Xe đạp điện Trung Quốc: Nếu buông, sẽ thành thảm họa

Thời sựThứ Sáu, 27/06/2014 06:24:00 +07:00

(VTC News) - Nếu không có quy hoạch, có lộ trình kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của xe đạp điện, nó sẽ trở thành thảm họa giao thông mới của Việt Nam.

(VTC News) - Nếu không có quy hoạch, có lộ trình kiểm soát chặt chẽ sự phát triển của xe đạp điện, nó sẽ trở thành thảm họa giao thông mới của Việt Nam.

Vài năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện giao thông phổ biến của người dân Việt Nam, nhất là đối tượng học sinh và những người lớn tuổi. Không cần bằng lái, xăng xe, người điều khiển vẫn có thể chạy với tốc độ không kém bao nhiêu so với xe gắn máy. Tuy nhiên, loại phương tiện này đang là ẩn họa khó lường về tai nạn giao thông.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về loại hình phương tiện này với giao thông Việt Nam, VTC News đã phỏng vấn ông Hồ Quốc Phi, một người từng nghiên cứu khá sâu về các loại hình phương tiện giao thông, trong đó có xe máy điện, xe đạp điện.

Ông Hồ Quốc Phi

- "Thảm họa giao thông mới' là cảnh báo về sự phát triển chóng mặt của xe đạp điện, xe máy điện, đặc biệt là xe nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về loại hình phương tiện giao thông này?
Xe đạp điện, xe máy điện (và sau này ô tô điện) sẽ phát triển cực kỳ "chóng mặt", bởi nó là xu thế phát triển chung của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, trong trào lưu động cơ điện tiện ích thay thế dần cho động cơ đốt trong vừa thân thiện môi trường, vừa kinh tế. 
Những năm gần đây, số lượng về loại hình phương tiện này tăng nhanh, đặc biệt tại các thành phố lớn. Điều này phản ánh đúng thị hiếu và nhu cầu của người dân.
Theo tôi nguyên nhân thứ nhất là các nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ) ngày càng cạn kiệt, giá cả ngày càng cao. Do vậy để hạn chế sử dụng, các quốc gia trên thế giới đều áp dụng nhiều loại thuế, phí... 
Thứ hai, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã cấm lưu thông xe có động cơ sử dụng xăng, dầu theo biển số chẵn lẻ, hoặc cấm  vào các khu phố. 
Thứ ba, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều dành ngân sách đáng kể cho nghiên cứu phát triển pin, động cơ điện để sản xuất xe đạp điện, xe máy điện và ô tô điện; đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc sử dụng, lưu hành các loại xe này: bỏ hẳn các loại thuế, phí đánh vào dòng xe thân thiện môi trường này.
Thứ tư, hiệu quả kinh tế về giá thành và tính tiện ích khi sử dụng đã là lựa chọn của người tiêu dùng. 

 Xe đạp điện hiện lưu thông với tốc độ khá cao
- Những năm 1996 - 1998, xe máy Trung Quốc đã được nhập ồ ạt, từng làm mưa làm gió ở Việt Nam, để lại những hậu quả khiến nhiều người gọi là "thảm họa". Theo ông, liệu xe đạp điện hiện nay có lặp lại sai lầm 'lịch sử' đó không?
Câu hỏi xe đạp điện, xe máy điện có nguy cơ lặp lại bài học "xe máy Tàu"? Nguy cơ là hiện hữu, bởi thứ nhất nhu cầu to lớn của người tiêu dùng như đã đề cập 4 nguyên nhân về sự bùng nổ chóng mặt đã đề cập.
Thứ 2, do các chính sách của Nhà nước không theo kịp xu thế, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển tự phát: Việc nhập khẩu rất dễ dàng, kể cả nhập lậu (trong khi danh mục hàng hóa nhập khẩu, xe đạp điện, xe máy điện gần như bỏ ngỏ); người sử dụng không cần đăng ký sử dụng, không kiểm định, không phải đội mũ bảo hiểm, không mất tiền lệ phí giao thông.v.v..  
Ngày xưa, nhập khẩu "xe máy Tàu" phải có Giấy phép "Cô ta", phải kiểm định chất lượng (dù là hình thức), thông qua Hải quan giám quản và cấp Giấy Thông quan để đăng ký lưu hành. 
Nay xe đạp điện, xe máy điện chảy về Việt Nam hơi dễ dàng, lại có lợi nhuận cao... Vì vậy, nếu không kịp thời có những chính sách phù hợp, điều chỉnh và quy phạm lại việc nhập khẩu, sản xuẩt, mua bán, lưu thông, kiểm soát chất lượng,... vấn nạn "xe đạp điện", "xe điện Tàu"... sẽ trở lại "xe máy Tàu" thuở nào.
- Nhiều người cho rằng sử dụng xe máy, xe đạp điện sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên hệ lụy của nó về giao thông, về tai nạn... rất khó lường. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Khác với phát triển xe máy, tôi cho rằng phát triển xe đạp điện, xe máy điện (về sau là ô tô điện) là một xu thế của thời đại, không nên, không thể ngăn cản. Ô nhiễm môi trường không khí, hiệu ứng nhà kính gây ra biến đổi khí hậu thế giới (mà chủ yếu do quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch), đã trở thành nguy cơ sống còn của nhân loại. 
'Làm xiếc' trên xe đạp điện 
Chung tay bảo vệ môi trường đã trở thành khẩu hiệu và hành động chung của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Bản thân chiếc xe máy, xe đạp điện (về sau là ô tô điện), không phải là tác nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, thủ phạm chính là con người. 
Để hạn chế tiến tới giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm thiểu khí thải hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, nước ta cần có một Quy hoạch phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông chuẩn, tất cả đều lấy lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng lên trên hết... 
- Ông nhận xét về độ an toàn của phương tiện xe đạp điện, xe máy điện khi lưu thông trên đường, khi mà giới hạn tốc độ cho phép của xe đạp điện chỉ đạt 25km/h, song thực tế hiện nay cho thấy, nhiều loại xe đạp điện đạt tốc độ lên tới 40km/h?
Về độ an toàn của xe đạp điện, xe máy điện (về sau là ô tô điện) sẽ rất an toàn, thậm chí an toàn hơn cả xe đạp, xe máy và ô tô. Bởi vì, tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thông an toàn sử dụng bằng điện, sẽ an toàn hơn nhiều sử dụng cơ học. Vấn đề cốt lõi là các nhà sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật khi sản xuất từng linh kiện và tổng thành xe. Trước khi lưu hành phải được đăng kiểm và hạn mức thời gian đăng kiểm.
Về xe đạp điện: cần hiểu đúng đó là chiếc xe đạp, khi cần thì dùng điện. Do vậy cần quy định rõ tiêu chuẩn về tốc độ (không nên quá 18km/h), lượng tải trọng, hệ thống phanh, đèn, còi... Bắt buộc đội mũ bảo hiểm...thì tôi tin chắc sẽ an toàn hơn chiếc xe đạp không đèn, không phanh. Hiện nay, hệ thống an toàn không ai kiểm định, với tốc độ 25km/h thì xe đạp điện mất an toàn.
Về xe máy điện, nếu có tiêu chuẩn lưu hành như xe máy (tất nhiên các tiêu chí sẽ khác xe máy), thì độ an toàn của xe máy điện sẽ cao hơn xe máy. Khác với xe máy, xe máy điện sẽ nhẹ hơn nhiều và do vậy tốc độ tối đa cũng phải được hạn chế phù hợp; tốc độ 40km/h đối với xe máy điện hiện nay cũng không an toàn. 
- Được biết, ông là người ủng hộ lộ trình cấm xe máy. Vậy còn đối với xe đạp điện, xe máy điện, ông có cho rằng cũng nên sớm có lộ trình để hạn chế loại phương tiện này?
Đối với các đô thị, tôi  ủng hộ lộ trình cấm xe máy cho tới khi hệ thống vận tải công cộng thỏa mãn được nhu cầu đi lại của cư dân. Tôi không ủng hộ phát triển ồ ạt, mất kiểm soát đối với xe đạp điện, xe máy điện hiện nay.
Nếu không quản lý chặt chẽ, xe đạp điện sẽ là một thảm họa với giao thông Việt Nam 
Nhu cầu người dân sử dụng loại phương tiện này là một thực tế, cần tôn trọng họ. Nhưng, cần phải quy hoạch và có lộ trình phát triển cho kịp với xu thế của thời đại. 
Video học sinh thủ đô "làm xiếc" trên xe đạp điện:

- Nhưng thực tế cho thấy nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe đạp điện, người sử dụng xe đạp điện không chấp hành luật giao thông.... khiến người dân ra đường bị ám ảnh bởi xe đạp điện. Ông có nhận xét gì về việc này?
Thực tế việc sử dụng xe đạp điện hiện nay (chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa được kiểm định chất lượng); lại được các học sinh sử dụng như chiếc xe đạp, nhưng tốc độ và khả năng chuyên chở như xe máy! Do vậy, tai nạn giao thông hiện nay khá nghiêm trọng tại một số thành phố lớn; tạo ra quan ngại cho người dân khi tham gia giao thông. 
- Nếu không cấm hoặc hạn chế xe đạp điện, xe máy điện có trở thành “thảm họa” như xe máy hiện nay không thưa ông?
Nếu có quy hoạch, có lộ trình kiểm soát phát triển loại hình phương tiện thân thiện môi trường này thì sẽ phát triển tốt. Nếu buông, sẽ có "thảm họa".
- Xin cảm ơn ông!

Theo bạn, Việt Nam có nên cấm xe máy điện, xe đạp điện?

  • Không
  • Chỉ cần hạn chế
  • Phương án khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Hoàng Chiến (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn