Việc trị 'quái thú' trên mặt thiếu nữ gặp khó khăn

Thời sựThứ Ba, 20/12/2011 07:05:00 +07:00

(VTC News) - “Nếu đến điều trị ngay sau khi bị xăm, chúng tôi đảm bảo có thể chữa lành lặn hoàn toàn cho cháu, tuy nhiên giờ rất khó khăn".

(VTC News) - Những vết xăm trên mặt và ngực của cô gái đã được xoá, tuy nhiên do hạn chế về công nghệ nên làm da bị tổn thương nghiêm trọng, vết thương sâu hơn và bị viêm nhiễm. Điều lo ngại nhất là các vết thương sẽ hình thành nên những vết sẹo lồi.

Liên quan đến việc chữa trị và phẫu thuật thẩm mỹ để xoá những con rết trên mặt và ngực, chị Nguyễn Thị Giang (SN 1991, quê ở Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An) - nạn nhân trong vụ “cô gái bị xăm hình mặt rết”, ngày 19/12, bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc đã tổ chức hội chẩn và đưa ra những nhận định cũng như phác đồ điều trị cho bệnh nhân.

Trao đổi với báo chí, GS.TS, Bác sĩ Nguyễn Thị Dụ - Giám đốc Bệnh viện cho biết, những hình xăm trên mặt và trên ngực của cháu Giang đã được tẩy xoá bằng công nghệ Laze CO2 tại một cơ sở thẩm mỹ ở TP Vinh.

Tuy nhiên do cơ sở này hạn chế về kỹ thuật nên đã để lại những vết thương rất sâu đến phần hạ bì của da, làm cho các vết thương bị lõm sâu và viêm nhiễm. Vết thương này nếu để bình thường sẽ chuyển thành sẹo lồi.

Vết thương của "cô gái mặt rết" giờ điều trị sẽ khó khăn hơn.

Bác sĩ Dụ khẳng định rằng “Nếu đến điều trị ngay sau khi bị xăm, chúng tôi đảm bảo có thể chữa lành lặn hoàn toàn cho cháu. Tuy nhiên, do đã hơn ba tuần, lại qua điều trị tại một trung tâm thẩm mỹ khác khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn hơn”.

Với tình hình như vậy, bệnh nhân Nguyễn Thị Giang sẽ được điều trị qua nhiều giai đoạn. Thứ nhất là việc chữa trị về tinh thần, thứ hai là việc chống viêm, nhiễm khuẩn bằng kháng sinh tại các vết thương, việc này cần 1-2 ngày mới hoàn thành. Tiếp sau đó, các bác sẽ tiến hành làm cho những vết sẹo ở mặt và ở ngực mất đi.

Tuy nhiên, bác sĩ Dụ cũng bày tỏ lo ngại về những vết thương sẽ để lại sẹo. “Việc để lại sẹo là điều chắc chắn, nên trong quá trình điều trị, bệnh viện sẽ mời những bác sĩ đầu ngành về thẩm mỹ để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất ” - bác sỹ Dụ cho biết.

Trong phác đồ điều trị, các bác sĩ cũng loại bỏ luôn phương pháp cấy da, vì họ cho rằng việc cấy da ở những vị trí này cũng mất rất nhiều thời gian và không phải cứ cấy da xong là không có sẹo. Nếu cấy da thì phải cắt toàn bộ chỗ da bị sẹo, lấy da ở trên cơ thể lấp vào vết thương nhưng chưa chắc da đã kết dính, nếu không ghép được có thể vùng da đó lại bị hoại tử, khi đó việc chữa trị càng phức tạp hơn.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Thị Chung - Khoa Công nghệ cao Laze cho biết, đây là ca bệnh đầu tiên mà bệnh viện chữa trị liên quan đến đánh ghen. Trước đây, những người đi xăm thẩm mỹ cũng tự nguyện và đi xoá cũng tự nguyện nên việc tái tạo lại da là bình thường. Còn vết xăm của bệnh nhận Giang là vết xăm phá huỷ, công tác chữa trị cũng vì thế mà khó khăn hơn.

Dự kiến quá trình điều trị cho bệnh nhân Giang có thể kéo dài từ 3-4 tuần, “Việc hồi phục đến đâu và như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng tôi không dám khẳng định là chữa được bao nhiêu phần trăm nhưng sẽ cố gắng hết mình” - BS Dụ bày tỏ.

Hiện tại, tâm lý của  cô đã ổn định hơn, bệnh viện đã tiến hành các xét nghiệm cần thiết (sinh hóa máu, chụp phổi, siêu âm ổ bụng…) và hội chẩn tại bệnh viện bước đầu cho thấy, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, gan, lách, thận, máu bình thường…

Nguyễn Dũng – Anh Tuân

Bình luận
vtcnews.vn