'Vua nhạc sến' - 'Gã si tình xấu xí' chỉ yêu phụ nữ đẹp

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 15/06/2012 03:50:00 +07:00

Hình như, tất cả các giai nhân trong cuộc đời Vinh Sử đều có mặt trong các nhạc phẩm của ông. “Vậy thì chắc nhạc sĩ cũng có đến cả trăm mối tình ấy nhỉ?"...

Vinh Sử có những bài hát đi cùng năm tháng với rất nhiều thế hệ như: Nhẫn cỏ cho em, Gái nhà nghèo, Mưa bụi, Chiều nước lũ, làm dâu xứ lạ, hai bàn tay trắng, Qua ngõ nhà em… Phần lớn các bài hát của ông đều miêu tả những câu chuyện buồn về tình yêu của chàng trai nghèo, cô gái nghèo, những nỗi đời nhọc nhằn.

Bởi vậy, người ta gọi ông là nhạc sĩ của người nghèo, người nghèo thích nhạc của ông lắm vì họ thấy chính mình ở trong đó, rất chân thật…
 
Những câu chuyện tình si mê đến rồi lại đi của Vinh Sử

Hình như, tất cả các giai nhân trong cuộc đời Vinh Sử đều có mặt trong các nhạc phẩm của ông. Nói vui với ông: “Vậy thì chắc nhạc sĩ cũng có đến cả trăm mối tình ấy nhỉ?”, ông cười “Ừ thì cũng nhiều…”.

Sáng tác của nhạc sĩ Vinh Sử có đến cả một “kho”, cách đây vài năm, ông ra tuyển tập “100 ca khúc vàng Vinh Sử”. Để lựa chọn được chừng ấy ca khúc in sách, ông cũng phải đau đầu lắm để in bài nào, loại bài nào. Sắp tới ông lại ra tập nhạc 100 ca khúc mới nữa…

Nhạc sĩ Vinh Sử thời trẻ 

Có bao nhiêu sáng tác, phần nhiều là những sáng tác nổi tiếng, chính nhạc sĩ Vinh Sử cũng không nhớ hết được. Danh sách các bản nhạc được phổ biến sâu rộng trong đời sống của ông mà trang từ điển mạng Wikipedia đăng tải dài dằng dặc.

Nói thế để biết rằng, số bài hát của ông nhiều nghĩa là tình yêu trong đời ông cũng rất nhiều. Ông bảo, mỗi bài nhạc của ông là kỷ niệm với một người tình. Mỗi người tình đến với ông, ông đều xây cho họ những “lâu đài tình ái” nồng nàn, ngây dại và đầy si mê trong những ca khúc, cũng có những mối tình sâu nặng mà ông dành cho họ tới cả chục bài hát..

Ngay ca khúc đầu tiên giúp Vinh Sử nổi tiếng, cũng là dành cho một người con gái mà ông say mê. Đó là mối tình đầu đời đẹp như một giấc mơ mà cho đến giờ ông vẫn còn nhớ từng nét cười của nàng, nhớ đến sự mong manh, trong trắng tình yêu thuở đó. Ca khúc “Nhẫn cỏ cho em”, cũng là một trong những sáng tác tiêu biểu của Vinh Sử.

Ông viết bài này khi mới 17 tuổi và chính bài hát này đã đưa ông bước thẳng lên vinh quang của sự nghiệp sáng tác khi mà các nhà xuất bản phải mua tác quyền ca khúc của ông với giá cao ngất ngưởng, giúp ông mua được xe hơi, tiền tiêu xả láng.

Ông nhớ lại ngày đó, con gái con trai thương nhau mà chẳng dám cầm tay nhau, chẳng dám nói với nhau một câu tình tự, cũng chẳng dám xưng anh hay em nốt, chỉ dám xưng tên ngại ngùng...

Ông luôn so sánh, cái tình yêu ngày đó nó khác xa một trời một vực với thời bây giờ, ngày đó lãng mạn, e thẹn nên ông mới có thể viết được những bài nhạc mơ mộng đến như vậy.

Hồi còn học lớp 6, ông yêu cô bé học chung lớp, hai người thường rủ nhau đi chơi nhưng chẳng bao giờ ông dũng cảm dám nói một lời thương yêu với nàng. Một lần ông quyết định mạnh dạn, làm sao để nói được tâm tư của mình cho khỏi bứt rứt, liền hẹn nàng ra công viên, nhưng mãi cũng không thể nào nói được nên lời.

Đến khi chuẩn bị về thì ông quýnh quáng không biết nói sao, ngồi bứt cọng cỏ cho đỡ bối rối và kết cỏ thành cái nhẫn trùm qua ngón tay nàng, không nói gì. Nàng nhận nhẫn rồi cười “hí hí” rất đáng yêu, tình cảm ngày đó sao mà thơ ngây, đẹp quá.

Sau này, bắt đầu sáng tác, ông hồi tưởng lại câu chuyện tình làm xao xuyến trái tim mình và viết “Nhẫn cỏ trao em”. Nhiều chàng trai nghèo bây giờ khi ta thán chuyện mình nghèo, không có tiền để yêu một ai đó, cưới ai đó vẫn thường hát câu cửa miệng: “Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương. Tặng em theo sính lễ tơ hồng. Thì đây anh đan nhẫn cỏ. Tặng em coi như bỏ ngỏ. Lòng anh chắc em đã biết…”. 

Từ “Nhẫn cỏ cho em”, Vinh Sử nổi tiếng, tên tuổi nổi như cồn cộng với kiếm tiền cũng rất giỏi. Không may cho số phận của ông, khi ông mới nổi tiếng chưa được bao lâu thì ba mẹ ông qua đời.

Ông trở thành gã trai mồ côi lang thang trong cõi đời và sống khá phóng túng. Thường thì người có tài bao giờ cũng có tật, cái tật của ông là… yêu nhiều và sống phóng túng quá. Ông luôn tự nhận mình xấu xí nhưng được nhiều người đẹp để ý và ông cũng chỉ yêu người đẹp mà thôi. Không phải ông kén chọn, mà phụ nữ đẹp là cái “gu” của ông rồi, yêu người đẹp khó chinh phục nhưng sự trắc trở lại làm cho ông nhiều cảm hứng sáng tác hơn. Cái lý do của ông có vẻ thực tế quá nhưng hoá ra lại rất đời, người đẹp luôn tạo nên chất thơ cho đời.

Yêu nhiều, được nhiều người yêu không hẳn là Vinh Sử thuộc diện hoa lá cành, yêu nhăng yêu cuội, yêu vung yêu vít. Ông nói rằng cuộc đời ông chưa bỏ ai cả, chỉ có họ bỏ ông mà đi thôi. Ông là kẻ si tình, một gã trai si tình luôn khổ vì yêu.

Có những mối tình ông luôn nghĩ đến chuyện nhẫn cưới, đến cuộc sống đôi lứa trọn đời nhưng số phận không cho ông được cuộc sống viên mãn đến thế. Vinh Sử si tình lắm. Ngày xưa, ông cũng có mối tình học trò, nên thơ và đẹp vô cùng. Nhưng, không may khi lớn lên, người ấy của ông vì nghèo, vì hoàn cảnh gia đình phải đi lấy chồng Việt kiều để đổi phận cho cả mình và gia đình.

Nhạc sĩ Vinh Sử có tới 4 người vợ chính thức

Ông đau buồn, tức tưởi khóc khi đứng nhìn người yêu đi lấy chồng trong “Làm dâu xứ lạ”: “Thôi em theo chồng làm cô dâu xứ lạ/ bao nhiêu ân tình giờ tim vỡ theo tim/Đường hoa em đi, mưa chiều rưng rưng đổ/ Ngỡ mưa trong lòng, em có vui đâu...”. 

Vinh Sử tâm tình, có lẽ vì ông xấu xí lại cứ muốn yêu người đẹp, nên chuyện bị phụ bạc, thất tình là chuyện… đương nhiên và ông đành… vui vẻ chấp nhận.

Bài “Đêm lang thang” đã gắn với tên tuổi ca sĩ Chế Linh là ông dành cho một phụ nữ khiến ông đêm mất ngủ, ngày quên ăn suốt một thời gian.

Ngày ấy, ông và ban nhạc của mình hay đến một quán hàng của người Hoa ăn sau khi làm việc xong. Chủ nhà hàng là một cô gái người Hoa rất đẹp. Mỗi khi nhóm của ông ăn xong cô lại ra tính tiền.

Ông “say nắng” nàng luôn vì nàng đẹp, còn nàng thấy ông bảnh bao, hào sảng nên cũng thích ngay. Hai người đã từng đi chơi với nhau nhiều lần, tình yêu cũng đã nhen lửa.

Nhưng, phụ nữ Hoa dữ dội lắm, ông nhận định thế, bất chợt có một lần nàng nhìn thấy ông chở một cô ca sĩ phía sau xe thế là nàng lập tức “cắt” luôn, không dùng dằng. Dù cho ông giải thích lên xuống rằng đó chỉ là chuyện công việc, chở ca sĩ đi ngoài đường thì đâu có tội tình gì, nhưng người đó không chịu.

Ông buồn quá, hàng ngày cứ đi đến nhà hàng đó ăn uống để nhìn mặt nàng, nàng thấy ông là lập tức đi tuốt lên lầu, không thèm nhìn. Ông rời nhà hàng đi về mà lòng cứ nhớ nhớ thương thương, trằn trọc không ngủ được, dậy đi loanh quanh ngoài phố, cứ đi tới đi lui chỉ mong gặp nàng mà nàng không cho gặp.

Ông viết “Đêm lang thang” chính là cho những đêm mong ngóng được nhìn người yêu một lần như thế. Ngày ấy lại không được đi ngoài phố vì có giờ giới nghiêm, đi lang thang mà cứ phải đi trong các con ngõ”:  “Bước lang thang qua từng vỉa hè/ Biết đi đâu đêm dài bơ vơ…”.

Khổ vì tình là… sướng nhất

Nhạc sĩ Vinh Sử có tới 4 người vợ chính thức. Kể ra, con số ấy cũng cho thấy sự “đào hoa” thật. Nhắc lại với ông một chương trình phóng sự trên VTV3 từng quay ông mấy năm trước, họ “zoom” ống kính vào một phụ nữ tuy không còn trẻ nhưng nét mặt thanh tú, xinh đẹp đang ngồi làm việc ở cửa nhà ông, ông nói: “Bà vợ tôi, nhưng lâu rồi…”.

Ông và bà chia tay nhau cũng 7,8 năm nay. Hai người cũng sống với nhau khoảng chừng đó năm. “Nàng” đã có mặt trong khá nhiều sáng tác của ông như, tiêu biểu như: “Quên cây cầu dừa”. Cuộc sống của ông từng ấm áp khi cả hai vợ chồng cùng nhau làm xưởng giày, khá phát đạt, nhưng vợ ông “tham” hơn khi muốn làm ăn sang những việc khác, không may thất bại, nợ nần đầm đìa. Bà bỏ đi, ông bán nhà trả nợ và giờ sống một mình trong căn nhà thuê nhỏ xíu ở quận 4.

Năm ngoái, Vinh Sử phát hiện bị ung thư trực tràng. Một năm chiến đấu với bệnh tật cùng những nỗi đau khổ tưởng như muốn chết đi cho rảnh nợ khiến ông gầy đi nhiều. Nhưng, ông nói, cuộc đời này lạ lắm, nhiều khi muốn chết cũng không chết được, những người ăn mày ngoài đường lê la như vậy đôi khi muốn chết cho xong cái kiếp khổ mà có chết được đâu. Bởi vì, cuộc sống này còn nhiều điều đáng sống.

Hỏi ông, giờ có “bà” nào chăm sóc ông lúc đau bệnh không, ông cười nói tưng tửng rằng ông đang sống “lưng chừng”, có thì cũng là “nửa nạc, nửa mỡ”. Ông là người tài hoa, phụ nữ thường mê tài nên phụ nữ đến với ông cũng phải. Nhưng, khi họ đến thì hăm hở mà rồi cuối cùng họ lại ra đi.

Ông hiểu sâu sắc lý do vì sao và ông nhận hết tất cả những lỗi lầm về mình. Ông nói, đời là bể khổ, không khổ cái này cũng khổ cái kia, khổ vì Tình là… sướng nhất.

Ông bảo, phụ nữ hay bỏ ông là vì lối sống bất tử của một gã ngông và ưa cuộc sống phiêu du, tự do, tự tại của ông. Ông có quan niệm dù là vợ chồng thì cũng phải tôn trọng cuộc sống tự do cá nhân của nhau trong sự đảm bảo là tự do trong đạo đức, không vi phạm luân lý con người.

Ông khiến các bà vợ khó chịu là bởi có những khi ông đang ngồi nhậu với bạn, chợt bạn hỏi đang có xe đón đi Nha Trang chơi vài ngày, có đi không? Ông nhảy luôn lên xe đi không cần báo cho ai biết đi đâu, đi bao nhiêu ngày, khi nào về. Ngày xưa không có điện thoại thì không gọi được đã đành, nhưng sau này có điện thoại thì ông đi mấy ngày mới sực nhớ ra là phải gọi về… báo cáo. Phụ nữ họ không chịu điều đó, họ cần ông phải báo cáo.

Ông thành thật: “Một phần lý do nữa là tôi là người sống vì bè bạn quá, có bạn là quên mọi thứ…”. Rồi cách sống phóng túng, ăn nhậu tối đêm, suốt ngày ngoài đường của ông chẳng phụ nữ nào chịu được… Ông chấp nhận sự cô đơn bây giờ như chấp nhận định mệnh mình phải thế.

Đêm nhạc tri ân những sáng tác ông đã góp mặt cho đời của ông tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào ngày 16/6 tới đây chắc sẽ không có bóng dáng của những người phụ nữ đã từng đi qua đời ông, nhưng sẽ có mặt những đệ tử, những “chiến hữu” đã ở cạnh ông những năm tháng qua.

Điều còn lại của ông cũng là cái tình rộng rãi trong bè bạn. Đêm nhạc ấy, Quang Lê, Thanh Tuyền, Đình Văn, Giao Linh… sẽ hát những ca khúc của ông đã gắn bó với cả sự nghiệp của họ, đó đều là những ca khúc về tình yêu, bởi với Vinh Sử, tình yêu là cái men say trong cuộc sống, không thể thiếu được trong đời…

Theo Mộc Miết (Báo Nhân đạo và Cuộc sống)

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây

 

Bình luận
vtcnews.vn