Vòng bảng World Cup 2014: Ngập tràn bàn thắng, xôn xao Suarez cắn người

Thể thaoThứ Sáu, 27/06/2014 09:45:00 +07:00

(VTC News) - Vòng bảng World Cup 2014 ngập tràn bàn thắng và đủ đầy xúc cảm cho người hâm mộ

(VTC News) - Vòng bảng World Cup 2014 ngập tràn bàn thắng và đủ đầy xúc cảm của một trong những vòng chung kết bóng đá thế giới hay nhất từ trước đến nay.

Nhiệt độ càng cao, bàn thắng càng nhiều
Sau tổng cộng 48 trận đấu tại vòng bảng World Cup 2014, chỉ có 5 trận đấu kết thúc không tỷ số. Tổng cộng đã có tới 136 bàn thắng được ghi, trung bình 2,83 bàn/trận. Đội ghi được nhiều bàn nhất là tuyển Hà Lan với 10 bàn, và đội ghi được ít bàn nhất nhưng vẫn giành quyền vào vòng 1/16 là Hy Lạp, với vỏn vẹn 2 bàn. 
World Cup 2014 đã chứng kiến rất nhiều bàn thắng
 World Cup 2014 đã chứng kiến rất nhiều bàn thắng
Tại thời điểm World Cup 2014 trôi qua được 44 trận, tỉ lệ bàn thắng đạt mức kỉ lục trong lịch sử với 2,95 bàn/trận - con số cao hơn 2,94 bàn/trận, sau 32 trận ở World Cup 1970. 
Các trận đấu ở vòng knock-out: Brazil-Chile;Hà Lan - Mexico;Colombia - Uruguay;Costa Rica - Hy Lạp;Pháp - Nigeria; Argentina - Thụy Sĩ; Đức - Algeria; Bỉ - Mỹ.

Lý giải cho việc số bàn thắng tăng cao, các chuyên gia cho hay: Đa phần các đội bóng đều chọn cách nhập cuộc trận đấu chậm rãi và tấn công nhanh hết mức có thể để tận dụng sai lầm của đối thủ, nhất là vào những phút cuối trận - giai đoạn mà bất cứ hệ thống phòng thủ chơi chủ động nào đều bị rơi vào thế hụt hơi. 
Ngoài ra, cấu tạo trái bóng Bracuza cũng là một nguyên nhân chính khi thiết kế của nó “chiều lòng” ý đồ dứt điểm của các cầu thủ hơn. 
Clip: Mỹ 2-2 Bồ Đào Nha, một trong những trận đấu hay ở vòng bảng World Cup 2014
Cuộc chia tay của một thế hệ
Sau khi Tây Ban Nha chính thức bị loại khỏi World Cup 2014, Iker Casillas đã nói rằng: “Thế hệ của tôi không thể kết thúc như thế này được”. Câu nói của thủ thành 33 tuổi có thể hiểu ngắn gọn là La Roja đang đứng trước cuộc chia tay “thế hệ tiki-taka” lừng danh gồm những nhân tố chủ chốt như Xavi, Villa hay Xabi Alonso để nhường chỗ cho lứa cầu thủ khác cùng lối chơi cải tiến hơn. 
Mở rộng khỏi phạm vi tuyển Tây Ban Nha, có lẽ World Cup 2014 sẽ là sân chơi quốc tế cuối cùng mà người hâm mộ có thể nhìn thấy những ngôi sao gạo cội khác thi đấu, như Steven Gerrard, Frank Lampard (tuyển Anh), Buffon, Andrea Pirlo (Italia), Tim Cahill, Bresciano (Australia), Samuel Eto’o (Cameroon), Didier Drogba (Bờ Biển Ngà), Endo, Hasebe (Nhật Bản)...
World Cup 2014 nói lời chia tay một thế hệ tài năng bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới
 World Cup 2014 chia tay một thế hệ tài năng bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới
Ở một khía cạnh khác, World Cup 2014 còn nói lời chia tay với "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2013" - Crsitiano Ronaldo. Sau 3 trận ra sân, siêu sao 29 tuổi đã ghi được 1 bàn thắng và 3 lần... đổi kiểu tóc. 
Bóng đá châu Á, châu Phi gây thất vọng 
Bốn đại diện của châu Á tại World Cup là Australia, Nhật Bản, Iran và Hàn Quốc đều đã bị loại khỏi World Cup mà không thể thắng một trận nào. Để lại nhiều thất vọng nhất chính là Nhật Bản - đương kim vô địch châu Á, khi mà trong đội hình của họ có khá nhiều tên tuổi đã thành danh ở tầm thế giới như Shinji Kagawa, Keisuke Honda hay Hiroshi Kiyotake. 
Trong khi đó, Australia để lại dấu ấn đậm nét với trận thua kiên cường 2-3 trước Hà Lan, Iran suýt làm nên chuyện nếu Lionel Messi không có khoảnh khắc thiên tài vào những gây bù giờ cuối trận, Hàn Quốc thể hiện được lối chơi đôi công mạnh mẽ trước các đội bóng thực lực tốt hơn. 
ĐKVĐ châu Á - Nhật Bản gây thất vọng tại World Cup 2014
 ĐKVĐ châu Á - Nhật Bản gây thất vọng tại World Cup 2014
Khá khẩm hơn châu Á, châu Phi có 2/5 đại diện lọt vào vòng 1/16, Algeria và Nigeria. Điều đáng buồn là nguyên nhân chính khiến Cameroon, Ghana bị loại là do vấn đề tiền thưởng - thực trạng nhức nhối đã tồn tại từ lâu. Trong khi đó, nguyên nhân khiến Bờ Biển Ngà sớm chia tay đấu trường World Cup chủ yếu đến từ những vấn đề chuyên môn lẫn chuyển giao giữa 2 thế hệ cầu thủ. 
Ám ảnh trọng tài
Công tác yếu kém của trọng tài là điều không thể bỏ qua khi xét đến điểm xấu của kì World Cup lần này. Những “ông Vua áo đen” chỉ khiến người hâm mộ thích thú với công nghệ Goal-line và bình xịt vạch vị trí đá phạt. 
Thực tế thì ngay ở trận mở màn World Cup giữa Brazil - Croatia, bóng ma trọng tài đã ám ảnh các đội bóng. Sau trận đấu trên, HLV Niko Kovac đã than trời rằng, World Cup áp dụng “luật bóng rổ”, vì trọng tài Nishimura cho Brazil hưởng quả penalty sau tình huống đóng kịch của Fred trong vòng cấm. 
Công tác trọng tài tại World Cup 2014 có rất nhiều vấn đề phát sinh
 Công tác trọng tài tại World Cup 2014 có rất nhiều vấn đề phát sinh
Ngoài ra, sau 48 trận đấu, trọng tài còn ám ảnh các đội bóng qua những thông số sau: 7/9 thẻ đỏ trực tiếp, 9 quả penalty, và đặc biệt là 3 tình huống bắt việt vị “trời ơi đất hỡi” trong 2 trận đấu Mexico - Cameroon (2 tình huống của Giovani Dos Santos), Bosnia - Nigeria (1 tình huống của Edin Dzeko).
Nhìn lại 2 kì World Cup gần nhất để so sánh, sau 64 trận đấu, World Cup 2010 có 9/17 thẻ đỏ trực tiếp, 9 quả penalty, còn World Cup 2006 có 9/25 thẻ đỏ trực tiếp, 11 quả penalty. 
Vết cắn ‘lịch sử’ của Suarez
Trong trận đấu giửa Italia - Uruguay, Luis Suarez đã có hành vi mà nhiều tờ báo miêu tả là “thú tính” - cắn vào vai trung vệ Giorgio Chiellini. Với hành vi cực kì xấu xí này, tiền đạo “răng thỏ” của Uruguay đã phải nhận án phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử World Cup. Theo đó, Suarez bị cấm thi đấu 9 trận đấu quốc tế, không được tham gia bất cứ hoạt động bóng đá nào trong 4 tháng và nộp phạt 110 nghìn USD (khoảng 2,3 tỉ đồng). 
Hành động cắn vào vai Chiellini của Luis Suarez
 Hành động cắn vào vai Chiellini của Luis Suarez
Trong quá khứ, án phạt nặng nhất từng thuộc về Mauro Tassotti của Italia ở World Cup 1994, với lệnh cấm thi đấu 8 trận đấu quốc tế sau khi đánh thẳng vào mặt cầu thủ đối phương. 
Clip: Italia 0-1 Uruguay

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn