VN: Nhiều "con bọ" nguy hiểm hơn bọ xít hút máu người

Thời sựThứ Sáu, 09/07/2010 10:09:00 +07:00

(VTC News) - Ông Châu cho mẫu đó vào hóa chất xử lý và soi trên kính hiển vi độ phóng đại 300 lần, cuối cùng đã phát hiện được loài ghẻ dài rất nguy hiểm.

(VTC News) - Gần đây, thông tin về những loài bọ xít hút máu người được phát hiện ở Hà Nội và một số tỉnh miền Trung khiến dư luận cả nước lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về những loài bọ xít này, PV VTC News được PGS.TS Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét - kí sinh trùng - côn trùng Trung ương) cho biết, ngoài muỗi là loài côn trùng đặc biệt nguy hiểm đã được nghiên cứu nhiều, phổ biến đến đông đảo người dân thì còn rất nhiều loài chân đốt khác thực sự là những “sát thủ máu lạnh”, nguy hiểm hơn cả một số loài bọ xít trên.

Dưới đây là nhận dạng đặc điểm một số loại ký sinh trùng "máu lạnh" được PGS.TS Nguyễn Văn Châu phác họa. Cùng với đó là những dẫn chứng người thật, việc thật mà trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, PGS.TS Châu trực tiếp theo dõi và điều trị.

Bị ve chó đốt tưởng nhiễm HIV


Có nhiều loài ve ký sinh trên chó, nhưng thường thấy nhất là loài Rhipicephalus sanguineus, có hình dáng quả lê và màu nâu đen. Chiều dài ve từ 3 - 4,5 mm. Con trưởng thành có 4 đôi chân. Ấu trùng và thiếu trùng 3 đôi chân.

Khi hút máu no, kích thước cơ thể ve tăng lên nhiều lần và rơi xuống đất đẻ trứng. Mỗi lần ve cái có thể đẻ lên tới hàng vạn trứng, trứng nở ra hàng vạn ấu trùng. Sau đó ấu trùng lột xác thành thiếu trùng, qua hai lần lột xác trở thành ve trưởng thành. Ấu trùng và thiếu trùng bò đi khắp nơi, trên tường, giường tủ, quần áo … trong và ngoài nhà tìm vật chủ chính là chó mèo để hút máu, nếu không gặp vật chủ chính thì sẵn sàng đốt người.

PGS.TS Nguyễn Văn Châu: "Còn nhiều loài chân đốt khác nguy hiểm hơn bọ xít hút máu người".

Ở nước ta, ve chó có nhiều ở vùng núi đá như TP.Hạ Long (Quảng Ninh), Hải Phòng, Tam Điệp, Cúc Phương (Ninh Bình). Vết cắn của ve tạo nên vết thương cục bộ, dễ gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, độc tố do ve tiết ra, kèm theo răng ve cắm vào sẽ làm da sưng tấy, đau nhức hàng năm (1-3 năm). Khi ve bám nhiều hút máu, con vật sẽ bị mất máu, gầy mòn và luôn luôn ở trong trạng thái bị kích thích.

Đầu tháng 5/2010, hai mẹ con cô Đặng Thị Lan (Hải Phòng) không may trở thành nạn nhân của ve chó mà không hề hay biết. Người hai mẹ con nổi mẩn đỏ lớn, tâm trạng luôn cảm thấy bực bội. Ngồi hay ngủ không yên, ngứa ngáy khắp người; càng gãi càng sưng, xước da, viêm nhiễm.

Gia đình chồng chị Lan cho rằng hai mẹ con chị bị ma nhập nên mới ngứa ngáy đến thế. Ngay lập tức, họ mời thầy cúng về đuổi tà ma. Thầy cúng sau khi đến lập đàn trừ ma rồi nhìn chằm chằm vào chị Lan phán: “Hiện cô này đang bị ma nhập rất nặng, nếu không trừ sớm chẳng mấy chốc mà chết”.

Thậm chí, người nhà còn nghi ngờ hai mẹ con bị nhiễm HIV giai đoạn cuối do có một số biểu hiện giống như có nhiều nốt thâm, đỏ… trên da. Hàng xóm bắt đầu cũng cảnh giác hơn với hai mẹ con chị Lan, họ không còn dám đứng gần chị vui vẻ trò chuyện như xưa. Hai mẹ con chị Lan gần như bị cô lập vì những tiếng ác do căn bệnh quái lạ này gây ra.

Ve chó, loài chân đốt đáng sợ hàng đầu.

Dù biết rằng sự thật không phải như thế nhưng chị Lan cũng không biết làm cách nào để minh oan. Chị Lan ngày càng lo lắng và hoảng loạn. Tình cờ một lần chị gặp anh bạn làm việc ở Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế Hải Phòng tên N. và kể về căn bệnh kì lạ của mình. Bằng kinh nghiệm, anh N nghi vết thương đó do côn trùng đốt nên giới thiệu mẹ con chị Lan lên Viện Sốt rét – Kí sinh trùng – côn trùng Trung ương nhờ PGS.TS Châu giúp đỡ.

Sau khi nghe chị Lan kể tỉ mỉ diễn biến bệnh của mình, ông Châu xác định là do côn trùng gây ra và đã hướng dẫn cho gia đình phun hóa chất diệt côn trùng. Sau đó chị Lan quét hết những xác loài côn trùng cho vào túi bóng gửi về Viện xem xét. Qua mẫu vật thu thập, ông Châu đã xác định đó là loài ve chó Rhipicephalus sanguineus.


Sau đó, không cần dùng đến các bài đuổi tà ma của vị thầy cúng chị Lan đã có thể chữa khỏi bệnh và sống vui vẻ với gia đình cũng như chứng mình cho bà con chòm xóm rằng chị không bị nhiễm HIV. Thỉnh thoảng chị Lan vẫn lên thăm ông Châu và các cán bộ ở Viện rồi nhắc lại câu chuyện cười ra nước mắt nhưng lại rất đáng sợ đã qua của mình. Chị cũng cho biết thêm, không chỉ mình chị mà ở khu nhà của chị cũng có nhiều rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười này

Ghẻ thân dài (thuộc họ demodicidae): Loài vật đáng sợ

PGS.TS Châu cho biết, chị T. gần 50 tuổi, hiện đang định cư bên Đức, mắc một bệnh lạ ở Đức nhiều năm trước nhưng chữa chạy không khỏi. Cuối năm 2008, chị T về Việt Nam thăm gia đình và kể cho mọi người nghe căn bệnh kỳ lạ của mình với các triệu chứng: người lúc nào cũng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, có cảm giác như có nhiều con gì đang bò trong da thịt mình và mỗi khi gãi đều tưởng như bắt được một cái gì đó.

Quá sợ hãi, chị T đã đi khám ở các bệnh viện bên Đức nhưng bác sĩ cũng không thể phát hiện ra bệnh. Về Việt Nam, chị T có tới khám ở viện Da liễu,  bệnh viện Bạch Mai nhưng các bác sĩ tại đây cũng kết luận chị T mắc bệnh ghẻ và cho thuốc bôi.

Chưa thỏa mãn với kết quả đó, chị T tìm đến viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để khám tại khoa Khám bệnh chuyên ngành của Viện. Sau đó, khoa khám bệnh chuyên ngành giới thiệu chị lên PGS.TS Nguyễn Văn Châu, làm việc tại phòng nghiên cứu chân đốt y học của Viện.

Tại đây, ông Châu phát hiện trên chân, tay, lưng của chị T đều có những nốt đỏ lấm chấm sâu theo lỗ chân lông và chị T thường xuyên gãi. Khi gãi, chị T vê ngón tay đưa cho ông Châu những mẩu nhỏ như bụi than. Lúc đầu, ông Châu đưa lên kính hiển vi xem nhưng chỉ thấy đó là những mẫu bụi than đen. Chị T vẫn tiếp tục gãi và đưa mẫu cho ông Châu. Ông Châu cho những mẫu bụi đó vào hóa chất xử lý và soi trên kính hiển vi độ phóng đại 300 lần, cuối cùng đã phát hiện được loài ghẻ dài rất nguy hiểm. Loài này chuyên ký sinh, đẻ trứng và nở ra con sâu trong túi nhờn của gốc lông, thuộc giống Demodex, bộ ghẻ Sarcoptiformes.

 Ghẻ thân dài (Loài này thuộc họ demodicidae)

Sau đó, PGS. TS Châu đã tư vấn cách điều trị cho chị T. Dịp tết Canh dần, chị T thông báo bệnh tình đã giảm nhưng chưa khỏi hoàn toàn. Sau đó, ông lại tiếp tục tìm kiếm những phương thuốc mới tư vấn cho chị, từ đó tới nay ông chưa nhận được thông tin từ chị T.
.

Bọ xít hút máu người “nguy hiểm nhưng không đáng sợ"

Về thông tin bọ xít hút máu người xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc, trong đó có Hà Nội. TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết: "Mọi người phải hết sức bình tĩnh vì hiện tại chưa có công bố nào về khả năng truyền bệnh của loài bọ xít hút máu người này. Người dân cũng chưa nên dùng các loại thuốc diệt côn trùng để phun trong nhà vì hiện tại đang là mùa hè oi bức, dùng thuốc diệt côn trùng sẽ gây ra nhiều phản ứng không tốt cho da. Khi phát hiện ra các vết đốt, người dân nên dùng thuốc mỡ bôi lên vết thương để tránh nhiễm trùng da. Đây là một loài côn trùng nguy hiểm nhưng không đáng sợ”.

Qua đó, TS Lam cảnh báo: “Nếu phát hiện loài bọ xít khả nghi, người dân có thể mang cho chúng tôi để nhờ giúp đỡ, kiểm tra”.

PGS.TS Nguyễn Văn Châu - Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cũng khẳng định: “Ở Việt Nam cũng có loại bọ xít này nhưng khả năng truyền bệnh của nó rất thấp và hầu như không có vì thế các vết đốt của loài bọ xít này cũng chỉ như các vết muỗi đốt hoặc ong châm”. Ông Châu cũng cho biết, hiện ông cũng đang làm báo cáo để gửi lên Bộ Y tế để trả lời về vấn đề này.

Còn tiếp
...

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn