"Xã tâm thần" bên nghĩa địa

Thời sựChủ Nhật, 02/01/2011 09:40:00 +07:00

Chúng tôi tìm về xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - nơi được biết đến là một xã nghèo khó, có nhiền gười mắc bệnh tâm thần nhất tỉnh.

Từ thành phố Tam Kỳ, theo Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm về xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ lâu, nơi đây được biết đến là một xã nghèo khó, có nhiều người mắc bệnh tâm thần nhất tỉnh.


Nhắc đến Tam Nghĩa, người ta vẫn thường gọi bằng một cái tên nghe thật đặc biệt: “Xã tâm thần bên nghĩa địa ma”.


Nỗi đau trên đất nghèo


Về xã Tam Nghĩa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh nghèo khó, lam lũ của người dân trên mảnh đất cằn cát trắng. Dẫn tôi đi mà tiếng thở dài của bà Châu Thị Cẩm Vân, cán bộ LĐ-TB và Xã hội xã nghe đến nao lòng: “Chú nhìn biết đó, hoàn cảnh nhiều gia đình ở đây nghèo khó đến tận cùng. Đất đai bạc màu, việc kiếm cái ăn vốn đã cực lại thêm bệnh tật nữa...”.


Nhiều năm nay bà Phạm Thị Thơ vẫn phải chăm sóc đứa con bị bệnh tâm thần. 

Từ trung tâm xã đi qua một con đường cát bụi mịt mù, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ nằm san sát, gối đầu vào nơi chôn cất những người đã chết. Biết có khách đến hỏi thăm về đứa con trai bị bệnh tâm thần của mình, bà Phạm Thị Thơ (80 tuổi, ngụ thôn Tịch Tây) vội vàng bỏ giở công việc đi tìm anh Trần Văn Ninh (46 tuổi) đang chơi cùng mấy đứa trẻ con bên hàng xóm về.

Giơ bàn tay run rẩy, gầy guộc lau từng giọt nước mắt hiếm hoi còn lại, bà Thơ  nói trong tiếng nấc: “Khổ lắm cháu ạ! Gia đình đã vắt kiệt tiền chữa trị cho nó rồi nhưng... không khỏi”.


Bà Thơ chậm rãi kể: Lúc sinh ra cho đến năm 24 tuổi, anh Ninh vẫn bình thường khỏe mạnh như bao người đàn ông khác. Nhưng đến năm 1986, sau một lần đi chơi bên hàng xóm về, anh đột nhiên phát bệnh rồi cười nói huyên thuyên suốt ngày. Thương con, nên dù gia đình nghèo khó, người mẹ bất hạnh đành chắt chiu, buộc bụng chạy vạy khắp nơi đưa Ninh đi điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau nhưng rốt cuộc vẫn không khỏi. Hết tiền, bà Thơ đành nuốt nước mắt đưa con về nhà tự chăm sóc từ đó đến nay.


Rời gia đình hai mẹ con bà Thơ, chúng tôi tiếp tục sang gia đình anh Nguyễn Tấn Nhơn (SN 1963) ở sát bên cạnh. Vừa đi đến đầu ngõ, một người đàn ông mình cởi trần, mặt mũi lầm lì xua tay nói: “Tụi bay đến nhà tao làm gì, để tao yên. Tụi bay về đi, tao không có gì mời cả”, rồi lại cười khanh khách.

 

Mắc bệnh tâm thần, vợ con bỏ đi, anh Nguyễn Tấn Nhơn phải sống cảnh cô đơn.


Anh Nguyễn Tấn Nên, anh ruột của Nhơn, ở nhà bên cạnh, cho biết: “Chú Nhơn như thế hơn 20 năm nay rồi. Năm 1990, không chịu được cảnh chồng bệnh tật, người vợ trẻ đành bồng đứa con còn nhỏ đi làm ăn xa ở đâu tận Sài Gòn, từ đó đến nay chưa về...”. 


Cùng chung cảnh ngộ như gia đình bà Thơ, anh Nhơn, ở xã Tam Nghĩa còn có 32 gia đình khác có người mắc bệnh tâm thần.

Không phải là hiện tượng lạ?


Hiện tượng người mắc bệnh tâm thần với số lượng lớn và ngày càng tăng ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã làm nảy sinh nhiều giả thuyết khác nhau. Có những giải thích theo kiểu bí ẩn, đầy màu sắc mê tín dị đoan, bên  cạnh những giả thuyết mang tính khoa học. Nhiều người hiểu biết ở xã Tam Nghĩa cho rằng: Trong chiến tranh, Tam Nghĩa là vùng đất chịu ảnh hưởng chất độc da cam rất lớn. Là vùng đất thấp lại là nơi giao thoa  của nhiều  dòng nước ngầm, nên rất có thể chất độc đã  ngấm vào nước ăn, sinh hoạt hàng ngày.


Theo chị Lê Thị Sửu (cán bộ trạm y tế  xã Tam Nghĩa): Không chỉ bệnh tâm thần mà ở xã Tam Nghĩa còn có nhiều trường hợp mắc các chứng bệnh như bại liệt, đao, câm điếc, dị dạng, đục thủy tinh thể, mất trí nhớ... Đây có thể là nguyên nhân do nguồn nước bị nhiễm phèn và ô nhiễm nặng từ khu nghĩa địa của xã. Bởi trên thực tế, khu nghĩa địa xã Tam Nghĩa nằm sát trong khu dân cư, thậm chí ở thôn Tịch Tây, nhiều gia đình ở cách nghĩa địa chừng 5 - 6m.


Ở thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa, nghĩa địa ở sát nhiều nhà dân. 

Trao đổi với chúng tôi, bác  sĩ Lương Hữu Thông - nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương II cho biết: Trên thực tế số người mắc bệnh tâm thần ở xã Tam Nghĩa như thế là chưa cao so với nhiều địa phương trên cả nước. Từng làm nghiên cứu cộng đồng nhiều năm ở Việt Nam, bản thân bác sĩ Thông đã thấy nhiều phường,  xã có số người mắc bệnh tâm thần lên đến 50 - 60 người, phần lớn bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh này thường phát sinh ở lứa tuổi từ  15 - 40, do rối  loạn tâm thần vì  sử dụng các chất kích thích (ở nông thôn chủ yếu là rượu nặng), bị tai biến mạch máu não. Đây là những triệu chứng chấn thương tâm lý và những bất thường về sọ não, chứ không phải do yếu tố ma quỷ ám hay thần linh “trách tội” như lời đồn đại thiếu cơ sở khoa học.


Hàng chục năm qua, vùng đất nghèo khó này phải đau đớn, quằn quại vì bệnh tật với nhiều mảnh đời bất hạnh. Theo BS Thông, rất cần thiết phải tổ chức một cuộc nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng từ phía các nhà chuyên môn để tìm ra giải pháp giúp người dân thoát khỏi căn bệnh quái ác này.


Theo NGUYÊN DŨNG (CATP)

Bình luận
vtcnews.vn