Xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng chậm trễ, đại biểu truy nguyên nhân

Tài chínhThứ Tư, 08/06/2022 15:31:00 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) chất vấn Thống đốc NHNN việc xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng vẫn giẫm chân tại chỗ, gây thắc mắc trong dư luận.

"Lý do của sự chậm trễ này là gì? Biện pháp nào để giải quyết căn bản vấn đề, đảm bảo quyền, lợi ích khách hàng và an toàn hệ thống tín dụng quốc gia trong thời gian tới?", bà Lịch đặt câu hỏi.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời, việc xử lý cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường là khó, do đặc thù nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng của hệ thống ngân hàng. Đại dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua cùng diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới cũng đã tác động đến nền kinh tế nước nhà và hoạt động của các tổ chức tín dụng, do đó đề án tái cơ cấu sẽ càng khó hơn.

"Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và sự phối hợp của các bộ ban ngành trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, có báo cáo trình các cấp có thẩm quyền về chủ trương tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tích cực phối hợp triển khai với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng là trên hết, tạo sự yên tâm cho khách hàng", bà Hồng nhấn mạnh.

Xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng chậm trễ, đại biểu truy nguyên nhân  - 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội chiều 8/6. (Ảnh chụp màn hình)

Tại báo cáo gửi Quốc hội trước đó, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.

Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn...

Trong đó, hai trên ba ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý, báo cáo cho biết.

Trả lời về giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm các quy định về cho vay; Trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu phát sinh. Trong thời gian vừa qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục vay. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm, để khi vấn đề xảy ra thì sẽ có giải pháp để xử lý nợ xấu.

Sẽ có hành lang pháp lý kiểm soát cho vay qua app 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) phản ánh tình trạng người dân hiện nay dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang web, hay vay qua app. "Vậy hành lang pháp lý của hoạt động này thế nào, vì thời gian qua Công an Thành phố Hà Nội phát hiện vụ án cho vay qua app hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhân dân rất lớn?", bà Mai đặt câu hỏi.

Trử lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, sự phát triển của công nghệ đã xuất hiện nhiều hoạt động cho vay. Việc cho vay qua app và web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.

Việc cho vay này dựa trên kết nối công nghệ giữa người vay và cho vay nhưng thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và của người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.

Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát, đánh giá có các tổ chức xuất hiện loại hình cho vay này và đang xây dựng hành lang pháp lý nhằm đưa hoạt động này theo đúng hướng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Công ty tài chính không được đe dọa khi đòi nợ

Xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng chậm trễ, đại biểu truy nguyên nhân  - 2

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang)

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online mà không trả nợ đúng hạn. "Thống đốc sẽ triển khai biện pháp nào để từng bước hạn chế các hành vi nêu trên?", ông Thịnh đặt câu hỏi

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật. Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h...

Công Hiếu - Phạm Duy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp