp người ta việc làm thì người ta lại hoàn lương, sống tốt. Cùng với đó, quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh cũng … bất công, không công bằng. Bà Ngân lên tiếng “không đưa người mua dâm vào đó luôn!”

Về ý kiến phạt tiền nặng người bán dâm, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lại không đồng tình vì “có tiền đâu mà phạt”. Theo bà Ngân, có người bán dâm nuôi con, nuôi mẹ già, vì nhiều lý do hoàn cảnh mà đi bán dâm. "Không có người phụ nữ nào muốn bán dâm để kiếm sống, ai cũng muốn sống đàng hoàng. Đa số bị cái nghèo xô đẩy, thậm chí bị lừa gạt bán dâm, chỉ rất có số ít cô đua đòi theo cuộc sống xa hoa mà đi bán dâm", bà Ngân nói.

Bà Ngân cũng cho rằng, có rất nhiều biện pháp khác, rất nhiều chương trình giải quyết được tệ nạn này, ví như chương trình phòng, chống mại dâm của Chính phủ hay những cơ quan, đoàn thể giúp người ta học nghề, hay có những doanh nghiệp nhận người ta vào làm việc giản đơn, dạy nghề để họ kiếm sống…

Bà Ngân cũng đề nghị bỏ luôn hình thức xử phạt bổ sung buộc chữa bệnh với người có hành vi bán dâm mắc các bệnh lây truyền qua đường tính dục, bởi quy định này không có tính khả thi và không phù hợp với chính sách công bằng xã hội.

Theo phân tích của Ủy ban Pháp luật trước đó thì việc tổ chức khám chữa bệnh sẽ phát sinh các khoản chi phí mà luật lại chưa nêu rõ ai sẽ phải chi trả, trong khi nếu chi trả bằng ngân sách nhà nước thì lại không công bằng xã hội vì hiện còn nhiều đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh mà điều kiện KTXH chưa đáp ứng được.

Cũng theo bà Ngân, nếu có bệnh thì người mua dâm cũng phải khám, chữa bệnh như người bán dâm vì họ cũng có thể lây bệnh với vợ con họ.

Kiều Minh

 

Bình luận
vtcnews.vn