Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Kiến nghị khởi tố việc làm giả giấy tờ, tài liệu

Pháp luậtThứ Năm, 17/05/2018 09:08:00 +07:00

Luật sư Lê Văn Thiệp cho biết, sẽ kiến nghị khởi tố vụ án về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu sau sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.

Liên quan đến việc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh và Công ty Thiên Sơn vội vã ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại đơn nguyên Thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngay sau khi xảy ra sự cố y khoa, luật sư Lê Văn Thiệp cho biết sẽ kiến nghị khởi tố vụ án về hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Tội danh làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức đã được pháp luật quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

luat-su-bac-si-hoang-cong-luong_curs

 Luật sư Lê Văn Thiệp.

Công ty Thiên Sơn đã ký hợp đồng với BVĐK tỉnh Hòa Bình nhưng Thiên Sơn đã thuê lại Công ty Trâm Anh thực hiện công việc.

Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) - bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai Công ty Trâm Anh được Thiên Sơn thuê thực hiện việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc RO tại đơn nguyên Thận nhân tạo với mức giá hơn 49 triệu đồng mà không có hợp đồng, tất cả chỉ dựa trên bảng báo giá và thỏa thuận miệng với nhau.

Theo nội dung hợp đồng đã ký có điều khoản phải xét nghiệm mẫu nước RO trước khi vận hành hệ thống lọc nước, phục vụ cho việc chạy thận. Tuy nhiên, Bùi Mạnh Quốc khai nếu thực hiện việc xét nghiệm mẫu nước RO có thể mất 10-15 ngày.

Ngay trong phiên tòa, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng thừa nhận do số lượng bệnh nhân chờ chạy thận quá đông, đơn nguyên Thận nhân tạo phải chia làm 3-4 ca/ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân, do vậy việc phải chờ đợi thời gian xét nghiệm quá lâu là điều không thể.

Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng đây là bệnh nhân chạy thận, nếu xảy ra sự cố khiến bệnh nhân thiệt mạng thì ai là người chịu trách nhiệm?

Trong trường hợp này bác sỹ đã thực hiện đúng quy định của Quy chế khám và chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định số 1895 của Bộ Y tế năm 1997 bởi họ không biết và cũng không có trách nhiệm phải biết đến hợp đồng ký giữa bệnh viện và đơn vị sửa chữa thiết bị.

“Quan điểm của chúng tôi là nếu như có hành vi làm giả giấy tờ tài liệu mà hành vi đó gây nguy hiểm cho xã hội thì phải khởi tố vụ án. Trong trường hợp bác sỹ Lương, cần phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội”, luật sư Thiệp nhấn mạnh.

Đánh giá về việc bị cáo Hoàng Công Lương thực hiện quyền im lặng tại phiên tòa vào chiều 16/5, luật sư Thiệp cho rằng việc thân chủ của ông thực hiện quyền im lặng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Ông Thiệp cũng hé lộ thông tin các luật sư bào chữa cho Lương sẽ công bố những tài liệu để chứng minh Viện Kiểm sát đã có những kết luận không khách quan.

“Chúng tôi sẽ có những bằng chứng để chứng minh trước Tòa, cho báo chí và công luận được biết việc này”, luật sư Thiệp khẳng định.

Video: Bác sĩ Hoàng Công Lương không đồng ý cáo buộc của VKS

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn