Xu hướng phát triển của làng game Việt năm 2011

Thế giới gameThứ Hai, 12/12/2011 09:36:00 +07:00

Năm 2011 là một năm rất đặc biệt đối với thị trường game Việt Nam, nó thường được ví với giai đoạn trung gian nối tiếp hai thời kỳ của làng game non trẻ.

Năm 2011 là một năm rất đặc biệt đối với thị trường game Việt Nam, nó thường được ví với giai đoạn trung gian nối tiếp giữa thời kỳ đầy khó khăn với giai đoạn phát triển trở lại. Có lẽ vì thế mà khá nhiều xu thế mới xuất hiện trong 12 tháng qua, tuy chúng có tương đối rời rạc nhưng phản ánh đúng thực tế.
 
Quảng bá qua fan site
 
Mặc dù FaceBook và một số MXH đã xuất hiện tại Việt Nam từ trước 2011, thế nhưng phải tới năm nay thì chúng mới trở thành công cụ hữu hiệu giúp các NPH quảng bá cho sản phẩm của mình. Việc thành lập một fan page MMO trên FB giờ đây chẳng con xa lạ gì với gamer, bất chấp việc hiếm khi chúng được thừa nhận là do chính NPH lập nên.


Fansite trở thành phao cứu sinh của các dự án mới.

Sau FB, tới lượt ZingMe được VNG đầu tư khá nhiều để biến nó thành địa chỉ lưu trữ fan page quan trọng của MMO mình sắp phát hành. Có thể kể ra một vài trường hợp điển hình như Kiếm Thế Web hay Elsword...
 
Từ khi trào lưu này xuất hiện, việc phát code thử nghiệm cũng thường xuyên được tích hợp và tạo thêm cơ hội cho game thủ. Điểm yếu của phương pháp này là thông tin thường không chính thống, bị thay đổi nhiều và trở thành công cụ để tạo "đòn gió" cạnh tranh thông tin.
 
Xuất hiện các NPH nhỏ
 
Trước thời kỳ khó khăn của game Việt, trong số các NPH nội địa thì hầu hết họ đều có tổ chức khá chuyên nghiệp, vốn đầu tư lớn và làm ăn bài bản. Ngay cả các hãng không trong nhóm tứ trụ cũng có nền tảng tốt. Tuy nhiên sang năm 2011, một số công ty nhỏ lẻ bắt đầu được thành lập bởi các nhóm nhỏ.
 


Hiếm ai ngờ đại gia Kiếm Thế lại là GĐSP Bá Nghiệp Xuân Thu.

Thông thường đội ngũ cốt cán của họ đều từng làm việc tại các NPH lớn và sau khi thu thập kinh nghiệm bắt đầu tách ra kinh doanh riêng. 12 tháng qua hầu như không có MMO nào lớn được mua về mà chủ yếu là webgame nên tạo cơ hội lớn để công ty nhỏ cạnh tranh kiếm lời.
 
Có thể điển hình một số trường hợp như xGo, WinGame đều được lập nên bởi nhân viên cũ tại VNG, VTC... Mới đây lại thêm Vivoo Games cũng nhảy vào cuộc đua. Thậm chí, ngay cả game thủ "đại gia" như SaoMai hiện cũng đang là GĐSP Bá Nghiệp Xuân Thu tại Việt Nam.
 
Phát hành ra nước ngoài
 
Trước đây, VTC Game từng mang Linh Vương và một số MMO của mình ra nước ngoài (Thái Lan, Mỹ), thế nhưng đó là nhờ họ có hẳn chi nhánh tại các quốc gia này đảm trách việc phát hành. Còn sang năm 2011, điều đáng mừng là một số game Việt đã được thương lượng, ký hợp đồng mua để xuất ngoại.
 


Jay là MMO thuần Việt đầu tiên tiến đánh thị trường ngoại.

Điển hình trong số này có thể kể đến SQUAD của VTC Game khi đã được liên hệ để mua sang phát hành tại Trung Đông, ngoài ra Jay Online của FGame cũng được mang sang Singapore. Điều này tuy còn khá nhỏ bé nhưng ít nhất vẫn cho thấy tương lai xán lạng của ngành công nghiệp phát triển game nội.
 
Mới đây, việc VNG đưa thành công Ủn Ỉn Khu Vườn Trên Mây sang Nhật Bản càng củng cố thêm lập luận trên. Đây đều là những MMO có bàn tay người Việt nhào nặn.
 
Game Mobile
 
Gần như không có bất kỳ hy vọng tồn tại ở Việt Nam cho tới tận năm 2010, thế nhưng đầu 2011 khi tựa game Minh Châu ra đời thì xu hướng game online cho mobile bắt đầu nhen nhóm. Mới đây, theo một số nguồn tin thì nhiều NPH (cả nhỏ lẻ lẫn lớn) đang chuẩn bị mở các dự án tương tự nhằm tận dụng nền tảng di động ngày càng mạnh mẽ.
 


Minh Châu - MMO điển hình cho mobile tại VN.

Xu hướng MMO mobile một phần do giá smart-phone ngày càng "hạt dẻ", hệ điều hành android dễ phát triển không kém gì iOS và lượng di động mới tung ra hàng loạt với đủ mọi thể loại. Giới trẻ lúc này bắt đầu có điều kiện tiếp xúc với smart-phone cấu hình mạnh, hệ thống mạng 3G phủ rộng rãi càng khiến họ dễ "online".
 
Dĩ nhiên các MMORPG phức tạp sẽ khó phát triển được trên mobile, nhưng nếu tận dụng webgame hoặc các flash game kiểu facebook (như Nông trại vui vẻ) thì cơ hội cho chúng cao hơn nhiều.
 
"Đồ cổ"
 
Hai chữ "đồ cổ" ở đây ám chỉ những tựa game với lối chơi đơn giản, điển hình và làm gợi nhớ lại những dòng sản phẩm kinh điển trên hệ máy thời thế kỷ trước (như NES, SNES). Trước đây với sự thất bại của Ghost Online, Tỷ Phú Online, Maple Story... xu hướng màn hình ngang như "4 nút" rơi vào trạng thái ảm đạm suốt năm 2010.


Game đơn giản, nhẹ nhàng lại trở nên đắt khách.

Thế nhưng chỉ cần một mình Dragonica, thể loại side-scrolling đã vươn lên cực kỳ nhanh. Lượng người chơi đông đảo với CCU lên tới 10.000 và hứa hẹn sẽ còn tăng thêm nữa, đó là chưa kể Elsword - MMORPG kiểu "cổ" tương tự sắp chào đời.

Không dừng lại ở đó, việc webgame Bắn Xe Tăng được phát hành (thuộc hệ thống banbe.net) thì xu hướng đồ cổ lại càng rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, các game dạng 2D trên Mạng xã hội cũng ngày càng có thêm nhiều fan hâm mộ, điển hình như gần đây nhất là Tam Quốc Mini và các game trên ZingMe.

(Theo GenK)
Bình luận
vtcnews.vn