VTCI - NetViet VTC10: Mang chuông đi đánh xứ người

Tổng hợpThứ Năm, 27/09/2012 01:31:00 +07:00

Dù tuổi đời vẫn còn non trẻ nhưng VTCI- NetViet VTC10 đã trở thành một trong những “quân bài” chủ lực của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC.

Dù tuổi đời vẫn còn non trẻ nhưng VTCI- NetViet VTC10 đã trở thành một trong những “quân bài” chủ lực của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC.

Ba năm qua, VTC10 đã rải sóng được ra khắp các địa bàn trọng điểm của nước ngoài, thậm chí ở những quốc gia được xem là “khó nhằn”… Nhân dịp đón nhận quyết định mới của Chính phủ về việc VTC10 trở thành một trong 10 kênh truyền hình trọng điểm quốc gia, Tạp chí Truyền hình Số đã có buổi trò chuyện với ông Phan Chí Thanh - Tổng GĐ Công ty VTCI - GĐ Kênh NetViet VTC10.

 Ông Phan Chí Thanh - Tổng GĐ Công ty VTCI - GĐ Kênh NetViet VTC10.

Sau hơn 3 năm hoạt động, Công ty VTCI- NetViet VTC10 đã hoàn thành được những gì so với mục tiêu ban đầu?

Có thể nói chưa có đơn vị nào có mô hình đặc biệt như VTCI: vừa là doanh nghiệp vừa là cơ quan báo chí. Với tính chất là một doanh nghiệp, một công ty cổ phần, thì VTCI đang làm nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và là một trong 6 đơn vị làm ăn có lãi trong toàn Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Còn về nhiệm vụ chính trị, thì VTCI lại mang sứ mệnh:  xây dựng, phát triển và tổ chức sản xuất kênh truyền hình “Văn hóa Việt- VTC10”.

Thật không dễ dàng gì với gánh nặng vừa là doanh nghiệp vừa làm truyền thông đối ngoại?

Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên thuộc về bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như ngành truyền thông thế giới. Ba năm trở lại đây, hàng loạt công ty truyền thông trong nước bị tan rã, các kênh truyền hình, báo chí lâm vào thua lỗ triền miên. VTCI đã phải có cách đi riêng để có thể trụ lại được vững vàng.

Khó khăn thứ hai là thiếu nguồn lực trầm trọng. Chúng tôi phải làm truyền hình đối ngoại trong bối cảnh tằn tiện, chắt chiu từng đồng và vốn thì phải đi vay. Đây là khó khăn chung của toàn Tổng công ty VTC, nhưng với VTCI thì khó khăn nhân đôi bởi sức ép phải tiến nhanh, đáp ứng nhiệm vụ nhanh.

Khó khăn thứ ba là về chính sách và cơ sở, hành lang pháp lý vẫn chưa thể bắt kịp được so với yêu cầu. Bản thân việc  làm truyền hình theo đơn đặt hàng là một điều chưa từng có trong tiền lệ, trong lịch sử ngành. Vì thế, cả chủ đầu tư - cơ quan quản lý Nhà nước, lẫn người thực hiện dự án, đơn vị nhận đặt hàng đều cảm thấy lúng túng.

Lúng túng bởi hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chưa có, đơn giá để tính định mức cho những sản phẩm đặc thù này cũng chưa có, nên hai bên cứ vừa làm vừa chạy, vừa xây dựng vừa xử lý. Với vai trò tiên phong, VTC10 cũng đã giúp cho các kênh VTC14 và VTC16 sau này rất nhiều trong việc xây dựng chính sách.

 
Và cái khó khăn lớn nhất mà VTCI phải đối mặt là câu chuyện làm thông tin đối ngoại. Bởi bản thân việc xử lý những chuẩn mực trong thông tin đối ngoại ở nước mình còn rất mơ hồ. Trong khi Hàn Quốc thực hiện “sứ mệnh” này rất chuyên nghiệp, có hẳn một bộ máy nhà nước, một ủy ban thông tin đối ngoại, để rồi phim Hàn, nhạc Hàn, ô tô Hàn, mỹ phẩm Hàn tràn ngập thế giới…

Việt Nam chúng ta chưa làm được điều này một cách chuyên nghiệp. Cho nên chúng ta cứ tự mò mẫm, khai phá những bước đầu tiên. Làm thông tin đối ngoại đã khó, làm truyền hình đối ngoại càng khó hơn bởi vì chúng tôi phải xử lý những thông tin nhạy cảm bằng hình ảnh. Thế nào là đúng, là sai? Cái nào nên làm, cái nào chưa nên? Bởi vì bản thân khái niệm “Đối ngoại” cũng đã là rất nhạy cảm! Đó là ranh giới mong manh mà đôi khi bản thân cơ quan thực thi chính sách cũng còn lúng túng.

Vậy còn áp lực cạnh tranh về nội dung với các đơn vị khác trong nước cùng làm truyền hình đối ngoại?

Tôi nghĩ bản sắc của kênh VTC10 đã nằm ngay ở tên gọi: Kênh Văn hóa Việt. Nếu như có đơn vị bạn đã  trở thành một kênh truyền hình đối ngoại tổng hợp có thương hiệu sẵn, thì chúng ta phải đi theo con đường riêng. Đã là người Á Đông thì ai cũng nhớ về nguồn cội, dù bao lâu, dù ở đâu, họ vẫn dành tình cảm thiêng liêng cho quê hương, nhớ về quê hương. Vì thế, chúng tôi quyết định chọn con đường: lấy văn hóa làm nhịp cầu, lấy trái tim để nói với trái tim.

Làm thế nào để dung hòa được hai nhiệm vụ: là một kênh truyền hình dành cho kiều bào ở nước ngoài nhưng vẫn phải phục vụ khán giả trong nước?

Về mặt truyền thông, bao giờ chúng ta cũng phải lựa chọn một đối tượng khán giả rõ rệt nhất của mình và mục đích phục vụ của VTC10 là kiều bào ta ở nước ngoài. Tuy nhiên, may mắn là ngay từ hồi đầu quyết định thành lập cơ số kênh truyền hình của VTC,  tôi là người trực tiếp làm thủ tục xin giấy phép cho kênh VTC10 trở thành kênh chuyên biệt về văn hóa Việt. Mà văn hóa là dòng chảy chung nguồn cội, là tổng hòa của mọi thế hệ và cộng đồng người, như người ta thường nói: Văn hóa không biên giới, không ranh giới.

 
Bởi thế, khán giả trong nước cũng rất yêu thích các chương trình văn hóa. Trong thời gian qua, số lượng khán giả trong nước của kênh đã tăng lên nhiều, thể hiện qua việc tiếp sóng VTC10 qua truyền hình cáp ở các địa phương đang tăng nhanh rõ rệt. Rất tự hào là trong tất cả các kênh truyền hình ở VTC thì VTC10 là kênh đang đi vào hệ thống truyền dẫn của địa phương mạnh nhất, tới 52 đài truyền hình ở các tỉnh. Đó là những minh chứng cho việc VTC10 thực sự có bản sắc và được khán giả chào đón nhiệt tình.

Trong quá trình vươn ra thế giới, VTCI đã học được những gì?

Bài học lớn nhất chính là nhận thức được sự khác biệt ở mỗi quốc gia về khâu tổ chức hệ thống truyền thông để từ đó tìm ra phương pháp đưa thông tin của mình vào một cách thích hợp. Chúng ta vẫn thường nghĩ mang sóng sang Mỹ rất khó khăn, do sự xa cách cả về địa lý, thể chế lẫn nhận thức… Nhưng thực ra không phải là quá khó nếu biết cách tiếp cận. Trong khi đó, nhiều quốc gia gần gũi với mình về văn hóa Á đông như Trung quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan thì lại cực kỳ khó, bởi hệ thống cơ quan quản lý phát thanh truyền hình kiểm soát rất khắt khe. Trong những trường hợp này mình phải có cách đi riêng, và VTC10 đã làm được điều đó.

Bài học thứ hai là ở nước ngoài, thông thường hệ thống cơ quan chính phủ, bộ ngành  là các dịch vụ công, còn mạch máu vận hành guồng máy kinh tế, truyền thông… lại chính là các doanh nghiệp. Vì thế nếu chúng ta dùng mối quan hệ quan phương để đi làm việc với doanh nghiệp thì rất dễ “va” nhau. Nhưng nếu làm việc với nhau giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp thì lại rất phù hợp. Mô hình VTCI ra đời cũng bắt nguồn từ lý do đó. Đây thực sự là mô hình hữu hiệu để đi vào các hệ thống truyền thông địa phương sở tại ở các quốc gia trên thế giới. Đó thực sự là kinh nghiệm xương máu mà chúng tôi thu nhận được.

 
Vậy kế hoạch bung  ra thế giới của VTCI đã triển khai đến đâu, thưa ông?

Chúng tôi đã chia ra một số địa bàn trọng điểm và lên kế hoạch, lộ trình cho các năm. Địa bàn trọng điểm là những nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, hoặc quốc gia có tính chất quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Việt Nam. Một điều may mắn là trong thời gian 1 năm qua, với những địa bàn có tính chiến lược lớn như nước Mỹ thì kênh đã hoàn thành căn bản câu chuyện dự định cho 5 năm.

Ngoài ra, có hai địa bàn mà chúng tôi đã “vào” được, mà lâu nay mọi người vẫn chưa đánh giá cao vì nghĩ rằng thân thuộc quá nhưng  thật ra lại vô cùng quan trọng, đó chính là Lào và Campuchia. Đành rằng khá gần nhưng cũng là hai quốc gia có ngôn ngữ và đặc thù đời sống khác biệt, nên để bà con kiều bào có thể tiếp cận thông tin chính xác ở quê nhà, cũng không đơn giản.

Đây lại là nơi có dân số người Việt tập trung đông và được xem như là “phên dậu” của đất nước ta. Ngoài ra, còn một số địa bàn đặc biệt nhưng cũng rất khó vào như Hàn Quốc và Đài Loan, nơi có tỷ lệ người Việt Nam sang lao động và lập gia đình lên tới hàng trăm nghìn người. Sau một thời gian dài nỗ lực, nhiều lúc có thể gọi là “vật vã” thì VTC10 đã trở thành kênh truyền hình duy nhất ở Việt Nam lấy được giấy phép để đưa sóng vào hai quốc gia này.

Văn hóa kiều bào ở mỗi nơi lại khác nhau, VTC10 đã làm gì để có thể mang đến những “món ăn” tinh thần hợp khẩu vị với từng quốc gia, từng khu vực?

Đây chính là bài toán khó đối với kênh. Chúng tôi hay nói vui rằng người ta làm dâu một nhà thì VTC10 làm dâu triệu họ. Tuy nhiên, cũng may chúng tôi cùng đi trên nhịp cầu văn hóa nên có lẽ dễ tìm thấy sự đồng điệu, dung hòa. Có một loại chương trình mà bất cứ kiều bào ở nơi đâu cũng quan tâm, đó là các “nhịp cầu”  giải đáp tâm tư tình cảm, băn khoăn, vướng mắc về đủ loại thủ tục, từ nhập cư, nhập tịch, mua nhà, đầu tư, cấp phép làm ăn…

 

Ngoài ra có một số chương trình đặc thù như Việt kiều ở Bắc Mỹ thì thích những chương trình giàu bản sắc Nam Bộ, bởi vì gốc của bà con phần lớn là người miền Nam. Còn Việt kiều ở Đông Âu thì số đông là trí thức, vì thế sẽ chú trọng các thông tin kinh tế, đầu tư… Bên cạnh đó, ở các quốc gia Âu, Mỹ  chúng tôi luôn đề cao các chương trình dạy tiếng Việt bởi ở đây thế hệ trẻ đã bước sang đời thứ 3, thứ 4 và đang dần xa lạ với tiếng tiếng Việt.

Hiện nay, VTC10 đã có những chương trình “đinh” nào để kết nối một cách tốt nhất giữa kiều bào nước ngoài với người Việt trong nước?

Về mảng nhịp cầu, giải đáp thắc mắc, tâm tư tình cảm của kiều bào thì chúng tôi có chương trình “Kết nối cộng đồng”. Ngoài ra, “Người Việt 4 phương” sẽ giới thiệu chân dung và cuộc sống bà con Việt kiều ở các nơi trên thế giới, để trong nước kết nối với kiều bào và kiều bào kết nối với kiều bào. Mới đây, VTC10 có thêm một dạng chương trình mới rất thú vị đó là chương trình “Một ngày làm người Việt” dành cho người nước ngoài ở Việt Nam. Fomat chương trình là sự sáng tạo độc đáo của anh em VTC10, mà sau này nhiều đồng nghiệp ở Đài bạn cũng đã học tập ý tưởng này. 

Như ông  nói, ở VTC10 phần lớn là những người trẻ nhưng tiêu chí về công việc ở một kênh truyền hình đối ngoại lại đòi hỏi phông nền kiến thức rất cao, vậy kênh giải quyết khó khăn này như thế nào?

Thị trường nhân lực truyền thông ở Việt Nam vốn dĩ là sự “thay máu” liên tục giữa các kênh, đài với nhau, nơi này chảy đi thì nơi kia hút về. Vì thế, quan trọng nhất là khâu đào tạo. Nhân sự trẻ, nhiều sinh viên mới ra trường, bản thân các em chưa từng được cọ xát với môi trường làm truyền thông, huống hồ là truyền thông đối ngoại. Tuy nhiên, VTC10 tự hào là một trong những đơn vị ở Đài tổ chức công tác đào tạo phóng viên một cách bài bản nhất.

Các bạn trẻ được tham gia những lớp học với giảng viên là các phóng viên báo chí đối ngoại giỏi, các lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia làm việc ở các cơ quan thông tin đối ngoại, thậm chí là các giảng viên nước ngoài như tổ chức SIDA Thụy điển, hãng Reuter… Thông tin đối ngoại chẳng có giáo trình nào bài bản, mà chủ yếu là sự truyền thụ, bồi đắp kinh nghiêm.  Và VTCI  thực hiện rất quyết liệt, liên tục vấn đề này. Chúng tôi có hẳn một trung tâm đào tạo để giải quyết chất lượng nhân sự, cả công ty phải đi học, không kể sếp hay nhân viên.

Theo quyết định mới đây của Chính phủ thì VTC10 đã trở thành một trong 10 kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia. Kênh đã chuẩn bị những gì để đón nhận sứ mệnh cao cả này?

Đây cũng chính là điều mà toàn thể anh em VTCI đang trăn trở. Vinh dự này giúp chúng tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng và vui mừng hơn khi được một hành lang pháp lý của Chính phủ hỗ trợ. Nhưng áp lực có lẽ cũng lớn hơn. Chúng tôi đặt chỉ tiêu là VTC10 sẽ phủ sóng khắp thế giới qua vệ tinh. Sau đó là khai thác thế mạnh của truyền thông đa phương tiện, trong đó có các công nghệ truyền hình của tương lai như  IPTV, OTT TV... Còn về nội dung, chúng tôi đang gia tăng nhiều phiên bản để phù hợp với nhiều quốc gia, khu vực khác nhau trên thế giới.

Hiện nay, công tác truyền thông đối ngoại ở các tỉnh thành trong nước vẫn còn yếu. Chính vì thế, khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 21 về triển khai chiến lược Thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, VTCI đã khẩn trương  xây dựng các gói truyền thông đối ngoại cho các địa phương bằng cách nói với họ rằng chúng tôi có cả một thế giới rộng mở để giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người cho các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều địa phương  rất hào hứng. Đã có Quảng Ninh, Ninh Bình tham gia và sắp tới là Quảng Nam, Gia Lai… Khó khăn vẫn còn nhiều, thử thách vẫn còn phía trước, nhưng tập thể anh em VTC10 đã thực sự sẵn sàng cho sứ mệnh mới!

Vâng, xin cảm ơn ông!

Thanh Hươngthực hiện

 

Bình luận
vtcnews.vn