Vũ khí tối tân của hải quân Mỹ bắt đầu 'vây Triều Tiên

Thế giớiThứ Ba, 02/04/2013 10:36:00 +07:00

Hải quân Mỹ di chuyển một tàu chiến và căn cứ radar tới gần biển Triều Tiên nhằm giám sát động thái quân sự, những vụ phóng tên lửa có thể xảy ra của nước này.

Hải quân Mỹ đang di chuyển một tàu chiến và một căn cứ radar tới gần bờ biển Triều Tiên nhằm giám sát mọi động thái quân sự của nước này, kể cả những vụ phóng tên lửa có thể xảy ra.

CNN cho hay các quyết định di chuyển ít nhất một tàu chiến và trạm radar giống như giàn khoan dầu SBX-1 có thể là những động thái đầu tiên trong việc triển khai lực lượng hải quân.

Thay vì trở về căn cứ quân sự ở Nhật Bản, khu trục hạm USS Fitzgerald đã di chuyển tới bờ biển phía tây nam sau khi tham gia diễn tập quân sự - một quan chức quốc phòng Mỹ cho AFP biết hôm 1/4.

Mỹ gần đây liên tiếp thực hiện những bước đi quân sự bất thường và hiếm hoi nhằm thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng trong việc bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

Đồng thời, Mỹ cũng muốn thông qua những động thái phô trương sức mạnh rầm rộ và gây chú ý của mình để cảnh báo, uy hiếp Triều Tiên.

Ngoài việc triển khai khu trục hạm USS Fitzgerald, quân đội Mỹ còn đưa máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor tới Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận Đại bàng non. "F-22 là chiến đấu cơ hiện đại, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ với đồng minh Hàn Quốc - phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little phát biểu trước báo giới.

Trạm radar có hình dạng giống như giàn khoan dầu - Ảnh: CNN 

Triều Tiên đã đe dọa tấn công Mỹ và các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương nhằm trả đũa việc Mỹ đưa "pháo đài bay" B-52 và "chim sắt tàng hình" B-2 tới tập trận.

Cả hai thứ vũ khí tối tân này đều có khả năng mang vũ khí hạt nhân và đều được đánh giá là những thứ vũ khí đáng gờm hàng đầu thế giới.

Việc Mỹ di chuyển tàu chiến và căn cứ radar tới áp sát Triều Tiên diễn ra sau khi Quốc hội Triều Tiên chính thức công bố Triều Tiên là quốc gia hạt nhân và bổ nhiệm thủ tướng mới.

Trong cuộc họp Quốc hội ngày 1/4, Triều Tiên đưa ông Pak Pong-ju, 74 tuổi vào vị trí tân thủ tướng. Ông Pak từng giữ cương vị thủ tướng từ năm 2003-2007 nhưng bị sai thải vào năm 2007, mà nguyên nhân được cho là do ông muốn thúc đẩy cải cách kinh tế ở nước này.

Quốc hội cũng thông qua sắc lệnh về "củng cố vị thế quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ" - KCNA đưa tin.

Trước đó, trong cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động cầm quyền do ông Kim Jong-un chủ trì, Triều Tiên nhấn mạnh rằng kho vũ khí hạt nhân cần được tăng cường về số lượng và chất lượng.

Hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết Quân ủy Trung ương đã gọi vũ khí hạt nhân là "sự sống của quốc gia" và thề sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân. "Chỉ khi nào lá chắn hạt nhân để phòng vệ được xây dựng nhanh chóng thì chúng ta mới có thể đập tan tham vọng của đế quốc Mỹ muốn thôn tính bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực" - bản tin của KCNA viết.

Cùng ngày, tại cuộc họp với các quan chức quân sự cao cấp, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng những mối đe dọa hiếu chiến của Triều Tiên là "rất nghiêm trọng". "Tôi tin rằng chúng ta nên trả đúa mạnh mẽ và tức thời nếu Triều Tiên có hành động khiêu khích" - bà nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cũng khẳng định Hàn Quốc sẽ thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào cơ sở tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên trong trường hợp Triều Tiên khiêu khích.

Tuy nhiên Nhà Trắng cho hay bất chấp liên tiếp đưa ra các lời đe dọa, Triều Tiên dường như vẫn chưa biến lời nói thành hiện lực, chưa có dấu hiệu tổng động viên lực lượng và di chuyển quân.

Ngày 30/3, Triều Tiên tuyên bố bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc và cảnh báo bất kỳ hành động khiêu khích nào cũng sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân tổng lực.

Triều Tiên còn đe dọa đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong. Tuy nhiên, đường biên giới chạy qua Kaesong vẫn hoạt động bình thường vào ngày hôm qua.

Theo Lao Động

Bình luận
vtcnews.vn